Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủ tục “hành” doanh nghiệp nông nghiệp
27 | 08 | 2008
Các thủ tục hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trong quản lý nhà nước về các hoạt động kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, phân bón đang bị chính các doanh nghiệp phàn nàn là “hành” doanh nghiệp.
Bỏ thủ tục hình thức

Ngày 23-7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đã ký quyết định số 83/2008/QĐ-BNN để bãi bỏ quyết định số 03/2007/QĐ-BNN, ký ngày 19-1-2007 của bộ này về "Quy định công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặc thù chuyên ngành nông nghiệp".

Theo quyết định 83 thì kể từ ngày 22-8 tới đây, Sở NN-PTNT các địa phương sẽ chấm dứt tiếp nhận việc công bố tiêu chuẩn hàng nông lâm sản của các doanh nghiệp, một thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp kinh doanh ngành nông nghiệp than phiền từ nhiều năm qua.

Vị trí đặt quảng cáoCác sản phẩm không cần gửi hồ sơ đăng ký bao gồm phân bón, thức ăn chăn nuôi, rau an toàn, giống cây trồng vật nuôi, giống lâm nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, muối và vật tư nghề muối, thuốc thú ý và quy trình nuôi heo an toàn, tức gần như toàn bộ các vật tư đầu vào của sản xuất nông lâm nghiệp.

Ông Mai Xuân Trúc, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Trúc, kinh doanh vật tư nông nghiệp ở TPHCM, hoan nghênh quyết định mới của ngành nông nghiệp là đã cắt bỏ một thủ tục mà ông cho là “mang tính hình thức”, chỉ làm khổ doanh nghiệp.

“Hàng hóa đã được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, được cấp phép, được chính ngành nông nghiệp công nhận và cho phép lưu hành thì việc nộp hồ sơ công bố ở các địa phương chỉ làm mất thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp mà chẳng giải quyết được gì”, ông Trúc nói.

Ông Trúc lấy ví dụ một sản phẩm giống, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, muốn lưu hành tại Việt Nam phải trải qua một thời gian dài khảo nghiệm, đánh giá đủ các cấp của ngành nông nghiệp rồi mới được phép lưu hành. Tài liệu của toàn bộ quá trình này dày cả trăm trang giấy A4 nhưng khi doanh nghiệp lưu hành (giả định lưu hành toàn quốc) thì phải gửi hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm tới Sở NN-PTNT 64 tỉnh, thành. Nghĩa là doanh nghiệp phải photo cuốn tài liệu đó ra thành 64 cuốn để nộp và chờ đợi lấy Phiếu tiếp nhận hồ sơ rồi mới dám buôn bán.

“Nếu doanh nghiệp mà kinh doanh hàng chục loại giống hay chục loại phân bón thì cứ tưởng tượng tiền photo tài liệu, cước phí gửi bưu điện lên tới cỡ nào, vì mỗi loại sản phẩm là một hồ sơ”, ông Trúc kể.

Mục đích của Bộ NN-PTNT là muốn thủ tục nói trên như một thông báo của doanh nghiệp về chất lượng hàng hóa của mình tại thị trường địa phương nơi lưu hành sản phẩm, làm cơ sở cho “hậu kiểm”, phân định hàng giả, hàng kém chất lượng của thanh tra chuyên ngành nông nghiệp các địa phương.

Trong khi các doanh nghiệp thì cho rằng nếu một ai đã cố tình kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thì thủ tục nói trên chẳng giải quyết được gì vì lực lượng thanh tra nông nghiệp mỗi tỉnh chỉ từ 2-5 người mà giống, phân bón hay thuốc trừ sâu đang lưu hàng thì có tới hàng ngàn sản phẩm. Hơn nữa, khi Sở NN-PTNT nhận hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm thì chỉ viết phiếu tiếp nhận (tức làm việc trên giấy tờ) chứ không hề có kiểm tra cụ thể.

Vẫn còn nhiều thủ tục “hành” doanh nghiệp

Thủ tục hình thức được Bộ NN-PTNT cắt bỏ trên chỉ là một trong nhiều thủ tục hành chính khác vẫn còn đang "hành" doanh nghiệp nông nghiệp, dù nhiều thủ tục đã lỗi thời, thậm chí là thiếu căn cứ khoa học.

Từng là giám đốc kinh doanh hơn 10 năm tại một công ty giống cây trồng khá lớn của Việt Nam, ông Đinh Văn Bích hiểu rõ các thủ tục hành chính bất hợp lý còn đang "hành" doanh nghiệp kinh doanh giống cây trồng.

Theo quy định bắt buộc, sau khi xin phép nhập khẩu một giống mới thì công ty kinh doanh giống phải xin giấy kiểm dịch thực vật để chứng minh là không mang mầm bệnh lạ, phòng các trường hợp bệnh lạ hay côn trùng lạ của nước ngoài đi theo giống vào Việt Nam.

Thế nhưng, ông Bích cho biết, muốn có giấy kiểm dịch thực vật ở cơ quan bảo vệ thực vật (tất nhiên là có kiểm tra, kiểm dịch - PV) thì nhà nhập khẩu phải ghi đúng địa phương mà giống nhập khẩu sẽ lưu hành.

“Điều đáng tiếc là tờ giấy kiểm dịch thực vật chỉ đủ chỗ để ghi tên năm tỉnh, thành. Vậy là doanh nghiệp nhập khẩu phải lách luật bằng cách nhập nhiều lần khác nhau hoặc phải làm đơn xin kiểm dịch nhiều lần cho một lô giống, mỗi lần làm một tờ kiểm dịch sao cho cộng tất cả các tờ kiểm dịch lại với nhau thì đủ tên của 64 tỉnh, thành để khỏi bị phạt khi giống lưu hành ở địa phương đó”, ông Bích tiết lộ “bí quyết”.

Ông Bích cho rằng quy định như vậy đã vô tình tạo ra hình thức “ngăn sông cấm chợ” trong kinh doanh giống, bởi các công ty giống bao giờ cũng nghĩ mình nhập khẩu là cung cấp cho cả thị trường Việt Nam chứ đâu riêng địa phương nào.

Hơn nữa, cứ cho là doanh nghiệp chỉ có ý định bán cây giống cho một địa phương, cụ thể như bán giống bắp lai cho Đồng Nai, giấy kiểm dịch thực vật ghi nơi lưu hành là Đồng Nai nhưng doanh nghiệp này đâu thể ngăn giống bắp này lưu thông đến Lâm Đồng hay ra Bình Thuận? Thực tế là chủ các đại lý giống ở địa phương đó bán sản phẩm ra tỉnh khác.

“Có ai bán giống mà hỏi người mua là anh trồng ở đâu?”, ông Bích đặt câu hỏi cho thủ tục bất hợp lý này.

Nghiên cứu và ứng dụng về giống cây trồng hiện nay trên thế giới và Việt Nam phát triển nhanh, ông Bích cho biết vòng đời của một loại giống có khi chỉ 1-2 năm hay 3-4 vụ sản xuất. Thế nhưng, sau khi có toàn bộ giấy phép nhập khẩu giống mới, công ty kinh doanh giống phải xin phép khảo nghiệm giống mới xem có phù hợp với điều kiện thổ những, sâu bệnh của Việt Nam hay không trong thời gian dài, cụ thể như quy định của Bộ NN-PTNT bắt phải khảo nghiệm ít nhất 3 vụ như giống bắp.

“Có những loại giống khi khảo nghiệm xong, được Bộ NN-PTNT công nhận và cấp phép lưu hành thì thị trường trong nước hay thế giới đã có sản phẩm giống mới ưu việt hơn, và tính cạnh tranh của sản phẩm nhập về không còn nữa”, ông Bích nói.

Chính vì có quá nhiều thủ tục rườm ra hay lạc hậu của ngành nông nghiệp trong lĩnh vực giống mà một số công ty giống đã tìm cách lách "luật". Trên thực tế, doanh nghiệp bán giống ngoại nhập chưa qua khảo nghiệm hoặc đang trong quá trình khảo nghiệm ra thị trường nhưng thanh tra ngành nông nghiệp vẫn không phát hiện được.



Nguồn: TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường