Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mỗi năm “xóa sổ” gần 50.000 ha đất lúa
12 | 05 | 2009
“Mỗi hộ dân bị thu hồi đất trung bình có 1,5 lao động mất việc làm. Mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ lấy đi cơ hội việc làm của 13 lao động ở nông thôn. Trong khi có tới gần 50.000 ha đất lúa bị “xóa sổ” trong 1 năm”.

Trách nhiệm của các cơ quan khi đặt bút ký

Thực trạng về các hộ dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là đối tượng bị tác động nhiều nhất sau thu hồi đất và gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm mới. 

Theo báo cáo tại “Hội thảo Chính sách pháp luật đất đai liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn” diễn ra tại Hà Nội, hơn 50% số hộ có thu nhập giảm hơn so với trước. Trong tình hình hiện nay, nông dân là tầng lớp có thu nhập và đời sống thấp nhất trong xã hội, người nông dân mất đất càng khó khăn, vất vả hơn nhiều.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 7 năm qua, từ 2001-2007, ở nước ta tổng số đất nông nghiệp bị thu hồi, chuyển sang đất phi nông nghiệp là trên 500 ngàn ha, trong đó có đất lúa là trên 335 ngàn ha (tương đương với việc mỗi năm “xoá sổ” gần 50 nghìn ha). 

Trước thực trạng này, bà Vũ Thị Bình - Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội - xót xa: “Dân số nước ta đông, đất canh tác không nhiều, nếu tính bình quân đầu người thì ở vào mức thấp nhất thế giới. Trong khi đó mỗi năm lại bị mất hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp”. 

Theo ông Vũ Năng Dũng - Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp - nhiều địa phương có điều kiện xây KCN ở khu vực đất đồi núi, đất nông nghiệp kém hiệu quả không phải là đất lúa, nhưng vẫn quy hoạch và cho thành lập các KCN trên đất nông nghiệp bằng phẳng chủ yếu là đất trồng lúa để hạn chế đầu tư hạ tầng. Điển hình như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương…

“Con cháu chúng ta sẽ nghĩ gì về những quyết định “xoá sổ” hàng triệu ha đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa là loại đất phải trải qua nhiều thế kỷ, biết bao công sức của thế hệ cha ông khai hoang, phục hoá, cải tạo mới có được! 

Khi nhìn thấy các dự án san lấp hàng triệu ha đất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên… để xây dựng các khu đô thị mới, KCN, dịch vụ, sân golf, không biết khi đặt bút ký thẩm định, phê duyệt cho những dự án này, các vị có trách nhiệm có suy nghĩ gì!”, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, day dứt.

Hạn chế mức thấp nhất việc lấy đất nông nghiệp

Theo số liệu điều tra tại 16 địa phương trọng điểm về thu hồi đất, trong tổng số diện tích đất bị thu hồi, thì đất nông nghiệp chiếm khoảng gần 90%. Nhiều nơi đất bị thu hồi tập trung vào những huyện, xã có mật độ dân số cao, tỷ lệ đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp. 

80% khiếu kiện của người dân trên cả nước liên quan đến đất đai, trong đó 70% khiếu nại về giá bồi thường, 20% khiếu nại yêu cầu bồi thường thêm theo giá đất mới.

Ông Phan Văn Thọ - Tổng cục Quản lý đất đai - cho biết: Ở một số dự án còn xảy ra vi phạm, sai sót như: bồi thường sai đối tượng, sai giá, phân loại sai hạng đất sai, đo đạc đất và kiểm đếm tài sản sai. Thậm chí có trường hợp kê khống diện tích bồi thường để chia trác, hưởng lợi bất chính. 

Có tình trạng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thiếu công khai, tạo bức xúc cho người bị thu hồi đất, khiến họ không chấp hành việc bồi thường hoặc khiếu kiện kéo dài gây chậm trễ tiến độ thực hiện dự án. 

Để gỡ khó cho người bị thu hồi đất, ông Đặng Kim Khôi ở Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp đưa ra hướng mở mới cho người dân bị thu hồi đất. Theo đó, các hộ nông dân bị thu hồi đất sẽ được coi là cổ đông của doanh nghiệp lấy đất. Phần đất bị thu hồi sẽ là phần góp vốn của nông dân. Doanh nghiệp phải trả cổ tức theo tỷ lệ thoả thuận với người dân. Trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản hay ngừng hoạt động, đất đai sẽ được trả lại cho người dân. 

Nhưng có lẽ, điều quan trọng hơn cả là cần hạn chế đến mức thấp nhất việc thu hồi đất nông nghiệp, để sử dụng vào mục đích khác. Ông Tôn Gia Huyên - Hội đất khoa học Việt Nam cho rằng: “Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quy hoạch các vùng đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa nước ở từng địa phương. 

Cần bảo vệ nghiêm ngặt, cắm mốc trên thực địa đối với loại đất này, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, có chế tài cho việc chuyển đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp ở các địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác”.



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường