Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Bão giá" đè nặng vai người trồng lúa
12 | 03 | 2008
Thời bão giá, nông dân trồng lúa cũng... có lời. Nhưng lời cũng thua vì vật giá leo thang. Còn nhà thu mua lúa gạo thì không có tiền mua lúa do khó vay và lãi suất cao.
Chị Võ Thị Hoá ở ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, quận Cái Răng - Cần Thơ làm 10 công ruộng (1 công = 1.000m2). Vụ Đông Xuân này chị thu hoạch được 6 tấn lúa, chị cho biết, nếu trừ chi phí đầu tư, phân bón, lãi vay ngân hàng… mỗi công như vậy lời khoảng hơn 1.000.000 đồng. Tính ra thì nhiều vậy, nhưng khi bán lúa trả nợ vay và mua đồ xài hằng ngày loay hoay thì hết tiền, vì hiện nay cái gì cũng lên giá hết. "Bão giá" đến cùng lãi suất vay ngân hàng

Đơn cử như giá phân bón DAP, ba tháng trước chỉ có 500.000 đồng/bao, loại 50kg, nay tăng lên 1.0500.000 đồng/bao. Urê cách nay 3 tháng giá 300.000 đồng/bao 50kg, nay tăng lên 450.000 đồng/bao. Các loại phân bón khác và vật tư nông nghiệp cũng tăng gấp rưỡi, gấp 2 lần.

Giá tiêu dùng cũng tăng không ngờ, tất cả tăng lên 20-30%. Đơn cử như thịt heo đùi cách nay 3 tháng chỉ giá 45.000 đồng, nay tăng lên 85.000 dồng/kg; thịt bò bắp, cách đây 3 tháng giá 75.000 đồng, nay tăng lên 105.000 đồng/kg.

Chị Hoá còn cho biết, nghe đâu ngân hàng sẽ tăng lãi suất vay trong vụ lúa Hè Thu lên từ 1% tháng như trước kia lên 1,5-1,7%/tháng. Phân bón, vật tư nông nghiệp cũng tăng lên rất mạnh từ 20%-30% so với cuối năm 2007.

Tương tự, anh Huỳnh Việt Tùng, người làm 5 công đất lúa ở ấp Thạnh Mỹ, xã Tân Phú Thạnh, Châu Thành, Hậu Giang, anh làm vụ hè thu tổng cộng được 1.800kg lúa. Xong mùa cũng trắng tay, vì lời mỗi công hơn 1.000.000 đồng, trả nợ vay, trừ chi phí đầu tư xong cũng gần hết tiền.

Thu mua lúa: Có hợp đồng xuất khẩu mới được vay

Mô tả ảnh.
Thu mua lúa gạo ở Mỹ Khánh, Cần Thơ.
Các tiểu thương, hàng xáo thu mua lúa hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, trừ một số người có vốn tự có kinh doanh kiếm lời, số này rất ít, số còn lại mua lúa dự trữ nhưng phải vay vốn ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Sứ, 58 tuổi, người chuyên mua lúa gạo cung ứng xuất khẩu ở thị trấn Cái Tắc – Châu Thành, Hậu Giang cho biết: Giá lúa hơn tuần nay tăng liên tục 4.200kg/kg cho tới 5.000 đồng/kg, tuỳ loại lúa. So với cùng kỳ năm 2007 giá cao hơn 1.500-1.800 đồng/kg. "Năm trước, tháng này, tôi vay vốn được để mua lúa dự trữ. Năm nay, từ cuối tháng 2 đến nay, tôi có làm đơn vay vốn nhưng chưa được xét cho vay...", bà Sứ nói.

Bà Sứ cho rằng, nếu năm nay cho vay bằng năm trước thì các doanh nghiệp chỉ mua được lượng lúa bằng 60% số lúa mua năm trước do giá tăng. Tại nhà máy xay xát Út Hiền ở Thị trấn Cái Tắc, Châu Thành - Hậu Giang, ông Hiền cho biết, đã làm hồ sơ vay 500 triệu đồng để mua lúa bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu, thế nhưng hồ sơ hai tuần nay không được xét duyệt giải ngân. Khó vay, lãi suất cao là thực tế hiện nay đối với doanh nghiệp, cá nhân thu mua lúa gạo.

Ông Nguyễn Tiến Tình, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Chi nhánh Cần Thơ cho biết, hiện nay, ngân hàng đang cho vay chăn nuôi và trồng trọt bình thường, tuy nhiên lãi suất trung bình từ 1,5 đến 1,6%/tháng, cao hơn trước tháng 2/2008. Tuy nhiên, vốn vay lãi suất cao, khách hàng hơi thưa vắng.

Không chỉ doanh nghiệp nhỏ thu mua lúa gạo khó vay vốn, nhiều doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn do lãi suất và siết chặt vốn vay của ngân hàng. Ông Đào Thanh Cần, Phó Giám đốc Công ty cổ phần MeKong Cần Thơ, một doanh nghiệp thu mua chế biến và xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết, năm nay giá lúa tăng cao, cần vốn nhiều, trong khi đó ngân hàng cho vay hạn chế, chỉ cho doanh nghiệp vay khi có hợp đồng xuất khẩu, không cho vay mua lúa dự trữ khi chưa có hợp đồng xuất khẩu. Trong khi đó giá đô la giảm, lãi suất tăng gần gấp hai lần là những khó khăn chung đối với nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam.

Các năm trước đây, Chính phủ chỉ đạo ngân hàng cho vay lãi suất thấp để doanh nghiệp mua hết lúa hàng hoá của nông dân. Năm nay, ngân hàng cạn tiền mặt, nên nếu có hợp đồng doanh nghiệp mới được cho vay, trong khi giá lúa tăng nhanh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang lo lắng.

GS.TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho rằng: Lạm phát đang tác động không nhỏ đến sản xuất và chế biến lúa gạo ở ĐBSCL. Vay vốn lãi suất cao, xăng dầu tăng cao, người sản xuất lúa và nuôi cá đứng trước nguy cơ thua lỗ, chưa nói nguồn vốn vay hiện nay sẽ giải ngân khó khăn. Về chế biến, xuất khẩu gạo, đòi hỏi số vốn lớn nhưng vốn hạn chế và lãi suất cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam và các công ty xuất khẩu gặp khó khăn. Tất cả những khó khăn đó sẽ là gánh nặng đè lên vai người nông dân ĐBSCL.


Nguồn: VietNamNet

Liên hệ với người gửi tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường