Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đổ xô trồng cao su - Mừng ít lo nhiều
07 | 08 | 2008
Giá mủ cao su tăng cao liên tục trong vài năm gần đây, khiến nhiều nơi người dân ào ạt phá rừng, chặt bỏ cà phê, điều để chuyển sang trồng cao su. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước hầu như không còn đất để mở rộng diện tích thì cao su tiểu điền (CSTĐ) tăng bình quân 3% từ năm 2004 trở lại đây và tiếp tục cao hơn trong những năm tới. Đầu năm 2008, diện tích CSTĐ trên 253.320 ha, chiếm 46,1% tổng diện tích cao su cả nước, do gần 80.000 hộ trồng trải đều 24 tỉnh, thành.
Đua nhau trồng cao su

Những năm qua, giá mủ cao su luôn trên mức 30 triệu đồng/tấn, mỗi ha cao su khai thác đạt doanh thu trên 50 triệu đồng nên hấp lực của cây cao su ngày càng lớn. Nông dân nhiều nơi đã “khai tử” vườn cây ăn trái, cây điều… để trồng cao su.

Tại tỉnh Bình Phước, có trên 138.100 ha cao su, tăng 30.000 ha so với năm 2006, chủ yếu là diện tích trồng điều chuyển qua. Tương tự, 2 năm qua, người dân Tây Ninh đã chuyển 10.000 ha đất trồng mía sang trồng cao su, dự báo đến năm 2009 sẽ không còn đủ mía nguyên liệu cho các nhà máy đường đang hoạt động tại tỉnh này. Riêng tỉnh Bình Dương, do không còn đất phù hợp với cây cao su, nhiều người trồng trên đất ruộng.

Ông Đặng Thành Danh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đình Thành huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương, cho biết trước đây xã chỉ trồng cây điều nhưng hiện nay cây điều gần như bị xóa sổ, thay vào đó là cây cao su.

Ở Đắc Lắc, cao su trồng ở những vùng đất có độ dốc rất cao, tầng canh tác mỏng, điều kiện khí hậu không phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày. Tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2010 phát triển 20.000 ha cao su, nhưng đến nay đã vượt 22.000 ha, trong đó phong trào trồng cao su lan nhanh đến các huyện trước nay chưa từng trồng như Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc. “Cơn sốt” trồng cao su còn “lây lan” ra các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An...

Nhiều hạn chế

Thu hoạch mủ ở nông trường cao su Củ Chi, TPHCM.

Việc phát triển CSTĐ một cách tự phát, thiếu quy hoạch và mang tính phong trào như hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại. CSTĐ hiện có năng suất 1,4 tấn/ha trong khi cao su quốc doanh là 1,7 tấn/ha. Vì thế, tuy chiếm tới 46,1% diện tích nhưng sản lượng CSTĐ chỉ chiếm 33,8% (203.560 tấn).

Kỹ sư Phạm Thanh Tĩnh, Viện Nghiên cứu Cao su VN, cho rằng, việc xác định loại đất, cao trình, điều kiện thời tiết… là những yêu cầu tối thiểu trước khi trồng cao su. Nhưng do chạy theo phong trào nên một số người dân trồng mới trên những vùng đất không phù hợp (đất kém, dốc, độ lạnh, khô hạn…).

Theo Hiệp hội Cao su VN (VRA), những vườn CSTĐ trồng trước năm 1996 chủ yếu bằng giống cũ, năng suất thấp như PB 86, PR 107, RRIM 600, GT1 và các giống tạp. Nhiều vườn CSTĐ phải mất 7-9 năm mới cho mủ, trong khi cao su quốc doanh chỉ 4-5 năm đã khai thác. Ngay như vụ trồng mới năm nay (bắt đầu từ tháng 6), do khan hiếm cây giống nên nhiều hộ “vét” cả những loại cây không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để trồng.

Ông Nguyễn Tấn Đức, Trưởng ban Quản lý kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp cao su VN, khẳng định, mặt yếu của CSTĐ là cạo mủ quá cường độ, cạo lặp, phạm, vì thế tỷ lệ cây khô miệng cạo khá phổ biến. Đó là chưa kể nhiều người thấy giá mủ cao, cây chưa đến tuổi đã cạo mủ, làm vườn cây kiệt sức.

Cùng liên kết phát triển

Chính phủ đã có chủ trương tăng diện tích cao su đến năm 2010 đạt 700.000 ha và năm 2015 đạt 1 triệu ha, trong đó diện tích tăng nhanh tập trung vào khu vực CSTĐ. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng, bởi lợi ích cây cao su về mặt kinh tế, môi trường, an ninh quốc phòng, cải tạo bộ mặt nông thôn… Nhưng vấn đề làm thế nào để phát triển CSTĐ bền vững và hiệu quả?

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký VRA, cho rằng, cần sớm hình thành đề án tổng quan phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Cần xây dựng những vùng sản xuất tập trung, tránh manh mún nhỏ lẻ tạo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các nhà máy sơ chế cao su. Chương trình khuyến nông cây cao su nông hộ (1996-2005) và hợp phần phát triển CSTĐ trong Dự án đa dạng hóa nông nghiệp (1998-2006) trước đây đã giúp ích rất nhiều cho nông dân. Thế nhưng, khi 2 chương trình này kết thúc, người trồng cao su lại rơi vào tình cảnh “biết gì làm nấy”.

VRA đang khuyến khích các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thành lập công ty cổ phần, trong đó người dân đóng góp quyền sử dụng đất và doanh nghiệp đảm bảo cung ứng vốn, cây giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, sơ chế và kinh doanh. Theo nhiều ý kiến, chỉ có liên kết thì các điểm yếu của CSTĐ mới được khắc phục triệt để.

Thái Lan có 4 tổ chức hỗ trợ cao su tiểu điền

Ông Theerachai Saenkaew, Thứ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, cho biết, ở Thái Lan CSTĐ hiện chiếm 95% diện tích cao su với gần 1 triệu hộ dân tham gia, diện tích trung bình 2 ha/hộ. Thái Lan có 4 tổ chức hỗ trợ CSTĐ, gồm: Văn phòng Quỹ hỗ trợ tái canh cao su, Ngân hàng Nông dân, Hợp tác xã Cao su và Liên đoàn Hiệp hội Người trồng cao su Thái Lan. Các tổ chức này hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, khai thác, chế biến và nâng cao năng lực tiếp cận thị trường…





Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường