Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
2006: Sản lượng lương thực thế giới giảm
09 | 10 | 2007
Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố báo cáo cho biết sản lượng lương thực toàn cầu năm 2006 có thể chỉ đạt 2.013 triệu tấn, giảm 8 triệu tấn so với báo cáo công bố hồi tháng 7 năm nay và giảm 1,6% so với sản lượng lương thực năm 2005.

Theo FAO, triển vọng vụ thu hoạch lương thực năm nay không mấy lạc quan do từ tháng 7/2006 thời tiết nóng và khô hanh đã tác động bất lợi tới vụ lúa mì tại Brazil, Argentina, Australia. Hạn hán và lũ lụt kéo dài tại nhiều nước ở châu Á cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa màng. Các trận lũ lụt chưa từng có do mưa lớn kéo dài trong tháng 7 đã làm cho hàng triệu người dân ở Ấn Độ, Pakistan , Nepal, CHDCND Triều Tiên cần tới sự trợ giúp khẩn cấp về lương thực.

Theo báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), khối lượng lương thực cứu trợ toàn cầu đã tăng 10%, đạt mức 8,2 triệu tấn năm 2005.

Giám đốc điều hành WFP James Morris nói: số lượng lương thực viện trợ đã góp phần đáng kể cứu giúp nạn nhân của thảm họa thiên tai sóng thần ở châu Á cuối năm 2005, động đất ở một số quốc gia, xung đột tại một số nước ở châu Phi và cuộc chiến diễn ra tại Trung Đông.

Tuy nhiên, ông J.Morris cho rằng số lượng lương thực cứu trợ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của hàng triệu người dân trên thế giới đang yêu cầu được trợ giúp. Cộng đồng thế giới cần tăng cường cứu trợ lương thực nhằm đối phó với nạn đói mỗi năm tăng thêm 4 triệu người. Nguồn dự trữ lương thực thế giới năm 1999 đảm bảo 33% lương thực tiêu thụ toàn cầu, tỷ lệ này hiện nay chỉ còn 20%.

Trung Quốc, Ấn Độ nhập khẩu nhiều lương thực

Trung Quốc liên tiếp phải đối phó với thiên tai nặng nề trong 8 tháng đầu năm nay, nhưng sản lượng lương thực cả năm có thể đạt khoảng 490 triệu tấn, cơ bản kiềm chế được đà suy giảm lương thực.

Hậu quả của lũ lụt lớn, hạn hán kéo dài, sương muối và côn trùng phá hoại đã làm cho nông nghiệp nước này thiệt hại gần 100 tỷ NDT ( 12,5 tỷ USD), riêng lương thực bị mất trắng 40,5 triệu tấn. Các tỉnh phía nam như Phúc Kiến, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Giang Tây, Trùng Khánh và Triết Giang bị thiệt hại năng nề nhất.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc sản xuất nông nghiệp nước này vẫn còn bất ổn, an ninh lương thực chưa đảm bảo có thể kéo dài trong nhiều năm tới.

Bộ Nông nghiệp đã yêu cầu các địa phương chuyển trợ cấp lương thực kịp thời cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mua giống cây trồng có chất lượng, áp dụng công nghệ trong gieo trồng và chăm bón, phòng tránh các loại sâu bệnh.

Cùng với các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, Trung Quốc cần nhập một khối lượng lớn lương thực để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Uỷ ban Cải cách và Phát triển của Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục duy trì hạn ngạch nhập khẩu có áp thuế đối với một số mặt hàng nông sản trong năm tới, trong đó doanh nghiệp nhà nước sẽ được ưu tiên và chiếm tới 90% hạn ngạch nhập khẩu lúa mì, 60% hạn ngạch nhập khẩu ngô và 50% hạn ngạch nhập khẩu gạo. Hạn ngạch chịu thuế nhập khẩu 9,64 triệu tấn lúa mì, 7,2 triệu tấn ngô, 5,32 triệu tấn gạo và 894.000 tấn bông.

Ấn Độ, nước đông dân thứ 2 trên thế giới, lần đầu tiên trong 6 năm qua đã phải nhập khẩu lương thực vì sản lượng giảm mạnh do thời tiết diễn biến bất thường. Tình trạng thiếu hụt lương thực đang là vấn đề được chính phủ và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.

Abhijit Sen, quan chức thuộc Uỷ ban kế hoạch quốc gia Ấn Độ nói tuy chưa xẩy ra khủng hoảng lương thực, nhưng tình trạng thiếu lương thực là đáng lo ngại. Sản lượng lương thực ước giảm khoảng 69 triệu tấn niên vụ 2005-2006.

Hồi tháng 3/2006, nước này đã bắt đầu nhập khẩu lúa mì giá cao trên thị trường thế giới. Khắc phục tình trạng này, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch tăng sản lượng lúa mì hàng năm thêm 7 triệu tấn vào niên vụ tới bằng biện pháp tăng diện tích canh tác nhất là ở các bang tây Bengal, Bihar và thực hiện các biện pháp thâm canh.

Bộ trưởng Lương thực Akhilesh Prasad Singh cho biết nước này đã ký hợp đồng nhập khẩu hơn 5,5 triệu tấn lúa mì kể từ đầu năm đến nay và hy vọng sẽ không phải nhập khẩu thêm.

Tìm giải pháp cho an ninh lương thực

Để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực toàn cầu, FAO kêu gọi các nước tiến hành cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp lần thứ 2 để có đủ lương thực nuôi sống từ 6 tỷ đến 9 tỷ người trên thế giới.

Cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất tiến hành trong những năm 1950-1960, với việc ứng dụng những tiến bộ khoa học trong gieo trồng, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu đã làm tăng sản lượng lương thực thế giới lên 2 lần. Nhưng đã gây ra hậu quả ô nhiễm nguồn tài nguyên và không khí, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Khí hậu trái đất đang ngày càng ấm lên, môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước ngọt giảm, nhiều vùng đất bị bạc mầu và sa mạc hoá, ảnh hưởng lớn tới sản xuất lương thực hàng năm.

Ông Henri Jossran chuyên gia của FAO nói: cuộc cách mạng xanh lần thứ 2 sẽ khó khăn hơn nhiều, vì đây là cuộc cách mạng về điều hành, về phân bổ tài nguyên và quản lý công cộng.

Đại hội quốc tế về sản xuất lúa gạo lần thứ 2 diễn ra tại New Dehli (Ấn Độ) từ ngày 9-13/10/2006. Phát biểu tại đại hội này, Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh nêu rõ việc cải tiến canh tác, nâng cao sản lượng thóc gạo sẽ giải quyết được các mối lo ngại liên quan đến an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và duy trì được sự bền vững môi trường, tài nguyên thiên nhiên thế giới.

Ông hy vọng các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp, lương thực tại các nước trên thế giới có biện pháp giải quyết những khó khăn, thách thức trong nghề trồng lúa hiện nay, vì lợi ích của người trồng lúa và người tiêu dùng. Tỷ lệ bình quân về lúa gạo đã tăng 2,34%/năm, từ 50 kg/ người những năm 1960 lên 62 kg/người hiện nay.

Tuy nhiên ông cho biết, tại các nước đang phát triển vẫn còn 815 triệu người thiếu lương thực và hàng năm có 6 triệu trẻ em bị tử vong do đói và suy dinh dưỡng.

Giám đốc Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) R.S. Zeigler đã công bố chiến lược mới của IRRI về thúc đẩy sản xuất lúa gạo trong giai đoạn 2007-2015 và kêu gọi các nước châu Á tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư cho các dự án nghiên cứu trong sản xuất nông nghiệp để giải quyết nạn đói nghèo và duy trì phát triển kinh tế tại các nước.



Theo Vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường