Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành cao su và nỗi lo “đầu ra”
24 | 12 | 2008
Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường chủ lực Trung Quốc khiến ngành cao su Việt Nam đang tự đẩy mình vào thế khó.

Tuy đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang tới 40 nước, song thị trường xuất khẩu chủ yếu của cao su Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Sở dĩ có điều này bởi sản phẩm của Việt Nam là nguyên liệu thô, chiếm hơn 90% (thị trường thế giới ít nhu cầu, riêng Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều), khiến chúng ta bị phụ thuộc lớn vào thị trường nước này.

Đây là điều khiến các chuyên gia lo ngại, bởi bất cứ biến động nào của thị trường chủ lực này cũng ảnh hưởng mạnh tới sản lượng xuất khẩu. Chưa kể, việc chủ yếu xuất thô khiến lợi nhuận thực thu được thấp hơn nhiều so với các nước.

Theo quan ngại của ông Vũ Năng Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế Nông nghiệp, công nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su trong nước phát triển chậm, sử dụng cao su nguyên liệu cho các ngành công nghiệp trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (10-15% sản lượng). Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cao su thế giới không ổn định, giá cả biến động bất thường và phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ.

Theo dự báo, xuất khẩu cao su trong năm 2008 dự kiến sẽ đạt 780 nghìn tấn với kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD. Thống kê 10 tháng đầu năm, ngành cao su sụt giảm 9,2% về lượng.

Cuộc khủng hoảng tài chính của các nền kinh tế lớn cùng với sự tuột dốc thê thảm của nền công nghiệp ô tô khiến sức mua cao su giảm sút mạnh trong năm 2008.

Cùng với những lo ngại tình trạng ảm đạm trong năm tới của các nền kinh tế lớn và kinh tế thế giới nói chung, các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Maylaysia, Indonesia đã tuyên bố sẽ cắt giảm 215 nghìn tấn cao su trong năm 2009 tới. Đồng nghĩa với điều này là nhu cầu cao su trên thế giới trong năm tới cũng như lượng tiêu thụ tại các thị trường lớn của cao su Việt Nam sẽ thu hẹp lại.

Để đối phó với tình trạng này, theo các chuyên gia, ngành cao su phải tái cấu trúc sản phẩm và thị trường. Còn nhớ khi cao su được giá, người dân nhiều địa phương đã đổ xô đi trồng cao su. Riêng tại khu vực Đông Nam Bộ, bình quân mỗi năm diện tích cao su tiểu điển tăng từ 13 nghìn ha lên 20 nghìn ha. Hiện tượng này khó đảm bảo tính phát triển bền vững khi gặp biến động về giá và nhu cầu trên thị trường thế giới.

Chuyển dịch cơ cấu thị trường là việc cần thiết với ngành cao su Việt Nam thời điểm này. Cụ thể, ngành cao su cần hướng mạnh vào các thị trường mới phát triển như Hàn Quốc, Ấn Độ đón bắt sự tăng tốc ngành ô tô của các nước này, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, muốn làm được thế trước hết ngành cao su phải thay đổi được cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Song đây vẫn là chuyện ”nói thì dễ, làm thì khó”.

Cải thiện để nâng cao vị thế

Việt Nam hiện đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu cao su, song nếu so với các nước xuất khẩu hàng đầu như Thái Lan (3 triệu tấn), Indonesia (2 triệu tấn) sản lượng cao su của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Bởi thế, các doanh nghiệp trong nước thường không chủ động được về giá cũng như nguồn cầu sản lượng, mà hoàn toàn phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới.

Một điểm yếu khiến cao su cũng như các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam luôn “mất giá” so với các nước khác là không có thương hiệu.

Sản phẩm làm ra cũng chưa gắn với khâu chế biến, thường bị tư thương ép giá khiến người nông dân thua thiệt.

Công nghệ chế biến mủ cao su của các công ty hiện cũng chỉ mới dừng lại ở mức sơ chế, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là bán thành phẩm.

Xét về yếu tố cạnh tranh về chất lượng hàng hoá với các nước các nước, doanh nghiệp cao su Việt Nam sẽ khó giành được thị phần.

Giải pháp tối ưu thời điểm này là thúc đẩy phát triển ngành chế biến bằng cách đa dạng hoá sản phẩm, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, thay đổi cơ cấu ngành hàng mà đặc biệt là nâng cao thương hiệu cao su trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính như EU, Bắc Mỹ.

Cụ thể, ngành cao su cần nâng cao năng suất vườn cây như các yếu tố về giống, mật độ trồng, đầu tư đúng và đủ để rút ngắn thời gian chăm sóc, năng suất tăng nhanh trong ngay những năm đầu. Ngoài ra, cần thanh lý và trồng lại những vườn cây có chất lượng kém, ít hiệu quả nhằm nâng cao năng suất bình quân.

Một số giải pháp khác như đẩy mạnh khâu chế biến ra sản phẩm cuối cùng để nâng cao giá trị gia tăng của ngành, bao gồm cả gỗ cao su và mủ cao su, cũng như gia tăng tính hàng hoá của sản phẩm trồng xen để tăng giá trị sản xuất/ha diện tích.

Việc mở rộng đầu tư, nâng cao chất lượng và xây dựng uy tín thương hiệu cao su Việt Nam cũng là việc cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Điều này cũng đã nằm trong Chiến lược phát triển của ngành cao su Việt Nam tới năm 2010. Theo đó, trên cơ sở các nhà máy hiện có, đối với sản xuất cao su tiểu điền sẽ phát triển các cơ sở sản xuất nhỏ với công suất 100-1000 tấn/năm với các loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường