Trong tháng 7/2006, sau khi 2 doanh nghiệp Việt Nam có lô hàng bị phát hiện nhiễm dư lượng kháng sinh Chloramphenicol, Nhật Bản đã ban hành lệnh kiểm tra 50%, tiếp đến là 100% đối với các lô hàng sản phẩm cá mực. Đặc biệt, ngày 25/10 vừa qua, cơ quan kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản Nhật Bản đã yêu cầu kiểm tra 100% các lô tôm xuất xứ từ Việt Nam.
Lo ngại cho uy tín của thuỷ sản Việt Nam
"Chế độ kiểm tra nghiêm ngặt này sẽ làm cho mặt hàng tôm của Việt Nam giảm sức cạnh tranh do phải chịu các chi phí lưu hàng tại kho bãi, giao hàng chậm... và đồng thời sẽ làm giảm uy tín của tôm Việt Nam tại thị trường Nhật.
Nghiêm trọng hơn, theo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản, trong thời gian kiểm tra 100% thì chỉ cần phát hiện một vài doanh nghiệp tiếp tục vi phạm, có thể toàn bộ các doanh nghiệp cùng ngành sẽ bị cấm nhập khẩu vào Nhật", ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Uỷ ban Tôm thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết.
Hiện tại, tôm đang là mặt hàng thủy sản xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam (chiếm tỷ trọng gần 50%); trong đó thị trường Nhật chiếm khoảng một nửa; mặt hàng cá mực cũng chiếm gần 1/3 tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu sang thị trường này (năm 2005 chiếm 20.000/62.000 tấn).
Hai sản phẩm chủ lực này mà "gặp khó" thì không những sẽ ảnh hưởng tới việc giữ vững, phát triển tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường Nhật, mà còn làm mất uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên toàn thế giới.
Theo Bộ Thủy sản, các quy định kiểm tra đồng loạt của cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đối với các lô hàng từ Việt Nam không tính đến việc có nhiều doanh nghiệp quản lý tốt an toàn vệ sinh trong quá trình xuất khẩu vào nước này trong nhiều năm, đã làm cho các doanh nghiệp hết sức lo ngại và làm cho xuất khẩu hải sản vào Nhật giảm sút rõ rệt trong 2 tháng gần đây.
Ngay sau khi nhận được thông tin về việc các lô hàng bị cảnh báo do phát hiện nhiễm hóa chất kháng sinh cấm, Bộ Thủy sản đã triển khai ngay các biện pháp đối nội và đối ngoại để giữ vững thị trường này.
Một là, nghiên cứu và phổ biến các quy định của Nhật Bản tại Luật vệ sinh thực phẩm và Chương trình kiểm soát thực phẩm nhập khẩu năm 2006.
Hai là, thực hiện kiểm soát tăng cường tại các cơ sở sản xuất thủy sản từ khai thác, nuôi trồng, thu gom nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thủy sản.
Ba là, yêu cầu các doanh nghiệp bị cảnh báo điều tra nguyên nhân lây nhiễm, thiết lập và áp dụng các hành động khắc phục.
Bốn là, gửi thư đến Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản giới thiệu chính sách, hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam và các biện pháp mà Việt Nam đang áp dụng để khắc phục tình trạng lây nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm trong thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản, đồng thời đề nghị chỉ kiểm tra và đình chỉ nhập khẩu đối với doanh nghiệp có lô hàng bị phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm...
Kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào
Thứ trưởng Bộ Thủy sản, bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết: "Để giữ vững thị trường Nhật Bản, trước khi xây dựng được mối quan hệ hợp tác và thống nhất các biện pháp kiểm soát hàng hóa thủy sản xuất nhập khẩu giữa cơ quan thẩm quyền hai nước, Bộ Thủy sản trân trọng đề nghị Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao thông qua mối quan hệ hợp tác sẵn có, tác động đến Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản không áp dụng lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam, có thể chỉ áp dụng việc tạm thời đình chỉ nhập khẩu loại sản phẩm thủy sản có xuất xứ từ các doanh nghiệp Việt Nam đã bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản phát hiện nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm- tương tự biện pháp mà một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc... đã áp dụng khi phát hiện thực phẩm nhập khẩu vi phạm quy định.
Tuy nhiên, theo bà Minh, việc kiểm soát triệt để hóa chất, kháng sinh cấm cần tập trung từ nguồn tại các cơ sở thu mua, cơ sở sơ chế, tàu cá, cảng cá trên địa bàn các tỉnh trọng điểm và thực hiện tốt nhất việc truy xuất nguồn gốc lô hàng theo chương trình kiểm soát an toàn vệ sinh của các doanh nghiệp.
Trong Công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Thủy sản cho biết, từ tháng 11/2006, tại các địa phương trọng điểm như các tỉnh ĐBSCL, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tp.HCM, sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra tăng cường điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong bảo quản, sơ chế thủy sản, và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Uỷ ban Tôm cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp hội viên thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng, tự kiểm soát kháng sinh cấm bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tôm nguyên liệu đầu vào từ các cơ sở thu mua.
Mỗi doanh nghiệp bằng khả năng của mình tăng cường kiểm tra kháng sinh trong nguyên liệu tại các cơ sở cung cấp nguyên liệu, quan tâm đến kiểm tra các trại nuôi đối với việc sử dụng thức ăn và hóa chất, đặc biệt là việc sử dụng các loại thức ăn và thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; kiên quyết không mua các lô nguyên liệu thiếu hồ sơ truy xuất.
Tăng cường kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh trong sản xuất tại nhà máy, cảnh báo đối với công nhân về việc sử dụng thuốc sát trùng, quy định 100% các công nhân phải đeo găng tay khi tham gia sản xuất. Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền đến ngư dân, thương lái về tác hại của việc sử dụng kháng sinh bị cấm trong bảo quản nguyên liệu; tự gửi mẫu kiểm tra kháng sinh đối với các lô hàng trước khi xuất khẩu.
Các doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo tập trung cùng có biện pháp giải thích với nhà nhập khẩu và tìm ra những nguyên nhân để có chương trình khắc phục thích hợp và kịp thời...
(Nguồn: TBKTVN)
Tin liên quan:
Tôm Việt Nam có nguy cơ bị cấm vào Nhật
Đình chỉ xuất khẩu đối với doanh nghiệp vi phạm an toàn vệ sinh thủy sản
Từ chối tôm nguyên liệu chưa rõ nguồn gốc
Chế biến thủy sản: Loại bỏ kháng sinh cấm ra sao?
Tiếp tục cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu cá mực sang Nhật Bản
Cá mực Việt Nam có thể bị cấm sang Nhật
Phát hiện 127 lô tôm có chứa tạp chất