Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khó đủ bề, nhiều doanh nghiệp "lịm dần"
15 | 08 | 2008
Kinh tế khó khăn, những người đứng đầu các doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt với hàng trăm mối lo dồn dập đổ lên. Khốn đốn vì thiếu vốn, chịu giá thành đầu vào tăng mà sản phẩm bán ra phải giữ giá, người lao động nổi giận vì đòi tăng thu nhập... Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang phải "vật lộn" với bài toán tồn tại.
Đầu vào - đầu ra: "Ác mộng" giữa ban ngày!

Lạm phát trong nước, rồi giá dầu thế giới tăng, kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng theo khiến hầu hết nguyên vật liệu các ngành sản xuất đều tăng. Thông thường, tăng giá đầu vào đồng nghĩa với việc giá đầu ra cũng phải tăng theo. Song, nghịch lý là trong khi giá đầu vào cứ tiếp tục leo thang thì khách hàng lại khó chấp nhận giá đầu ra quá cao. Và như vậy, doanh nghiệp chỉ còn cách bù lỗ cho khoản chênh lệch đó.

Anh Nguyễn Công Duy, cơ sở sản xuất áo mưa Gia Linh, quận Tân Phú cho biết, hiện nay, giá nguyên vật liệu để sản xuất áo mưa đã tăng tới 40% so với đầu năm. Trong khi đó, giá áo mưa thành phẩm ở đầu ra chỉ tăng được 25-30%, tăng nữa khách hàng sẽ không mua. "Nếu năm trước, lợi nhuận là 10% thì năm nay chỉ còn 5%. 5% lợi nhuận đó không đủ gánh tất cả những chi phí khác nên phải bù lỗ là lẽ đương nhiên". Anh Duy khẳng định.

Cùng cảnh ngộ, anh Trần Quang Hoàng, GĐ Công ty TNHH Đại Hoàng Hảo chuyên sản xuất găng tay và khẩu trang chia sẻ: hiện giá sợi đang tăng thêm 12%, trong khi đó, đầu ra của sản phẩm chỉ tăng 7-8%, thậm chí thấp hơn. Đã thế, do nguyên vật liệu tăng nên nhà cung cấp không dám nhập nhiều, sợ không bán được nên dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu, khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp.

Chúng tôi chỉ có thể cố gắng bù lỗ trong vòng 6 tháng, nếu không tìm được giải pháp chiến lược thì phá sản là điều tất yếu" - anh Hoàng tâm sự.

Áp lực từ ngay nội bộ

Lạm phát tăng cao, hình thành một mặt bằng giá mới quá cao, trong khi thu nhập của người lao động vẫn "giậm chân tại chỗ" hoặc tăng một cách ì ạch khiến gánh nặng trên vai người lao động tăng thêm. Đó chính là một áp lực cho doanh nghiệp bởi nếu đời sống không đảm bảo, hoặc công nhân sẽ đình công, hoặc bỏ việc. Đó là hệ quả tất yếu và trên thực tế đã diễn ra với mật độ ngày càng cao do đời sống của công nhân quá khó khăn.

Kinh tế khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao và xác xuất rủi ro không ít do giá nguyên vật liệu luôn biến động buộc các doanh nghiệp phải tính toán chi li từng khoản một. Song, điều mà các doanh nghiệp lo lắng nhất là công nhân bỏ việc vì nếu điều đó xảy ra, chủ DN không thể tự mình xoay xở với các đơn hàng đã ký từ lâu.

Theo anh Nguyễn Văn Ngon, PGĐ công ty TNHH in ấn, bao bì Việt Quốc tại quận 1, giá sinh hoạt tăng cao buộc doanh nghiệp phải gánh thêm áp lực đòi tăng lương từ công nhân. Đó là một áp lực rất lớn đòi hỏi công ty phải tính toán để có những hỗ trợ kịp thời cho người lao động để họ yên tâm sản xuất. Có như vậy, năng suất, hiệu quả lao động mới đảm bảo.

Biết là vậy, song, giải quyết lại là điều không dễ. Chia sẻ với yêu cầu chính đáng của người lao động, nhưng anh Nguyễn Công Duy, cơ sở sản xuất áo mưa Gia Linh cũng than thở: "Với những doanh nghiệp nhỏ, việc tăng chi phí sẽ kéo theo rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu không tăng lương, để công nhân đình công thì thiệt hại lại càng nặng nề hơn".

Là một doanh nghiệp quy mô nhỏ, Công ty Cổ phần thiết bị công nghiệp T.Đ ở Thủ Đức luôn phải "vật lộn" với bài toán về vốn lưu động. Để có vốn, các cổ đông thay nhau rút tiền túi cho công ty mượn tạm. Song, lương công nhân thì chưa thể tăng ngay được. Anh Nguyễn Ngọc Hữu Hòa, cổ đông công ty cho biết, hiện lương công nhân sản xuất tại đây vào khoảng 2-5 triệu đồng/người/tháng. Hiện Công ty chỉ có thể hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền xăng và lo chỗ ở khi công nhân thi công công trình ở xa nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi người lao động, không để họ phải chịu thiệt.

Trong khi đó, là một công ty may gia công với khoảng 1.500 công nhân, Công ty Liên Phát phải luôn đối diện với áp lực đòi tăng lương, nguy cơ đình công và tình trạng bỏ việc từ phía người lao động. Sự chuyển dịch lao động với mong muốn tìm việc tốt hơn để cải thiện đời sống và nguy cơ đình công đã khiến Liên Phát và nhiều doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng dệt may, da giày là những ngành cần khối lượng công nhân lớn vô cùng mệt mỏi.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Liên Phát đã hai lần tăng lương cho công nhân, mỗi lần tăng tối thiểu 10%. Mới đây, giá xăng dầu tăng 31%, lãnh đạo công ty đang tiếp tục tính đến kế hoạch tăng lương lần nữa. Dù rất nỗ lực đảm bảo đời sống người lao động để giữ chân họ, song, chị Thúy Liên, GĐ công ty cũng cho biết hiện đang thiếu khoảng 700-1.000 lao động. Đáng nói là, lao động tuyển vào, vừa đào tạo biết việc xong lại thi nhau nghỉ.

Không kém bi đát là trường hợp của Công ty TNHH Nhất Trí, đơn vị cung cấp nguyên liệu ngành dệt may. Theo Giám đốc Nguyễn Văn Viện, hiện công ty đang "án binh bất động" nhưng hàng tháng vẫn phải hỗ trợ 70% lương để nuôi sống và giữ chân 250 lao động, chờ ngày hoạt động trở lại.

Anh Viện cho biết, khả năng của anh chỉ có thể cầm cự thêm vài tháng nữa. Nếu không sớm tìm ra lối thoát, nhiều khả năng công ty sẽ tuyên bố phá sản.

Trăm ngành cùng khó

Theo nhận định của ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ VN, chỉ có khoảng 1/5 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển, do đủ sức chống chọi trước những cơn sóng dữ của lạm phát, bão giá. Sự sàng lọc khốc liệt của thị trường, cộng với khó khăn chung của nền kinh tế khiến các doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực đều phải đối mặt với tình trạng phá sản.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp trong ngành viễn thông, tình hình lạm phát, bão giá đã tác động khá nhiều đến thị trường khiến sức mua giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số của doanh nghiệp. Riêng thị trường điện thoại di động sức mua 6 tháng đầu năm ước tính giảm khoảng từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một doanh nghiệp kinh doanh trong ngành hoa tươi cũng cho hay, người tiêu dùng bây giờ tiết kiệm hơn trước, bớt chi tiền vào những mục đích không cần thiết. Do vậy để giữ vững doanh thu đối với công ty này hoàn toàn không đơn giản.

“Từ đầu năm đến nay, nguyên vật liệu ngành hoa tươi tăng lên 30% nhưng chúng tôi phải gồng gánh mức tăng này chứ không dám tăng giá bán sản phẩm. Nếu tăng giá bán thì khó mà giữ được khách hàng cũ cũng như phát triển khách hàng mới” - Giám đốc công ty này nói.

Đây là thực trạng chung của nền kinh tế, khi mà phần lớn các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ đều đang khốn đốn trước tình trạng kinh doanh, buôn bán khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã ví von việc đối phó với các cơn bão giá, lạm phát trong thời gian gần đây là hiện tượng “sống chung với lũ”. Vậy, các giải pháp để doanh nghiệp vượt “lũ”, tìm được đường sống cho mình trong lúc này là gì?

Tính từ đầu năm 2008 đến nay nguyên nhiên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất tăng mạnh khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như giá xăng dầu nhập khẩu tăng 61,8%, giá sắt thép tăng 29,8%, các mặt hàng xây dựng tăng 14,34%, giấy tăng 11,8%, chất dẻo tăng 15,4%, phân bón tăng 96%... Theo công bố của Tổng Cục Thống Kê Nhà nước, chỉ số lạm phát trong tháng 7 lên tới 27%.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường