Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, TBKTSG Online đã trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo xung quanh việc triển khai nghị định này sẽ tác động thế nào tới xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân: “Cần có thêm công ty cổ phần nông nghiệp”
Tôi hoan nghênh nghị định này. Tôi mong nó ra đời sau cuộc họp tại TPHCM bàn về chuyện này từ mấy tháng nay. Nó sẽ góp phần làm cho gạo Việt Nam xuất khẩu có giá hơn, có uy tín hơn và nông dân có lợi hơn. Vì sao?
Hiện Thái Lan có 14 nhà xuất khẩu gạo; gạo của họ đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu nhờ được làm đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó có vùng nguyên liệu, hệ thống xay xát, kho dự trữ. Còn ở Việt Nam có trên 230 nhà xuất khẩu gạo, mà mỗi lần chỉ có vài “nhà” xuất được vài triệu tấn còn lại chỉ đủ sức xuất vài trăm tấn. Mà rất nhiều “nhà xuất khẩu” lẻ tẻ này không có ruộng lúa, không có nhà máy xay xát, kho dự trữ… nhưng lại ăn lời rất lớn, ăn trên đầu trên cổ nông dân vì chỉ biết mua gom gạo của thương lái chỗ này một ít chỗ kia một ít. Mấy ông này chỉ lo “chạy” để kiếm được mối xuất khẩu, còn lại nông dân thì “hy sinh” hết.
Tôi cũng nói rõ tại hội nghị ở TPHCM khi nghị định còn là dự thảo, là phải làm sao để nhà xuất khẩu gạo có vùng nguyên liệu gắn với nông dân để nông dân yên tâm sản xuất. Không thể có hàng chục thương lái mua hàng chục loại lúa trộn lại để bán cho ông xuất khẩu nữa, làm cho gạo Việt Nam cứ mang tiếng xấu hoài vì chất lượng không đều.
Phải gắn “4 nhà” với nhau. Nhưng chính nhà nông cũng phải biết gắn với nhau trong một vài xã để có chung vùng nguyên liệu. 1.000 nông dân phải làm chung một quy trình Viet GAP trong sản xuất lúa để cho ra chung một giống lúa cung cấp cho nhà doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải có nhà máy xay xát, nhà máy sấy, nhà máy đóng gói bao bì, có đăng ký thương hiệu… Như vậy thì mới lấy lại uy tín cho hạt gạo Việt Nam. Nếu không thì cứ tiếp tục làm ăn nhỏ lẻ, mạnh ai nấy tranh mua tranh bán lấy lời, chỉ có nông dân là mất đi quyền lợi của mình.
Tới đây, về căn bản trong việc xuất khẩu gạo, chúng ta phải làm công ty cổ phần nông nghiệp. Nông dân là cổ đông của công ty này. Công ty phải có đủ vùng nguyên liệu, nhà máy sấy, nhà máy xay xát chế biến gạo, kho dự trữ, nhà máy bao bì, làm thương hiệu… và sản xuất theo quy trình Viet GAP. Tiền lời kinh doanh hằng năm chia cho nông dân.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ: “Phải bảo đảm lợi ích nông dân”
Để kinh doanh xuất nhập khẩu lúa gạo, cần có những điều kiện gắn thương nhân với sự phát triển của khu vực nông nghiệp. Nếu tự do hóa mà không ràng buộc đầu tư phát triển thì những thương nhân bên ngoài vào sẽ hưởng lợi lớn. Chính phủ đầu tư, nông dân hưởng lợi không nhiều nhưng thương nhân thuần túy thương mại sẽ thu lợi nhờ đầu cơ hoặc móc nối nhau trong việc phân chia thị trường.
Vẫn có ý kiến không tán thành, cho rằng nghị định 109 hạn chế quyền tiếp cận mua bán của thương nhân, nhất là thương nhân nước ngoài và thương nhân Việt Nam chuyên hoạt động mua bán. Tuy nhiên qua những nghiên cứu của tôi thì tôi thấy những quy định của Nghị định 109 như vậy là cần thiết.
Lúa gạo là ngành hàng không thể tự do hóa một cách thiếu cân nhắc. Sự xáo trộn ở thị trường lúa gạo là cực kỳ nguy hiểm. Thương nhân nước ngoài với năng lực của họ, khả năng về vốn của họ, rất có thể làm bóp méo thị trường này chỉ trong một thời gian ngắn. Khi đó muốn sửa chữa cũng khó mà làm được. Phải có lộ trình để bảo đảm lợi ích của nông dân, nâng đỡ lực lượng trong nước.
Các nhà kinh doanh lúa gạo phải là những người gắn bó với lợi ích của nông dân lâu dài. Tôi ủng hộ các chính sách đảm bảo lợi ích của nông dân và thị trường lưu thông bình thường. Sau một thời gian thực hiện, sẽ bộc lộ những khuyết điểm, khi đó có thể xem xét điều chỉnh để phù hợp với những cam kết gia nhập WTO. Nhưng làm gì thì làm cũng phải bảo đảm rằng lợi ích của nông dân không bị phương hại, thị trường không bị bóp méo. Việc mở cửa sớm mà không cân nhắc, nhất là với lúa gạo, là điều không nên.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: “Chưa thấy rõ quyền lợi của nông dân”
Trong thời gian qua, việc quản lý xuất khẩu gạo còn nhiều bất cập. Có quá nhiều đầu mối xuất khẩu; cạnh tranh không lành mạnh; để xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán “ta đánh ta” làm thiệt hại nhiều cho nguồn lợi của đất nước.
Một số doanh nghiệp nhờ “quen biết” mà được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu trong khi thực lực chẳng có gì; không có giải pháp nâng cao chất lượng hạt gạo cũng như nâng chuỗi giá trị của nó, để xảy ra hiện tượng cai đầu dài, bán chỉ tiêu… làm bất bình nhiều người, do vậy, cần có giải pháp ngăn chặn. Nội dung chính của nghị định 109 là doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng 3 điều kiện, và thêm điều kiện phải trữ ít nhất 10% lượng gạo xuất khẩu 6 tháng trước đó.
Nhìn qua thì thấy phần nào đó có thể hạn chế được những bất cập như tôi vừa nói, làm cho các doanh nghiệp nhỏ muốn kinh doanh phải liên kết lại với nhau, giúp họ chuyên nghiệp hơn trong trong kinh doanh xuất khẩu gạo. Nhưng xem kỹ thì thấy nghị định này tuy đã được bàn thảo cả năm nhưng có vẻ là “chữa cháy”, không có tính vĩ mô cao và không căn cơ lắm, chỉ giúp loại bỏ bớt một phần đầu mối nhỏ lẻ, còn các doanh nghiệp lớn thì mừng. Nó đáp ứng điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Vấn đề sản xuất, tiêu dùng lúa gạo hiện hay là cải cách phương thức sản xuất, làm sao có liên kết “4 nhà” mà chủ lực là người sản xuất và doanh nghiệp. Muốn vậy, nông dân phải có vùng nguyên liệu, muốn có sản phẩm chất lượng, đảm bảo yêu cầu số lượng doanh nhiệp cần phải đặt hàng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đầu tư vào vùng nguyên liệu, tạo thương hiệu với thị trường. Nông dân cũng phải liên kết hợp tác trong sản xuất để làm đối tác quan trọng đối với doanh nhân. Từ đó mới nhờ kho tàng tốt, xử lý khâu sau thu hoạch tốt, làm cơ sở nâng cạo chuỗi giá trị của hạt gạo Việt Nam.
Tôi chưa rõ ý của nghị định này về việc “Thương nhân phải dự trữ tối thiểu 10% lượng gạo đã xuất khẩu 6 tháng trước đó”. Bởi vì vấn đề an ninh lương thực, tồn trữ lúa gạo thì đã có Cục Dự trữ quốc gia lo. Có lẽ điều này có ý “ép vốn” doanh nghiệp nhỏ chăng? Thực tiễn lâu nay, thương lái, tức là bạn hàng, đã giúp ích rất đắc lực và là cầu nối không thể thiếu của nông dân và doanh nghiệp.
Họ thuận mua, vừa bán, tuy đôi khi cũng có hơi ép giá, nhưng nay thì nghị định 109 quy định: “Khi mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu, thương nhân có trách nhiệm thông báo với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các điểm mua thóc, gạo và công bố các điểm mua này để người dân biết; niêm yết giá mua theo chất lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân trực tiếp giao dịch” thì không biết có dễ thực hiện hay không?
Vụ Hè thu vừa rồi giá cả thay đổi hàng ngày thì việc thông báo giá chết có còn giá trị gì? Nên chăng Chính phủ cần có chiến lược vẹn toàn hơn, vì nghị định này cho thấy, hình như vai trò và quyền lợi nông dân chưa có?