Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao người dân Tân Thành bỏ đầm nuôi tôm?
08 | 10 | 2007
Từ năm 2000, người dân Tân Thành (Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng) hồ hởi hưởng ứng chủ trương chuyển 188 ha ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm. Hiệu quả kinh tế của mô hình chuyển đổi này đã nhanh chóng được ngành thuỷ sản Hải Phòng nhân rộng. Nhưng từ năm 2003, người dân xã này đã bỏ hoang đầm nuôi tôm. Chuyện gì đã xảy ra ở đây?
Anh Nguyễn Văn Lâm, ở đội 2, xã Tân Thành kể: “Nhà tôi chuyển gần 2.000 m2 từ đất trồng lúa sang nuôi tôm theo chủ trương của huyện. Vụ đầu nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so trồng lúa. Bà con trong xã mừng lắm. Chuyện làm giàu trên đồng chua sắp trở thành hiện thực.

Nhưng từ hai năm nay, tôi phải bỏ đầm không nuôi tôm, vì tôm nuôi bị chết. Hiện gia đình nợ ngân hàng 10 triệu đồng, chưa biết đến khi nào có khả năng trả nợ. Cuộc sống của gia đình chủ yếu nhờ vào vợ tôi chạy chợ.”

Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thuỷ sản Tân Thành Nguyễn Văn Rảo cho biết thêm: Mức nợ ngân hàng của nhà anh Lâm còn thấp so với các hộ nuôi tôm khác. Nhiều hộ dân phải nợ ngân hàng đến hàng chục triệu đồng vì nuôi tôm thua lỗ.

Từ năm 2003 đến nay, nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, chủ yếu khó khăn về nguồn nước và chất lượng tôm giống. Đến nay, trên địa bàn xã có 50% diện tích (hơn 90 ha) ao đầm nuôi tôm bị bỏ hoang.

Diện tích còn lại tiếp tục được các hộ nuôi nhưng chỉ có 20% số hộ thả nuôi có lãi. Nếu các cơ quan có trách nhiệm không giúp bà con chủ động được nguồn nước, con giống bảo đảm chất lượng thì nguy cơ xoá sổ vùng nuôi tôm khó có thể tránh khỏi.

Ông Nguyễn Quân Hoà, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành nói: Chỉ trong thời gian ngắn, 100% diện tích trồng lúa trước đây (188 ha) đã được gần 800 hộ nông dân trong xã chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản với hy vọng làm giàu.

Nhưng hiệu quả của việc chuyển đổi chưa thấy đâu mà hậu quả đã ập đến, khiến người dân Tân Thành phải bỏ 50% diện tích nuôi trồng thuỷ sản, lâm vào cảnh nợ nần.

Theo ông Hoà, nguyên nhân chủ yếu khiến nghề nuôi tôm thất bát là do chưa chủ động nguồn nước phục vụ nuôi tôm. Ngoài ra, đa số người nuôi tôm đều mua con giống do tư thương cung cấp, chưa được kiểm dịch, nên chất lượng kém.

Cống Cầm Cập đã được xây dựng ba năm thuộc dự án nuôi tôm công nghiệp ven đường 14 Kiến Thuỵ - Đồ Sơn, nhưng lại không phục vụ vùng nuôi tôm của xã. Hiện nay, việc vận hành cống này lại do Công ty nuôi trồng thuỷ sản Kiến Thuỵ quản lý.

Hàng trăm hộ nuôi tôm của xã không được hưởng lợi nguồn nước từ công trình này. Điều đó, khiến bà con trong xã bức xúc, kiến nghị các ngành, các cấp can thiệp để người nuôi tôm Tân Thành được hưởng nguồn nước từ cống Cầm Cập.

Những năm trước đây, nguồn nước phục vụ cho vùng nuôi trồng thuỷ sản Tân Thành được lấy từ cống Thuỷ Giang (C3). Hệ thống thuỷ lợi này được cải tạo, nâng cấp từ năm 2000 nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không cấp đủ nguồn nước cho vùng nuôi tôm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thuỵ Nguyễn Duy Bình nói: UBND xã Tân Thành đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, Thành phố giải quyết vấn đề nguồn nước phục vụ nuôi tôm.

UBND huyện chủ động đề xuất với UBND TP Hải Phòng nên giao cống Cầm Cập cho trạm Khai thác công trình thuỷ lợi Kiến Thuỵ, thuộc Công ty Quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi Đa Độ quản lý, điều tiết nguồn nước hợp lý, vừa đáp ứng vùng nuôi trồng thuỷ sản của công ty nuôi trồng thuỷ sản Kiến Thuỵ, vừa đáp ứng được nguồn nước cho vùng nuôi trồng thuỷ sản xã Tân Thành.

Trao đổi với chúng tôi chung quanh vấn đề nuôi tôm ở Tân Thành, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng cho rằng: Thuỷ lợi cho nông nghiệp và thuỷ lợi cho nuôi trồng thuỷ sản hiện nay có nhiều bất cập. UBND Thành phố đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và ngành thuỷ sản thống nhất về phương thức quản lý cống Cầm Cập.

Trong khi các ngành, các cấp TP Hải Phòng đang lúng túng chưa có biện pháp tháo gỡ thì người dân Tân Thành đành bỏ hoang đầm nuôi tôm. Nếu bảo người dân quay trở lại trồng lúa là điều không thể thực hiện được vì đã nhiễm mặn, nếu bảo người dân tiếp tục nuôi tôm nhưng không chủ động được nguồn nước và con giống chẳng khác nào ném tiền xuống sông, xuống biển.

Liệu các dự án chuyển đổi diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản của huyện Kiến Thuỵ cũng như các địa phương khác của TP Hải Phòng đang và sẽ triển khai có giúp người dân thoát nghèo?


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường