Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp "vờn" dân!
26 | 08 | 2008
Ở ấp Thiên Bình, xã Tam Phước (Long Thành, Đồng Nai) có một mảnh đất công, mà một phần đang là nơi đứng chân của Trường Tiểu học Tam Phước 1 (Cơ sở Thiên Bình), và phần còn lại là sân bóng của ấp này. Bất chợt một DN "vác" máy ủi đến san lấp sân bóng mà chẳng hỏi han gì người dân.
Cty Tín Nghĩa không giữ chữ tín

Là đất công, nhưng trong mấy chục năm qua, người dân Thiên Bình đã luôn quan tâm, gìn giữ, nhất là đối với sân bóng. Một cựu trưởng ấp Thiên Bình (xin không nêu tên) cho biết, đã có không ít vụ xô xát xảy ra giữa những người dân muốn bảo vệ sân bóng với một số người có ý đồ xẻ sân bóng ra...đem bán. Năm 1986, sân bóng này đã được long trọng bàn giao cho Đoàn TNCSHCM địa phương quản lý, và sân bóng đã được gìn giữ khác tốt. Nhờ vậy, đến nay, ấp Thiên Bình là ấp duy nhất trong xã Tam Phước có riêng một sân bóng rộng rãi để nhiều thế hệ thanh, thiếu niên tới vui chơi, rèn luyện sức khỏe.

Bởi thế, sau Tết Mậu Tý vừa rồi, khi thấy Cty Tín Nghĩa (chủ đầu tư KCN Tam Phước, nằm ngay sát trường học và sân bóng), cho xe máy tới... cày ủi sân bóng, thì nhiều người dân ấp Thiên Bình bỗng tá hỏa, rủ nhau ra ngăn cản. Trước phản ứng dữ dội của người dân, Cty Tín Nghĩa đã phải ngừng việc cày ủi sân bóng.

Sau đó, Cty này cho người đến cày ủi lần thứ 2, cũng bị dân ngăn cản quyết liệt. Sau khi bị dân tiếp tục ngăn cản lần cày ủi thứ 3 (ngày 25/3), chính quyền xã Tam Phước mới tổ chức họp dân ngay trong tối hôm đó để thông báo rằng, sân bóng đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi để giao lại cho Tín Nghĩa làm Trạm tăng áp nước cho KCN Tam Phước. Tuy nhiên, chính quyền xã lại không có trong tay quyết định này. Bên Tín Nghĩa hứa sẽ mang quyết định sang cho dân xem trong cuộc họp, nhưng xã và dân đợi hoài mà chẳng thấy bóng dáng người đại diện của cái Cty có chữ “tín” trong tên gọi ấy. Vậy là cuộc họp chẳng đi đến đâu.

Dân tiếp tục phản ứng gay gắt

Buổi họp dân ấp Thiên Bình sáng ngày 18/5 vừa rồi, đã là buổi họp dân lần thứ 3, xung quanh "số phận" cái sân bóng. Lần này thì có đủ đại diện của UBND huyện Long Thành, chính quyền xã Tam Phước và Cty Tín Nghĩa. Mở đầu cuộc họp, ông Trần Văn Ngọc, PCT UBND xã Tam Phước thông báo: Xã và Cty Tín Nghĩa thỏa thuận rằng, trước mắt Tín Nghĩa sẽ chưa “đụng” tới phần đất đang làm trường học.

Nhiều người dân bày tỏ rằng họ sẽ tiếp tục ra ngăn cản mỗi khi Tín Nghĩa cho xe cộ tới cày ủi sân bóng. Họ không thể tin được lời hứa của Cty Tín Nghĩa, bởi đã có lần, Cty này cố tình dịch hàng cột điện của KCN Tam Phước ra sát đường đi. Khi phát hiện ra, xã Tam Phước đã yêu cầu Tín Nghĩa phải rời hàng cột điện vào đúng vị trí cũ. Nhưng đến giờ, Cty này vẫn phớt lờ yêu cầu đó.

Khi nào Tín Nghĩa đã xây dựng được trường học ở vị trí khác, xã mới bàn giao phần đất này. Còn phần đất đang làm sân bóng của ấp Thiên Bình, xã sẽ giao ngay cho Tín nghĩa để Cty này động thổ xây dựng Trạm tăng áp nước. Cty Tín Nghĩa đã đồng ý tạm thời giao sân bóng trong...KCN cho xã.

Ông Ngọc cho biết thêm rằng, việc thu hồi sân bóng và trường học để giao cho Cty Tín Nghĩa đã được UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định từ năm 2002. Điều đáng nói, ông PCT chỉ thông báo bằng miệng mà không hề đưa ra một văn bản cụ thể nào. Bởi thế, ngay lập tức, người dân ấp Thiên Bình tham gia cuộc họp đã có những phản ứng rất gay gắt. Ông cựu trưởng ấp Thiên Bình nói “Nếu UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi đất làm trường học và sân bóng từ năm 2002, thì sao năm 2003 tôi đang làm trưởng ấp, mà lại không hề hay biết gì cả?”.

Ông Lê Văn Quyên, một cựu trưởng ấp khác nói “Người dân ấp Thiên Bình không đồng tình với chủ trương thu hồi sân bóng để giao cho một đơn vị làm kinh tế. Cả xã Tam Phước chỉ có mỗi sân bóng này. Vì thế cần phải giữ nó để con em chúng ta có chỗ vui chơi, giải trí, qua đó góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội”. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, nhà ở ngay gần sân bóng, thì cho rằng “Nếu chính quyền muốn lấy chỗ đất công đó để giao cho Tín Nghĩa, chúng tôi sẵn sàng đồng tình, nhưng với điều kiện là Tín Nghĩa phải làm ngay một trường học và sân bóng mới và bàn giao cho xã, cho dân”.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường