Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chính sách thoát nghèo cho tỉnh nghèo
07 | 03 | 2008
Trong Chương trình quốc gia 135, đã có 2.412 xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng một hệ thống chính sách riêng. Sau 7 năm thực hiện chương trình này (1999-2005), đã có 691 xã thoát khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn. Tại giai đoạn II (2006-2010), Chương trình 135 sẽ tiếp tục loại ra khỏi danh sách trên hàng loạt xã đặc biệt khó khăn nữa.
Thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam không chỉ biểu hiện ở 34 triệu người đã thoát khỏi nghèo đói (tính từ năm 1993 đến năm 2006) như công bố mới đây của WB tại Việt Nam, mà còn được tính bằng hàng nghìn xã thoát khỏi tình trạng nghèo cố hữu của mình. So với "người thoát nghèo" thì "xã thoát nghèo" là công cuộc có độ khó khăn, phức tạp cao gấp nhiều lần, bởi đây là một sự phát triển về chất của hệ thống xã hội ở cấp cơ sở.

Trong khi đánh giá cao về thành tựu xóa đói giảm nghèo ở cấp độ "người thoát nghèo", "xã thoát nghèo" trên đây, thì cho tới nay, trong số 64 tỉnh, thành của Việt Nam (sau đây viết tắt là tỉnh), số tỉnh nghèo vẫn chiếm một tỷ lệ cao. Chỉ tính riêng những tỉnh thu không đủ chi (tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thấp hơn tổng số chi của ngân sách cấp tỉnh) thì số tỉnh nghèo tính đến hết năm 2007 vẫn còn là 53/64 tỉnh (theo công bố của Bộ Tài chính về ngân sách nhà nước năm 2007); nếu tính theo GDP/người thì dự báo (của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đến cuối năm 2008, số tỉnh vượt ngưỡng 950 USD (ngưỡng thoát khỏi quốc gia có thu nhập thấp) cũng không quá 31 tỉnh. Như vậy, mặc dù Việt Nam có thể ra khỏi danh sách những nước đang phát triển có thu nhập thấp, nhưng quá nửa trong số 64 tỉnh của Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng đó. Đã đến lúc công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam không chỉ được đo bằng "người thoát nghèo", "xã thoát nghèo", mà rất cần được đo bằng "tỉnh thoát nghèo". Về vấn đề này, xã thoát nghèo đã có chính sách, vậy tỉnh thoát nghèo tại sao không?

Sẽ là quá tham vọng nếu cùng một lúc có thể ban hành chính sách để đưa toàn bộ số tỉnh nghèo thoát ra khỏi ngưỡng có thu nhập thấp. Tuy nhiên, trong số những tỉnh chưa thể thoát ra khỏi ngưỡng thu nhập thấp vào cuối năm 2008, có khoảng 10 tỉnh ở tốp cuối cùng với GDP/người ở mức dưới 500 USD, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ở mức không quá 300 tỉ đồng/năm. Mức đó trong năm 2007 của một số tỉnh là: Lai Châu: 77 tỉ đồng, Bắc Kạn: 87 tỉ, Đắc Nông: 236 tỉ, Ninh Thuận: 243 tỉ, Hậu Giang: 273 tỉ (để so sánh, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM là trên 77.959 tỉ, của Hà Nội là trên 44.043 tỉ). Những tỉnh này cần được xếp vào diện "tỉnh đặc biệt khó khăn" để có chính sách riêng, tương tự như đã từng có quốc sách đối với "xã đặc biệt khó khăn" cách đây trên 10 năm.

Những tỉnh đặc biệt khó khăn thường là những địa bàn chịu thua thiệt nhất về cơ hội phát triển, chịu rủi ro nhất trong cải cách, mở cửa. Bởi vậy, nếu không có chính sách riêng so với các tỉnh khác thì những địa phương này sẽ mãi mãi bị đắm chìm trong thang bậc phát triển vừa thấp, vừa chậm của quốc gia, từ đó trực tiếp làm suy giảm tốc độ phát triển nhanh, và chất lượng phát triển bền vững của cả nước.

Trên thực tế, những "tỉnh nghèo" thường có vị trí trọng yếu về an ninh -quốc phòng, chứa đựng nhiều loại tài nguyên mà nhiều tỉnh khác không có (như tài nguyên rừng, khoáng sản, kim loại quý hiếm, đất hiếm), chốt giữ những địa bàn xung yếu về bảo vệ môi trường, sở hữu nhiều kho tàng văn hóa đặc sắc. Đòi hỏi phải có chính sách riêng đích đáng cho các tỉnh đặc biệt khó khăn không hề là những đòi hỏi về ưu đãi, ưu tiên, mà chỉ đơn thuần là đòi hỏi về sự công bằng cho các địa phương chịu nhiều thua thiệt trong cơ hội phát triển chung của cả nước. Theo đó, các tỉnh đặc biệt khó khăn đang rất cần:

- Giảm thiểu những chính sách khiến tỉnh lún sâu thêm vào những bất lợi từ các loại hình kinh tế tự cấp, tự túc (như sản xuất lương thực theo bất cứ giá nào), hoặc bị áp đặt thực hiện chính sách của các tỉnh có trình độ phát triển cao (như nhà nước và nhân dân cùng đầu tư xây dựng đường sá, trường học).

- Có thêm những chính sách tạo cho tỉnh có được hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển bình đẳng so với các tỉnh khác trong cả nước. Đây là nhân tố hàng đầu để giảm thiểu các bất lợi của tỉnh trong thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

- Ban hành mới một hệ thống chính sách cho phép tỉnh chủ động tổ chức và quản lý việc khai thác tổng hợp và sử dụng hợp lý các loại tài nguyên, trên cơ sở phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN để chủ yếu tăng thêm công ăn việc làm và thu nhập cho cư dân trên địa bàn tỉnh, tăng thêm tích lũy cho đầu tư của cả nhà nước và nhân dân, từ đó nhanh chóng thoát nghèo, từng bước làm giàu cho gia đình, địa phương.

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Nguồn: Thanh Niên Online
Báo cáo phân tích thị trường