Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bắt bệnh doanh nghiệp Việt Nam
09 | 07 | 2008
Ông Shoichi Namie, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam trong buổi hội thảo với các DN Nhật Bản và Việt Nam cuối tuần trước đã cho biết, nhiều DN Nhật Bản đang tìm cách tiếp cận nguồn vốn của nhà đầu tư Việt Nam. Việc sử dụng nguồn vốn đầu tư tại chỗ đang được coi là phương cách tối đa hoá lợi nhuận một cách hợp lý của người Nhật Bản trong bối cảnh hiện nay. Với xu hướng này, cơ hội hợp tác lớn giữa các DN Nhật Bản và Việt Nam có vẻ đang được tiếp tục mở ra.

Không chỉ đơn giản là tuyên bố, sự sẵn sàng hợp tác của người Nhật Bản đã bắt đầu bằng những thay đổi căn bản nhất, đó là về phương thức quản trị DN để hoà nhập. Acecook Việt Nam, sau 15 năm hoạt động tại Việt Nam, đã rút ra kinh nghiệm về mô hình cho quản trị DN tại Việt Nam. Đó là quản trị theo kiểu "bottom-up" - từ dưới lên, thay vì mô hình "up-down" - từ trên xuống, đang phổ biến tại các nước phát triển. "Với sự sáng tạo và linh hoạt của người Việt Nam, cùng với khoảng cách khá xa với tiêu chuẩn trong quản trị DN, chất lượng người lao động cũng như thói quen của người Việt Nam, việc trao cho các vị trí ở dưới những trách nhiệm đáng kể sẽ hoá giải khá tốt những điểm yếu này. Khi đó, vị trí lãnh đạo sẽ tập trung vào giám sát việc thực hiện các trách nhiệm đó. Điều này sẽ khiến DN có được sự linh hoạt đáng kể", ông Shoichi chia sẻ với các DN Nhật Bản đang muốn làm ăn tại Việt Nam và với cả các DN Việt Nam. Tại Acecook Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất ông Shoichi là người Nhật Bản.

"Chúng tôi đã sử dụng tốt các vị trí lãnh đạo là người Việt Nam và đây là lý do mà không cần có chuyên gia Nhật Bản có mặt tại Việt Nam nữa", ông Shoichi nói.

Có vẻ như mọi lời giải đã có sẵn và khá thuận lợi đối với DN Việt Nam khi đang loay hoay tìm cách tiếp cận DN nước ngoài. Nhưng trên thực tế, số lượng DN Việt Nam tận dụng được cơ hội này không cao. Chính các DN Nhật Bản phải than phiền về việc họ chưa tìm đủ được đối tác Việt Nam trong việc cung cấp linh phụ kiện, nguyên liệu phục vụ sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Trong khảo sát của Diễn đàn DN Việt Nam - Nhật Bản liên quan đến cơ hội hợp tác này, khoảng cách vẫn khá lớn về quan điểm và cách nhận thức giữa các DN Việt Nam và Nhật Bản. Trong khi DN Nhật Bản luôn đòi hỏi cao về việc thực thi theo cam kết, nhất là chất lượng hàng hoá và thời hạn giao hàng, thì đây vẫn là điểm yếu của DN Việt Nam. Điều đáng nói là DN Việt Nam chỉ thường cố gắng làm tốt trong một vài lần đầu, trong khi DN Nhật Bản đòi hỏi sự ổn định rất cao.

Nguyên nhân chính, theo đánh giá của các DN Nhật Bản, đó là DN Việt Nam quá ôm đồm và không thực sự quyết tâm trong làm ăn. "Đáng ra, với sức vóc của mình, mỗi DN Việt Nam chỉ có thể tập trung làm tốt cho một đối tác, nhưng họ đã không làm như vậy. Và kết quả là độ vênh về yêu cầu và đáp ứng của hai bên ngày càng doãng ra", một chuyên gia người Nhật Bản nói.

Thực ra, cách làm việc "tốt cho một" mà người Nhật Bản đã từng bắt đầu là một cách cải thiện năng lực rất nhanh và quan trọng hơn là bền vững. Việc tìm cách thoả mãn yêu cầu của một đối tác, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ đối tác đó là con đường ngắn nhất để DN tự cải thiện năng lực, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều DN Việt Nam đã không đủ kiên nhẫn để đi lên một cách bài bản nhưng cũng không tranh thủ cơ hội lớn lên từ việc hợp tác với DN lớn hơn.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư Nhật Bản than phiền rằng, cách tính toán không hợp lý của nhiều DN Việt Nam cũng đang khiến mất đi nhiều hợp đồng làm ăn. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay, các DN Việt Nam vẫn tính giá bán bằng cách cộng tỷ lệ lãi mong muốn vào giá thành. Cách làm này đã khiến giá của sản phẩm bị đội lên rất cao và trở nên kém cạnh tranh hơn. Thậm chí, có DN Nhật Bản phải thốt lên rằng, họ không hiểu các DN Việt Nam có quan điểm thế nào về lợi nhuận, còn với họ, họ không bao giờ tính lãi khi đưa ra giá bán. Thậm chí, giá bán luôn phải có xu hướng giảm xuống để cạnh tranh.

Sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ quan niệm về lợi nhuận. Đối với DN Nhật Bản, lợi nhuận được tính từ việc giảm chi phí, chứ không phải là phép cộng cơ học vào giá thành. Chính quan điểm này đã khiến DN Nhật Bản luôn đứng đầu thế giới về đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, chi phí… Cùng nhờ vậy mà trong bối cảnh bất ổn về giá cả thị trường, sự đón nhận của các DN này thường chủ động và luôn có giải pháp phù hợp.

Trong khi đó, với việc đặt kỳ vọng vào lợi nhuận ra ngoài hoạt động sản xuất - kinh doanh, DN Việt Nam hiện gặp khó khăn nhiều trong nỗ lực ổn định giá thành, chứ chưa nói đến giảm giá bán. Cũng cần phải nói rằng, ngay khi các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ quan điểm này, nhiều DN Việt Nam đã không dấu vẻ ngạc nhiên và cho rằng khó có thể tồn tại cách tư duy như vậy. Có vẻ như mô hình hiện đại về chi phí và lợi nhuận vẫn chưa đủ điều kiện để phát huy lợi ích của nó.

 



Nguồn: Đầu tư Chứng khoán
Báo cáo phân tích thị trường