Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chính sách nào đảm bảo an ninh năng lượng
02 | 05 | 2008
Trước tình hình giá dầu lửa không ngừng tăng cao và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ phát triển bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài, nhất là dầu mỏ đã trở thành vấn đề đặc biệt quan tâm ở mỗi nước...

Đó là quan điểm của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm tại Diễn đàn Chính sách An ninh Năng lượng ASEM lần thứ nhất diễn ra ngày 11/4 vừa qua tại Hà Nội. Phó Thủ tướng còn cho biết: Do sự phát triển chưa đồng đều trong ASEM, nên khi các nước phát triển đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách để áp dụng công nghệ tiên tiến về tái tạo, bảo tồn năng lượng, sản xuất năng lượng thay thế nhiên liệu xăng dầu thì nhiều nước vẫn chỉ mới bắt đầu. EU đã có kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ việc khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo với mục tiêu là nguồn năng lượng này sẽ chiếm đến 25% tổng nhu cầu năng lượng vào năm 2020. Trong khi đó, các nước đang phát triển ở châu Á hiện vẫn còn ở những bước đi đầu tiên, thiếu khung chính sách khuyến khích, thiếu nguồn tài chính, công nghệ và kinh nghiệm khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới và chưa ý thức đầy đủ về nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong tương lai.       

Với quan điểm hợp tác cùng phát triển trong ASEM việc tổ chức diễn đàn ASEM về Chính sách An ninh Năng lượng lần thứ nhất tập trung bàn về chính sách phát triển năng lượng mới và tái tạo, năng lượng thay thế, bảo tồn năng lượng truyền thống, các giải pháp tăng cường an ninh năng lượng, nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEM để chia sẻ kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, chuyển giao công nghệ,…

Trong thời điểm khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu, việc đưa ra các mục tiêu cũng như phương hướng khai thác và sử dụng nguồn năng lượng là rất cần thiết. Thời điểm nhạy cảm nền kinh tế, lạm phát gia tăng, cạn kiệt nguồn tài nguyên… Một câu hỏi đặt ra trong diễn đàn là: Phải làm thế nào để sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý nhất, điều đó cần phải đưa ra các chính sách cụ thể và biện pháp thực hiện trong các năm tới.

Từ tình hình kinh tế xã hội và năng lượng Việt Nam, Ông Lê Tuấn Phong - Cục trưởng Cục năng lượng Việt Nam nhận định: Việt Nam là nước có dân số 82,6 triệu người trong đó, 76,0 % sống tại vùng nông thôn và 24,0% sống tai thành thị, dự kiến đến năm 2010 dân số VN là 88 triệu người và đến năm 2020 là 98 triệu người, dự đoán tỷ lệ phát triển trung bình là 1,5% (2000- 2020), Tỷ lệ phát triển sản phẩm quốc nội (GDP) trong 2010-2020 là 8,5%. Trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam ngày càng lớn.

Theo quan điểm của ông Phong, việc phát triển lĩnh vực năng lượng phải theo sát  với chiến lược phát triển kinh tế và phải đảm bảo việc đi trước một bước với tỷ lệ cao và ổn định, đông bộ hóa song song với tính đa dạng của các nguồn năng lượng và hiệu quả năng lượng và sự bảo tồn như một nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Phát triển lĩnh vực năng lượng quốc gia phải tuân theo sự hòa nhập Quốc tế, dần dần củng cố thị trường năng lượng, đa dạng hóa quyền sở hữu và phương thức kinh doanh để đáp ứng những lợi ích tốt nhất… 

Để đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, Việt Nam nên kết hợp chặt chẽ giữa an ninh Quốc gia và phát triển kinh tế, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng nội địa. Việc hoàn tất chương trình năng lượng nông thôn đảm bảo đến năm 2010 50% hộ gia đình nông thôn được sử dụng năng lượng thương mại và 95% hộ nông thôn được cấp điện, phát triển nhanh chóng hiệu quả lĩnh vực năng lượng song song với việc bảo vệ môi trường. Tích cực chuẩn bị các điều kiện cho nguồn năng lượng hạt nhân đầu tiên vào hoạt động trước năm 2020…

Các quan điểm  về chính sách phát triển an ninh năng lượng Quốc gia và định giá năng lượng cũng được đưa ra tại diễn đàn này: Đa dạng hóa việc thực hiện việc phát triển các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng trong nước để giảm phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu (dầu mỏ, khí đốt…). Nhà nước nên điều chỉnh giá năng lượng bằng các chính sách thuế, chính sách bảo vệ môi trường.

Ông Phong cho biết, các biện pháp về tài chính, đầu tư, tổ chức, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, ưu tiên hợp tác với Lào, Campuchia và Trung Quốc, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng khai thác ở nước ngoài, tăng cường phân phối ngân sách Nhà nước cho các dự án trong các vùng xa và nông thôn, hải đảo để phát triển kinh tế, cải tiến các văn bản pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường…



Nguồn: Doanhnghiep24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường