Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
XK gạo - Mỗi lần ngưng là một lần... thiệt
15 | 05 | 2009
Trao đổi với NNVN sáng ngày 14/5, ông Phạm Vỹ Bền, GĐ Cty CP Tháp Sơn (Lấp Vò, Đồng Tháp) cho biết, trong hơn 10 năm qua, thị trường gạo thế giới và khu vực đã có 2 lần lên cơn sốt giá, nhưng các DN và nông dân Việt Nam không những không được lợi lộc gì mà còn bị thiệt hại nặng nề.

Đã sai còn đổ lỗi

Năm 1998, nhiều nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Indonesia, Philippines…mất mùa lớn. Giá gạo trên thị trường thế giới sốt hừng hực. Gạo XK của Việt Nam nhờ đó cũng lên cơn sốt giá, từ 200 USD/tấn vọt lên tới 290 USD/tấn. Tuy nhiên sau đó, vì lo ngại vấn đề an ninh lương thực, tháng 5/1998 các DN đã bị cấm XK gạo. Lệnh cấm này đã khiến cho giá gạo trong nước từ 3.900 đ/kg tụt xuống còn 2.300 đ/kg, nông dân thiệt hại không nhỏ. Còn các DN do trước khi có lệnh cấm XK, đã mua gạo hàng hoá giá cao với khối lượng lớn, đến khi được XK trở lại, đã bị thua lỗ thê thảm.

Bài học cũ lại lặp lại. Tháng 3/2008, khi giá gạo XK của thế giới và Việt Nam lên như diều, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong đã gửi văn bản đề nghị Bộ NN- PTNT, Bộ Công thương và Chính phủ ra lệnh tạm ngưng ký hợp đồng XK gạo mới. Theo ông Phạm Vỹ Bền, đề nghị này của ông Chủ tịch Trương Thanh Phong hoàn toàn xuất phát từ quyền lợi của TCty Lương thực miền Nam (ông Phong là TGĐ) bởi đơn vị này đã lỡ ký XK 2 lô gạo 25% tấm với Philippines, giá 393 USD/tấn (qua tìm hiểu của NNVN, giá thị trường thế giới tháng 3/2008 đối với gạo 25% tấm của Việt Nam là khoảng 500 USD/tấn).

Ông Bền khẳng định, không hề có chuyện gần 100 hội viên VFA cùng đề nghị ngưng ký hợp đồng, mà Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã thông tin trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2008. Hậu quả của lệnh ngưng ký hợp đồng nói trên là không nhỏ. Bằng chứng là trong gói thầu IV, các DN Việt Nam chỉ được bán 80.000 tấn gạo trên tổng số 500.000 tấn với giá CNF Philippines ở mức “trong mơ” là 1.200 USD/tấn. Còn gói thầu V với khối lượng 500.000 tấn, các DN không được phép đi đấu thầu.

Đến khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh tạm ngưng ký hợp đồng XK gạo, thì ông Trương Thanh Phong vẫn lấy danh nghĩa quyền lợi chung của Hiệp hội để chỉ cho phép các DN chỉ được giao dịch bán với số lượng nhỏ từ 3.000-5.000 tấn, và giá sàn mà VFA đưa ra lại cao hơn 50-100 USD/tấn so với mặt bằng giá thế giới lúc đó. Bởi vậy, rất nhiều DN đã bị tồn đọng một lượng gạo rất lớn, lỗ liểng xiểng. Tính ra, trong mấy tháng bị ngưng ký hợp đồng XK, do bỏ lỡ thời cơ giá thế giới quá tốt, nước ta đã bị thiệt tới khoảng 400 triệu USD. Điều nực cười là trong một cuộc họp bàn XK gạo sau đó tại Tiền Giang, ông Trương Thanh Phong đã thản nhiên đổ hết những lỗi này cho các Bộ, ngành lên quan và cho…Chính phủ.

Điều hành kiểu "úp mở"

Năm nay, cách điều hành XK gạo của VFA đang tiếp tục gây ra những khó khăn và bức xúc cho các DN. Đến thời điểm này, nhiều DN đang bị tồn đọng trong kho một lượng gạo lớn: Cty CP Tháp Sơn tồn 4.000 tấn, Cty Thương mại – Du lịch Kiên Giang tồn 7.000-8.000 tấn, Cty Liên doanh Việt Nam – Irăc tồn 15.000 tấn…Theo phản ánh của các DN, lượng gạo tồn nhiều như trên là bởi lúc giá XK đang cao, DN lại không được ký hợp đồng XK vì vướng lệnh ngưng đăng ký hợp đồng có thời hạn giao hàng trong 6 tháng đầu năm.

Còn bây giờ, khi VFA đã đề nghị Chính phủ cho DN được ký hết số gạo trong chỉ tiêu XK cả năm, thì giá gạo XK đã xuống thấp, chỉ còn 390-400 USD/tấn (5% tấm). Nếu ký với giá này, DN nắm chắc phần lỗ vì lượng gạo đang tồn đều đã được mua lúc giá lúa gạo trong nước đang cao.

Nhiều DN đang đặt ra câu hỏi về sự bất nhất của VFA. Khi ra lệnh yêu cầu DN ngưng đăng ký hợp đồng, VFA lấy lý do là để đảm bảo an ninh lương thực, vì lượng gạo XK đã ký là trên 3,6 triệu tấn đã vượt quá khả năng cung ứng của sản xuất trong nước. Thế nhưng, cuối tháng 4 vừa rồi, trong cuộc họp của Hội đồng Quản trị VFA, số lượng gạo đã đăng ký XK được thông báo là 4 triệu tấn. Như vậy, đã có thêm gần 400 ngàn tấn được đăng ký XK mà chẳng thấy VFA nói gì đến an ninh lương thực nữa?

Đã thế, trong công văn số 211/CV/HH, ngày 4/5/2009, mà VFA gửi các DN về việc “Đăng ký hợp đồng XK gạo”, những thông tin mà Hiệp hội này đưa ra cũng không rõ ràng, có dấu hiệu không minh bạch. Chẳng hạn, VFA thông báo tiếp tục đăng ký hợp đồng cho số lượng đã ký kết nhưng chưa đăng ký giao hàng trong 6 tháng đầu năm còn tồn đọng, còn số lượng này là bao nhiêu thì không thấy nói …

Hiệp hội cũng đóng dấu “mật”

Cũng trong công văn 211 nói trên, có một điều không bình thường là một cái dấu “Mật” to tướng, nằm lù lù ngay bên cạnh chữ “kính gửi”.

Với việc nắm cơ chế “xin – cho” trong XK gạo, cái quyền của VFA đã quá to rồi. Qua văn bản này, lại càng thấy VFA tự cho mình cái quyền to đến cỡ nào. Việc đóng dấu “Mật” vốn chỉ thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước. VFA đương nhiên không phải là cơ quan quản lý Nhà nước, nên không được phép làm điều này. Nhưng có lẽ sau mấy năm được nắm trong tay cái “quyền sinh, quyền sát” trong điều hành XK gạo, Hiệp hội này đã tưởng mình là một cơ quan Nhà nước thực thụ, do đó đã tự cho cái quyền đóng dấu “Mật” trên văn bản gửi cho các hội viên(?).

Chưa hết, ở phần cuối của công văn này, VFA còn nhắc nhở các hội viên “văn bản này không phổ biến trên phương tiện thông tin”. Thì ra, VFA lại còn tự cho mình cái quyền cấm các DN thông tin cho báo chí những vấn đề liên quan đến XK gạo. VFA đúng là “to” thật.



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường