Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
‘Giữ chân’ giá tiêu dùng
31 | 10 | 2007
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2007 với mức tăng 0,74% so với tháng 9/2007. Như vậy, CPI tháng 10/2007 đã tăng 8,12% so với tháng 12/2006 và CPI 10 tháng đầu năm nay tăng 7,71% so với cùng kỳ năm 2006.

Trong tháng 10/2007, nhóm hàng nhà ở - vật liệu xây dựng (kể cả điện, nước và chất đốt) có mức tăng giá cao nhất, với 1,51%. Tiếp đến là nhóm thực phẩm tăng 1,19%, giá lương thực tăng 1,11%, giá dược phẩm - y tế tăng 0,81%, những nhóm hàng - dịch vụ còn lại đều tăng thấp. Thậm chí, CPI nhóm bưu chính - viễn thông, văn hoá - thể thao - giải trí đều giảm thấp so với tháng 9/2007. Đáng chú ý là, trong tháng 10/2007, chỉ số giá vàng tăng 6,04%, chỉ số giá USD giảm 0,6% so với tháng 9/2007.
Với mức tăng 7,71% so với cùng kỳ năm 2006, CPI 10 tháng đầu năm nay vẫn tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, lương thực là mặt hàng có chỉ số giá tăng cao nhất, tăng 15,01%. Tiếp đó là nhóm hàng nhà ở - vật liệu xây dựng (bao gồm điện, nước và chất đốt) tăng 10,13%; giá thực phẩm tăng 8,49% (nhìn chung, CPI nhóm hàng ăn - dịch vụ ăn uống tăng 10,07%); giá các nhóm hàng - dịch vụ khác đều tăng thấp, từ 6,33% trở xuống. Đồng thời, chỉ số giá vàng tăng 11,19% và chỉ số giá USD tăng 0,73%. Đó là mức tăng trung bình trong cả nước, trong đó mức tăng CPI ở khu vực thành thị luôn cao hơn so với khu vực nông thôn.
Bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ và Du lịch (Tổng cục Thống kê) cho rằng, sở dĩ giá lương thực tăng cao là do hậu quả của cơn bão số 5, khiến giá thóc, gạo tăng cao (cá biệt ở Bình Định tăng 2,07%; TP.HCM tăng 1,39%; Đồng Nai tăng 1,72%… do nguồn cung lương thực cho những địa phương này giảm). Ngoài ra, giá lương thực tăng cao còn do giá lương thực thế giới tăng cao (giá bột mỳ ở nước ta trong tháng 10 tăng 2,42%).
Giá thực phẩm tăng cao cũng còn do thời tiết mưa nhiều trong tháng 10, khiến sản lượng thu hoạch các loại rau, quả tươi đạt thấp, đẩy giá rau tươi trong tháng 10 tăng 4,07%. Trong tháng 10, giá thịt lợn tăng 1,31%, giá gia cầm tăng 0,85%. Ngoài lý do dịch bệnh, còn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, khiến chi phí đầu vào cho chăn nuôi tăng mạnh. Bà Hằng cho biết, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2007 dự đoán chỉ tăng 1,9% so với năm 2006 (các năm trước tăng bình quân 5 - 7%), dẫn đến nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Vẫn theo bà Hằng, CPI nhóm nhà ở - vật liệu xây dựng tăng cao là do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,04% (do giá phôi thép nhập khẩu tăng và giá gas đồng loạt tăng từ ngày 30/9/2007).
Hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm và giá cả thị trường thế giới là nguyên nhân chính khiến giá cả tiêu dùng trong nước gia tăng cao. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, các loại dịch bệnh, giảm thiểu tai nạn giao thông đi đôi với việc chống lãng phí và đẩy mạnh sản xuất là những biện pháp cơ bản nhằm kiềm chế tăng giá.



Theo vir.com
Báo cáo phân tích thị trường