Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôm thẻ chân trắng: Người ôm hận, kẻ đam mê
13 | 09 | 2011
"Vua tôm" Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn), ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu vừa gửi tới Báo NTNN bài viết này nêu một số quan điểm về con tôm thẻ chân trắng.

Tôm thẻ chân trắng có phải là vật nuôi gây hại hay không - tới đây sẽ có câu trả lời khi 2 Bộ NNPTNT và TNMT đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, dù có gây hại hay không thì chính tôm thẻ thời gian qua cũng đã để lại nhiều bài học quý cho ngành thuỷ sản Việt Nam, nhất là về công tác quy hoạch, quản lý vật nuôi; phòng chống dịch bệnh; nuôi tôm theo phong trào...

Loạt bài này nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện để có thể rút ra những điều bổ ích từ con tôm gây nhiều tranh cãi vừa qua.

Kỳ 1: Tỉnh táo trước cám dỗ

Tôm thẻ không phải là "cây đũa thần"

Mấy tuần qua, tôi nghe dư luận tranh cãi về con tôm thẻ chân trắng, trong đó có nhiều ý kiến từ Bộ NNPTNT ủng hộ mạnh việc mở rộng nuôi con tôm này. Nhiều ý kiến nói rằng nông dân cứ yên tâm mà nuôi, vì nó không gây hại cho môi trường, rằng năng suất cực cao, dễ nuôi, lãi nhiều hơn cả tôm sú, lại không nhiều mầm bệnh như tôm sú, nghe qua cứ như tôm thẻ chân trắng là "cây đũa thần" vậy…

Theo tôi, những đánh giá này chưa sòng phẳng, còn nhiều cảm tính, phía sau có thể có sự tác động cơ hội của một số công ty liên doanh sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, thức ăn tôm, thuốc thú y...

Nếu ai đó nói lợi nhuận từ tôm thẻ cao hơn tôm sú, chỉ là nói lấy được. Tôi xin lấy các số liệu bình quân thực tế ở ĐBSCL và giá cả thời điểm hiện tại, trên cùng diện tích ao 5.000m2 để minh chứng.

Bảng so sánh (dưới) cho thấy, nuôi tôm thẻ chân trắng muốn có lợi nhuận cao, phải dựa vào sản lượng lớn, vốn nhiều, quy mô "siêu công nghiệp". Xét ở góc độ đầu tư, tiền đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y cho tôm thẻ chân trắng cao hơn nhiều so với tôm sú.

Nếu càng mở rộng diện tích tôm thẻ, doanh nghiệp kinh doanh con giống, thức ăn chăn nuôi sẽ bán ra số lượng giống, thức ăn tôm càng lớn, lớn hơn nhiều so với các chỉ số tương ứng của tôm sú. Lợi nhuận cho doanh nghiệp vì thế cũng lớn hơn.

Hiện cả nước có hơn 25.000ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng. Nếu cho phát triển tôm thẻ chân trắng đại trà, mỗi hecta tiêu thụ hơn 10 tấn thức ăn/vụ tôm, thì lượng thức ăn cho tôm là con số khổng lồ. Xét ở góc độ lợi nhuận (chỉ số quan trọng nhất đối với người nuôi tôm), tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư tôm thẻ chân trắng khoảng 66%, thấp hơn tôm sú (trên 120%).

Còn về môi trường, do tôm thẻ được nuôi với mật độ cao (100 con/m2 trở lên), lượng thức ăn cho chúng nhiều hơn 36% so với nuôi tôm sú, chất thải cũng nhiều hơn, nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh vì thế cũng nhiều hơn. Từ đó kéo theo thuốc thú y dùng cho tôm thẻ chân trắng cũng nhiều hơn tôm sú. Chỉ ở điểm này thôi cũng thấy, doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y có cơ hội thu lợi nhuận khổng lồ và có sức mạnh chi phối đối với người nuôi tôm.

Chưa kể đến bệnh Taura có nguy cơ lây lan diện rộng, chỉ với lượng chất thải và lượng thuốc thú y lớn để nuôi tôm thẻ sẽ dễ gây chai lỳ hư hỏng đất. Nếu nuôi tôm thẻ chân trắng đại trà, không theo quy hoạch của Bộ Thủy sản trước đây, nếu hậu quả tai hại xảy ra, trách nhiệm thuộc về ai, ai gánh chịu: Các công ty nhập khẩu, sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản? Nhà nước? Xã hội? Hay nông dân lãnh đủ hậu quả? Tôi rất hoan nghênh Bộ TNMT lên tiếng cảnh báo những loài động vật ngoại lai nguy cơ xâm hại, với mục đích gìn giữ môi trường lâu dài.

Ít vốn không nên nuôi

Tôi không phản đối nuôi tôm thẻ chân trắng, vì có nó chúng ta có thêm lựa chọn, cơ cấu ngành hàng xuất khẩu phong phú hơn, đem lại lợi ích cho một bộ phận người dân. Nhưng nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ phù hợp với các công ty, doanh nghiệp có kinh nghiệm kỹ thuật chuyên sâu và nông dân nhiều vốn. Còn với đa số những nông dân ít vốn, cơ sở hạ tầng còn hạn hẹp thì không nên nuôi.

Ví như một gia đình thiếu thốn, nếu có 15 người trong một phòng còn có thể xoay xỏa, chứ dồn 100 người vào cùng một căn phòng đó, lo sao đủ các bữa ăn chất lượng, rồi chất thải rất lớn, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh từ đó mà ra, hậu quả có thể lường trước.

Thay vì nuôi tôm thẻ, nông dân ít vốn có thể chọn cách nuôi tôm sú mật độ thưa bền vững, vốn đầu tư thấp, rủi ro thấp, dễ chăm sóc, tôm to, dễ bán với giá cao, phù hợp cho đa số nông dân, ít vốn cũng làm được. Nếu "cổ súy" nông dân cầm đất, cầm nhà vay vốn nuôi tôm thẻ chân trắng, theo tôi không phải là giúp họ, mà là hại họ.

Theo Sáu Ngoãn

Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường