Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không sai lầm về chính sách, nhưng yếu kém trong dự báo
29 | 02 | 2008
"Chỉ số giá tiên dùng hai tháng qua đúng là tăng cao thật. Đây là điều Chính Phủ không mong muốn vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề. Chính phủ nhìn nhận khả năng đảm bảo tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng kinh tế là khó" - Ông Vũ Văn Ninh, bộ trưởng Bộ Tài chính, phát biểu tại buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ diễn ra chiều 28-2.

Khó đảm bảo chỉ số giá thấp hơn tăng trưởng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: “Chính phủ đặt ra mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng càng thấp càng tốt. Đây là bài toán cực kỳ khó khăn đối với Chính phủ” - Ảnh: V.Dũng

TT - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết tại phiên họp thường kỳ tháng hai, Chính phủ đã họp bàn kịch bản đối phó trong trường hợp tốc độ tăng giá tiêu dùng cao hơn tăng trưởng.

Sở dĩ Chính phủ đã sớm nghĩ đến kịch bản xấu này bởi chỉ sau hai tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6,02% so với tháng 12-2007, trong khi Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm 2008 là 8,5-9% và chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ông Ninh cho rằng do Quốc hội chưa điều chỉnh mục tiêu nên Chính phủ vẫn phải phấn đấu thực hiện.

Ông Ninh khẳng định: "Tình hình thế giới biến động thì không thể tránh khỏi việc tác động đến VN. Việc chống đỡ thế nào để ảnh hưởng đến chúng ta ở mức độ thấp nhất là sự điều hành của Chính phủ. Chính phủ đặt ra mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng càng thấp càng tốt. Đây là bài toán cực kỳ khó khăn đối với Chính phủ”.

Ông Nguyễn Xuân Phúc - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho biết tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành phải tăng cường công tác dự báo, tính toán linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, chịu trách nhiệm, điều hành khoa học hơn để đảm bảo hoàn thành kế hoạch 2008, đảm bảo chống được lạm phát.

Thủ tướng chỉ đạo năm vấn đề gồm tập trung điều hành, kiểm soát kinh tế vĩ mô, kiềm chế giá cả thị trường, thực hiện đồng bộ các biện pháp giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh công nông nghiệp, dịch vụ, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn; đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp tục cải cách hành chính.

Theo Website Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung phân tích những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và hai tháng đầu năm tăng khá cao. Đó là, nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng, gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế toàn cầu, mỗi biến động của nền kinh tế thế giới đều tác động đến kinh tế trong nước. Do vậy khi giá cả trên thế giới tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả hàng hóa tiêu dùng, nguyên vật liệu của nền kinh tế Việt Nam.

Mặt khác, công tác điều hành chính sách tiền tệ còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với sự biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới. Thủ tướng khẳng định, nếu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn có thể kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn.

Về nguyện vọng của người dân muốn được giao lưu trực tuyến với Thủ tướng hoặc phó thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề giá cả leo thang, ông Nguyễn Xuân Phúc nói đây là nguyện vọng chính đáng và ông sẽ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tần Văn Tuấn:

Thách thức trong điều hành

Chúng tôi cũng không muốn là lương vừa tăng thì giá cả tăng. Đây là việc chúng ta phải tìm các giải pháp khắc phục. Sự thật không riêng VN mà thế giới cũng có khó khăn trong việc giữ giá. Có thể nói đó là thách thức đối với chúng ta trong điều hành.

Hiện chúng ta đang thực hiện cải cách tiền lương nhưng phải trên cơ sở điều kiện kinh tế cho phép. Trong lộ trình cải cách tiền lương thì cũng từng bước nâng dần lương công chức lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được. Chúng ta có lộ trình từng bước. Ví dụ tiến trình về cải cách tiền lương thì từ năm 2009 sẽ nâng lương phụ cấp cho công chức hành chính mỗi năm một tỉ lệ nhất định, rồi nâng dần lên để khuyến khích cán bộ công chức

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Đức Sinh:

Không phải là con số bất ngờ

Chỉ số giá tháng 2-2008 ở mức trên 6% nhưng không phải là con số gây bất ngờ vì Chính phủ đã biết trước thông qua việc nắm bắt tình hình thiệt hại bởi lũ lụt trong năm và đợt rét đậm vừa qua. Vì tình trạng đó khiến giá lương thực, thực phẩm tăng cao ở mức 7,5% và 3,2% so với tháng 1-2008. Hai nhóm này lại chiếm 42,8% cơ cấu giá tiêu dùng.

KHIẾT HƯNG

................................

Giải pháp chống lạm phát: Đã tính đến nhiều kịch bản

Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh trả lời báo chí - Ảnh: Việt Dũng
TT - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời báo chí tại cuộc họp báo của văn phòng Chính phủ ngày 28-2.

* Mới tới tháng hai nhưng chỉ số giá tiêu dùng đã hơn 6%, mục tiêu năm 2008 là khống chế giá cả thấp hơn tốc độ tăng trưởng liệu có đạt không, thưa ông?

- So với chỉ tiêu của Quốc hội là năm nay chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới mức tăng GDP sẽ rất khó đạt. Đến nay mục tiêu này chưa có điều chỉnh. Nguyên nhân lớn nhất là thị trường thế giới biến động nên chúng ta không thể tránh khỏi tăng giá. Đến lúc này mục tiêu lớn nhất được đặt ra là chúng ta điều hành để sự ảnh hưởng bởi thị trường thế giới tới nền kinh tế VN ở mức thấp nhất. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát giá không gây biến động xã hội vẫn được duy trì và phấn đấu.

* Ngoài nguyên nhân khách quan, chúng ta có gặp phải sai lầm gì trong điều hành chống lạm phát?

- Không có sai lầm về chính sách nhưng có yếu kém trong dự báo. Ví dụ năm qua chúng ta dự báo về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ban đầu là 12 tỉ USD, sau tăng lên 16 tỉ, đến cuối năm dự đoán là 20 tỉ nhưng thực tế cuối cùng là 21 tỉ. Dự báo yếu khiến công tác chuẩn bị hấp thụ vốn chưa tốt. Giá dầu thế giới cũng tương tự. Kể cả một số chuyên gia nước ngoài cũng từng dự báo giá dầu chỉ lên đến 75 USD/thùng nhưng thực tế chỉ trong một tháng đã tăng từ 70-100 USD/thùng. Từ những dự báo đó dẫn đến việc chưa lường hết mức tăng của tổng phương tiện thanh toán và tăng dư nợ tín dụng...

* Chúng ta có chuẩn bị cho "kịch bản" lạm phát cao hơn tăng trưởng GDP không và cụ thể đó là gì?

- Điều hành vĩ mô chúng ta phải tính đến nhiều phương án, trong đó có cả phương án ứng phó với tình hình lạm phát cao hơn mức tăng GDP. Phương án cụ thể hiện đang bàn.

* Thưa ông, các giải pháp mới nhất để chống lạm phát đã tính đến yếu tố giá xăng dầu tiếp tục tăng cao không. Chúng ta giải quyết ra sao giữa việc tăng giá xăng dầu và kiểm soát lạm phát?

- Tất nhiên phải có nhiều giả thiết và không thể không tính đến giá xăng dầu. Chúng ta phát triển kinh tế thị trường thì buộc phải thị trường hóa, tức là giá thế giới lên cao thì ta không thể giữ nguyên giá thấp. Nhưng ngược lại trong điều kiện hiện nay, chúng ta cũng không thả nổi hoàn toàn giá xăng dầu. Biểu hiện cụ thể là Nhà nước vẫn chưa đánh thuế xăng dầu. Hơn 70% doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này vẫn đang là doanh nghiệp nhà nước, chịu sự chi phối của Nhà nước. Mặt khác chúng ta đang triển khai hàng loạt biện pháp cụ thể để hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo, vùng sâu, nông thôn, miền núi...

Q.THIỆN ghi

-----------------------------------------

"Bão giá” tiếp tục hoành hành

Giá cả tăng cao khiến người nội trợ phải đau đầu khi tính toán cho từng bữa ăn - Ảnh: N.C.T.

TT - Sau đợt tăng giá xăng dầu, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại nhiều nơi cho thấy giá cả các mặt hàng cứ tăng vùn vụt, tiếp tục là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân.

Dồn dập báo giá mới

Tại TP.HCM, theo nhiều siêu thị, liên tiếp trong mấy ngày qua danh sách các doanh nghiệp gửi thông báo sẽ điều chỉnh giá theo hướng tăng dồn dập gửi về. Bà Nguyễn Ánh Hồng - giám đốc hệ thống Maximark - cho biết theo đơn báo giá mới, hầu hết các mặt hàng đều tăng, trong đó nhóm hàng thực phẩm tăng mạnh nhất: 10-15%. Hầu hết các nhà cung cấp đều đưa lý do tăng vì chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng.

"Siêu thị chỉ có thể cố gắng giữ giá bằng cách tích trữ thêm lượng hàng hóa, nhưng chúng tôi không thể kìm mãi được" - bà Hồng nói. Tương tự, đại diện chuỗi siêu thị Co-op Mart cũng cho biết giá các mặt hàng may mặc tăng trung bình 10-15%, hàng bánh kẹo tăng 6%. Dự kiến nhóm thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn cũng sẽ đồng loạt tăng giá.

Trong khi đó trên thị trường, từ ngày 28-2 giá bán buôn dầu ăn các loại đồng loạt tăng 1.000-1.500 đồng/lít, giá bán lẻ tăng 1.500-3.000 đồng/lít. Theo ghi nhận tại nhiều đại lý sữa trên địa bàn TP.HCM, mấy ngày qua không ít đại lý đã tự ý nâng giá bán tất cả các loại sữa (khoảng 36 chủng loại) lên bằng với giá được công ty sữa áp dụng vào đầu tháng 3- 2008. Cụ thể loại sữa Pediasure 900g, lý ra đại lý phải bán ở mức 276.000-280.000 đồng/lon, nhưng hầu hết đều bán trên 290.000 đồng/lon, thậm chí có nơi bán 299.000 đồng/lon.

Giá cả tăng không ngừng khiến người dân càng đắn đo hơn khi mua thêm một ít cá, tôm cho bữa cơm gia đình (ảnh chụp tại lề đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Tình hình giá các mặt hàng cũng "nóng bỏng" tại TP Cần Thơ. Chợ Xuân Khánh - chợ lớn nhất TP Cần Thơ - nhiều mặt hàng thực phẩm, rau củ quả đã tăng 2.000-8.000 đồng/kg. Ông Công Văn Quý - trưởng ban quản lý chợ Xuân Khánh - cho biết sau khi giá xăng dầu tăng, giá cá biển tăng 3.000-5.000 đồng/kg tùy loại, giá các loại rau củ quả, trái cây từ Đà Lạt về tăng 4.000-8.000đ/kg, giá cá đồng tăng 2.000-4.000đ/kg...

"Không chịu nổi nữa rồi"

Theo ông Cao Minh Tuấn - giám đốc Công ty Vận tải biển 3, với việc tăng giá dầu vừa qua, tất cả hợp đồng vận chuyển mới đều buộc phải tăng giá 7-10%. "Dầu chiếm đến 31% tổng giá thành cước vận chuyển của chúng tôi nên việc tăng giá là không tránh khỏi" - ông Tuấn nói. Công ty Vận tải biển 3 có đội tàu 16 chiếc, vừa chuyên chở trong nước vừa đến các nước trong khu vực. Mỗi ngày bình quân dùng 8 tấn dầu FO, 1,5 tấn dầu DO/chiếc.

Trước đây chi mỗi tháng hết 9 tỉ đồng cho nhiên liệu, rồi lên 13 tỉ đồng, bây giờ với đợt tăng này, sẽ là 20 tỉ đồng. Một số công ty vận tải biển khác cũng xác nhận đang tính toán phương án tăng giá cước. Trong khi đó ông Trương Đình Sơn - phó tổng giám đốc Công ty Vận tải biển VN - cho biết với việc tăng giá dầu lần này không tăng giá cước thì công ty ông sẽ lỗ khoảng 1 tỉ đồng/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - chủ tàu cao tốc Phương Minh chạy tuyến Cần Thơ - Sông Đốc (Cà Mau) - cho biết: "Hằng ngày mỗi chuyến tàu cao tốc đi về tiêu tốn hết khoảng 300 lít dầu. Với mỗi lít dầu tăng thêm 3.700 đồng/lít thì một ngày chi phí phát sinh thêm hơn 1 triệu đồng. Không chịu nổi nữa rồi, đầu tháng ba này chúng tôi sẽ tăng giá vé”.

Xe buýt khốn đốn

Xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp vận tải cho biết họ như đang ngồi trên... lửa. Ngày 28-2, ông Phùng Đăng Hải - tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM - có văn bản báo cáo khẩn cấp gửi UBND TP và giám đốc Sở Giao thông công chính TP cần sớm giải quyết trợ giá cho xe buýt. Liên hiệp đề nghị các cơ quan thẩm quyền TP cần xem lại mức trượt giá dầu chưa được điều chỉnh lần trước và đợt mới đây để bổ sung vào kỳ trợ giá tháng 1-2008. Đồng thời cho phép giảm những chuyến vào buổi sáng và buổi tối vắng khách; xem xét và giảm lệ phí chuyến tại các bến xe do Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng quản lý. Theo ông Hải, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, trong thời gian tới có thể xảy ra việc xã viên xin trả lại xe hoặc xin ngừng hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp vận tải ở ĐBSCL bắt đầu tăng giá vé. Ông Võ Hoàng Thọ - giám đốc xí nghiệp vận tải hành khách công cộng TP Cần Thơ - cho biết đang làm phương án điều chỉnh giá vé xe buýt. "Chúng tôi bắt buộc phải tăng giá vé để đảm bảo hoạt động không bị thua lỗ" - ông Thọ giải thích.

N.ẨN - T.THÁI


Liên hệ với người gửi tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường