Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Từ lâu, các doanh nghiệp phải mua gạo qua tư thương
20 | 08 | 2008
Như Tiền phong đã thông tin, việc mua lúa gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng tại ĐBSCL vẫn khá chậm trong khi giá mua cũng chỉ tăng từ 100 – 200 đồng/kg, do các doanh nghiệp vẫn phải mua qua thương lái.

Trao đổi với Tiền phong, ông Trần Ngọc Thiều - Trưởng phòng KHKD&SXCB - Tổng Cty Lương thực Miền Bắc (VNF1) cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, VNF1 đã triệu tập lãnh đạo 29 đơn vị thành viên họp bàn kế hoạch mua gạo tạm trữ, giao một Phó TGĐ trực tiếp nằm vùng để điều hành việc mua lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL.

Theo đó, chỉ tiêu được Hiệp hội lương thực giao cho VNF1 là 200.000 tấn gạo, phấn đấu trong tháng 8 (có thể đến 15/9, tuỳ tình hình cụ thể) sẽ nhập kho đủ số lượng được giao. Hiện VNF1 đã mua được khoảng 70.000 tấn.

Tuy nhiên, trong quá trình thu mua, nhiều khó khăn phát sinh. Trước đó, VNF1 vẫn đang tồn kho 127.000 tấn gạo nên khi nhập thêm theo chỉ tiêu của Hiệp hội thì lượng gạo tồn kho sẽ lên tới 327.000 tấn.

Trong khi đó, hợp đồng đã ký để xuất khẩu của đơn vị này mới được 100.000 tấn. Mục tiêu từ nay đến cuối năm, VNF1 sẽ xuất 350.000 tấn gạo. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó, bởi các quốc gia tiêu thụ gạo lớn đã nhập tương đối đủ nhu cầu, còn giá xuất khẩu thì chưa thể dự tính.

Bên cạnh đó, để nhập đủ 200.000 tấn gạo, các đơn vị thành viên của VNF1 sẽ phải vay khoảng 1.500 tỷ đồng, với lãi suất vay là 18,9%/năm. Tuy vậy, việc vay vốn cũng rất khó khăn, vì hạn mức tín dụng dành cho các đơn vị thành viên của ngân hàng tại các địa phương cũng rất thấp.

Mua gạo dự trữ nhưng chưa tìm thấy đầu ra, đã thế chất lượng gạo của vụ lúa Hè - Thu này cũng kém hơn vụ Đông - Xuân, gây khó khăn không nhỏ trong việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Về việc giá mua tuy cao nhưng thực tế giá này không đến tận tay người nông dân, ông Thiều cho biết đó là sự thực. Theo ông Thiều, các doanh nghiệp được chỉ đạo mua lúa gạo không thể tiếp cận trực tiếp với người nông dân vì nhân lực, phương tiện có hạn.

Vả lại, từ lâu nay, hệ thống thương lái trung gian mới có thể trực tiếp mua thóc từ bà con, rồi sơ chế và bán lại gạo nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Dầu vậy, từ khi các doanh nghiệp tiến hành mua theo chỉ đạo của Thủ tướng, giá gạo nguyên liệu đã tăng khoảng 250 đồng/kg. 



Nguồn: Tiền Phong
Báo cáo phân tích thị trường