Cho tới tận lúc này, báo in vẫn chưa chắc chắn họ nên chọn sách lược ứng phó với mạng Internet như thế nào, hợp tác hay hủy diệt. Chỉ có một mục đích đinh ninh trong đầu: "Chứng minh tất cả những lời tiên đoán rằng báo in sẽ chết là hoàn toàn sai lầm".
Larry Killman, ủy viên của Hiệp hội Báo in thế giới tin rằng ngày tàn của báo in "còn xa lắm". "Người ta dự đoán báo in sẽ chết từ lâu lắm rồi. Đơn cử là hồi truyền hình mới xuất hiện, người ta đã nghĩ ngay là chúng tôi sẽ bị tiêu diệt. Chuyện truyền thông điện tử tăng trưởng mạnh trong tương lai là không cần phải nghi ngờ, nhưng tôi tin vẫn còn tương lai cho báo giấy".
Lịch sử đã chứng minh sức sống bền bỉ của báo in. Họ đã xoay sở để vượt qua những thách thức từ cả phát thanh lẫn truyền hình. Mặc dù vậy, sức ép từ Internet hoàn toàn khác so với hai đối thủ trước.
|
Nguồn: AFP |
Nếu như với phát thanh và truyền hình, thử thách chủ yếu xoay quanh việc ai là người đưa tin đầu tiên, "ngon lành" nhất, thì Internet đang "chọc ngoáy" vào vết thương lòng lớn nhất của báo in: Túi tiền.
"Suốt hơn 100 năm qua, giới báo chí duy trì được là nhờ vòng quay ảo, trong đó công chúng trả tiền mua tin tức, còn nhà quảng cáo chi tiền để tiếp cận được với số công chúng đó. Tòa báo có lãi, trả tiền lương cho phóng viên", Michael Oresker, tổng biên tập của International Herald Tribune cho biết.
Vấn đề là chu trình khép kín đó đã đổ vỡ hoàn toàn trên mạng Internet. Nó đòi hỏi các tòa soạn báo phải tư duy sáng tạo không ngừng để tồn tại, để bảo tồn sự ủng hộ mà công chúng dành cho họ, cũng như bảo đảm chất lượng của thông tin.
Miễn phí hay không miễn phí
Câu hỏi đau đầu nhất mà các tòa báo phải đối mặt hiện nay là liệu họ có cạnh tranh được với "miễn phí" hay không. Thông tin từng là một món hàng phải bỏ tiền ra mua, nhưng giờ thì chúng có thể cho không một cách dễ dàng.
Nhiều tờ báo như Metro đã vay mượn mô hình kinh doanh của Internet và chủ yếu kiếm tiền thông qua quảng cáo. Nhưng với những tờ chính thống như Liberation của Pháp thì điều này vượt quá khả năng cũng như tôn chỉ hoạt động của họ. Tờ báo này có tính chất chính trị rất sâu, chấp nhận từ bỏ quảng cáo để duy trì "thương hiệu" và thu nhập chủ yếu từ việc bán báo.
"Chúng tôi đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính: Tòa báo có thể phải đóng cửa, và tôi nghĩ Internet là một phần nguyên nhân. Nhưng mặc khác, Internet cũng có thể là một giải pháp", ông Fabrice Rousselot, biên tập mảng Internet của Liberation cho biết.
"Sai lầm lớn nhất của báo in hiện nay là suy nghĩ họ có thể sống tốt mà không cần tới Internet. Bạn cần phải tích hợp Internet vào mô hình kinh doanh của mình".
Đến đây, một câu hỏi nữa lại nhảy ra: Liệu các tòa báo có nên đưa những nội dung độc quyền của báo mình lên Web hay không? "Nếu như bạn đưa lên website những gì bạn đăng chính xác trên mặt báo, công chúng còn phải mua báo làm gì nữa? Giải pháp này hoàn toàn phi nghĩa về mặt kinh tế", ông Rousselot cho biết.
"Nhưng nếu bạn làm cho công chúng hiểu rằng nội dung trên website chỉ bổ sung, làm phong phú hơn những gì đăng tải trên báo vào sáng hôm sau mà thôi, khi ấy ý nghĩa của nó lại rất khác".
Những đổi thay
Giờ đây, International Herald Tribune tự coi mình như một tổ chức truyền thông hơn là một tờ báo in đơn thuần. Website của họ có khá nhiều câu chuyện dưới dạng video và cũng bắt đầu thu tiền đối với một số nội dung đặc sắc. "Báo chí có chất lượng thì đòi hỏi phải có đầu tư. Chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá xem mình có thể làm những gì để duy trì tăng trưởng mà vẫn không bỏ qua những cơ hội mới", người phát ngôn của IHT cho biết.
"Cho tới nay, guồng máy vẫn vận hành tốt. Quảng cáo đang tăng trưởng với tộc độ khổng lồ và độc giả sẵn sàng trả tiền cho những thứ họ biết là có giá trị, nhất là qua kênh di động. Người dùng di động tỏ ra hào phóng khi download thông tin, và họ không nề hà chuyện móc ví như khi lướt Web".
Trọng Cầm