Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quảng Trị: Người trồng cao su lao đao vì bão
09 | 10 | 2009
Cơn bão số 9 vừa qua, tâm bão không đi qua tỉnh Quảng Trị nhưng đã làm hơn 1.500 ha cây cao su trên địa bàn bị gãy đổ, tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong và Hướng Hoá, thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Xơ xác rừng cao su

Sau bão, chúng tôi lên Nông trường cao su Bến Hải, Quyết Thắng và vùng trồng cây cao su tiểu điền của huyện Vĩnh Linh, Gio Linh để tìm hiểu, chia sẻ những thiệt hại với người dân vùng bão. Khi đến Nông trường cao su Bến Hải, thuộc Công ty cao su Quảng Trị tận mắt chứng kiến những vườn cây cao su bị gãy đổ, xác xơ tiêu điều mà xót xa cho tiền tỷ của người trồng cao su bị cuốn trôi theo bão. Những cây cao su có đường kính từ 20 - 25 cm cũng bị gãy ngang thân hàng loạt, thân gãy lìa gốc ngổn ngang và vô số cây bật rễ, ngả nghiêng...Mủ trắng ứa ra từ thân cây cao su như dòng nước mắt của những người nông dân một nắng hai sương chăm bẵm, nhọc nhằn hơn chục năm trời. Huyện Vĩnh Linh là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, có đến 936 ha cao su bị gãy, đổ, trong đó các xã Vĩnh Thuỷ hơn 250 ha, Vĩnh Trung 200 ha, Vĩnh Hiền và Vĩnh Thạch, mỗi xã hơn 100 ha...         

Đến vùng trồng cao su xã Vĩnh Thuỷ, chúng tôi chứng kiến những người dân mồ hôi ướt đẫm đang kéo dựng lại những cây cao su bị nghiêng ngả. Dừng tay lau mồ hôi,  ông Trần Văn Phong cho biết: Suốt thời gian từ sau bão đến nay, ngày nào người dân trồng cao su cũng ra vườn kéo dựng thẳng lại những cây cao su bị nghiêng ngã, bật gốc và cưa xẻ, thu gom những thân cây bị gãy để bán cho nhà máy chế biến gỗ; không được bao nhiêu tiền, chỉ bù đắp một phần cho công lao thôi. Do quá nhiều cây gãy đổ nên việc dọn dẹp cũng chậm…

Đến thăm vườn cao su tiểu điền của ông Nguyễn Đức, ở thôn Nông Trường, xã Vĩnh Hiền (Vĩnh Linh). Bên đống gỗ cao su vừa được cưa thành từng đoạn để chờ người đến mua, ông cho biết: Gia đình ông có gần 2 ha, với 800 cây cao su tiểu điền, khoảng 6 năm tuổi, đã cho thu hoạch từ năm 2008. Thu nhập mỗi ngày của gia đình từ số cây cao su trên bình quân khoảng 300 nghìn đồng. Trong cơn bão số 9 vừa qua,  cả vườn cây cao su của gia đình ông bị gãy, đổ chỉ còn lại mấy chục cây. Ông rơm rớm nước mắt: Bao khổ cực mà vợ chồng bỏ ra chăm sóc suốt mấy năm qua, thế là trắng tay ! Dự định mua xe máy, làm nhà... và hy vọng khá lên từ cây cao su đã bị cuốn theo bão…Khi được hỏi: “ Nếu được Nhà nước hỗ trợ cây giống, vốn vay, vợ chồng anh có trồng lại cây cao su không?". ông Đức trả lời không một chút do dự : Trồng chứ, nhưng phải mấy năm sau mới có thu hoạch. Điều ông cũng như bao người nông dân khác lo lắng nhất là những cơn bão liệu có tiếp tục làm vườn cây cao su mới gãy đổ nữa không?...

Bài học sau bão

Nguyên nhân cây cao su bị gãy đổ ngoài đặc thù thân cây cao, có tán lá rộng, giòn không chịu được sức gió mạnh còn có  nguyên nhân các ngành chức năng và người trồng cao su không quan tâm đến. Đó là không có quy hoạch; do muốn mở rộng diện tích nên nhiều hộ trồng cao su không tính đến việc trồng rừng tạo vành đai phòng hộ, chắn gió; mật độ trồng cao su quá dày làm cản gió; nguồn lợi nhuận từ mủ cao su mang lại khá cao khiến nhiều hộ trồng cao su cạo mủ không tuân theo quy trình kỹ thuật mà cạo mủ theo kiểu “vắt kiệt” cây cao su...

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp bảo vệ rừng cao su trong mùa mưa bão, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết: Ngoài nguyên nhân chính khiến cây cao su bị gãy đổ hàng loạt trong cơn bão số 9 do thân cây giòn không chịu được sức gió mạnh, còn có nguyên nhân người trồng cao su chỉ chú trọng đến việc mở rộng diện tích trồng cây mà không quan tâm đến việc trồng cây tạo vành đai cản gió, chắn gió cho vườn cao su đề phòng khi có bão xảy ra; bà con nông dân khi kiến thiết vườn cây cao su thường chạy theo số lượng nên trồng với mật độ quá dày (hiện tại bình quân 500-550 cây/1ha) tạo nên sức cản gió lớn khiến cây nhanh chóng gãy đổ khi gặp bão. Ngoài ra, theo cán bộ chuyên môn về cây cao su ở Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị là do nhiều hộ dân khai thác cao su chạy theo lợi nhuận nên cạo mủ theo kiểu “vắt kiệt” cây cao su (cạo mũ 6 ngày mới nghỉ một ngày). Nếu cạo mủ theo đúng quy trình kỹ thuật thì phải cạo hai ngày, nghỉ một ngày, thì cây mới có sức chống chịu được với gió bão.

Để giúp người trồng cao su tiểu điền trên địa bàn khắc phục thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ mỡ Zenlin cho những địa phương có diện tích cao su tiểu điền bị gãy, đỗ để bôi vào vết cạo chống lỡ loét, nhiễm nấm hồng và nhiều loại bệnh khác trên cây cao su.


Thu gom thân cao su bị gãy bán cho nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài, cho biết: Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn cho bà con nông dân, nếu cây bị gãy có tuổi từ 1 - 3 năm thì tiến hành cắt sát mép mắt ghép sau đó bôi mỡ Zenlin lên vết cắt để cây mọc chồi mới; cây có tuổi từ 3 năm trở lên nếu bị gãy ở độ cao trên 2 mét thì tiến hành cưa ngang nơi gãy một góc 15 - 30o rồi bôi mỡ Zenlin lên vết cắt để cây mộc chồi mới; sau khi cây mọc chồi mới sẽ tiến hành tỉa chồi, tạo hình cho vườn cây không để chồi phát triển quá lớn sẽ làm cây mất sức và để lại vết sẹo trên thân cây. Đối với vườn cao su đang khai thác nếu cây bị gãy trên mặt cạo (cách mặt đất từ 1,5 - 3 mét) thì tiến hành cưa ngang nơi gãy một góc 15 - 30o sau đó bôi mỡ Zelin lên vết cắt để cây mọc chồi mới.

Để bảo vệ vườn cây cao su tránh những thiệt hại do bão trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn các hộ dân trồng cao su tiểu điền chú trọng hơn nữa việc trồng rừng làm vành đai bảo vệ vườn cao su; các hộ bắt đầu trồng mới không chạy theo số lượng để trồng cây cao su với mật độ dày (mỗi năm tỉnh có chủ trương trồng mới trên 1.000 ha cao su); khuyến cáo các hộ dân có diện tích cao su đang trong thời kỳ khai thác phải khai thác đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo sức chống chịu cho vườn cao su chứ không nên vì lợi ích trước mắt mà khai thác theo kiểu “vắt kiệt” cây cao su.

Trao đổi với chúng tôi về quy hoạch vùng cao su để hạn chế thiệt hai do bão gây nên, ông Nguyễn Sư Thí, Giám đốc Công ty cao su Quảng Trị cho biết: Công ty sẽ phối  hợp với Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị  sẽ rà soát lại diện tích, quy hoạch và ưu tiên chọn những vùng xa biển, kín gió, phù hợp với thời tiết, khí hậu, đất đai của tỉnh, nhất là những vùng phía tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hoá, Đakrông để phát triển cao su, đảm bảo tính hiệu quả và ổn định lâu dài. Tránh chạy theo thành tích mà phát triển cao su xuống vùng gần biển là không hợp lý. Chọn, thay thế giống cao su cũ bằng các loại giống mới, ưu việt như: RIM 600, PB 260, PB 255, PB 235…vừa rút ngắn thời gian khai thác, cho sản lượng mủ cao, chịu được sức gió. Thay đổi quy trình kỹ thuật trồng cây, từ trồng hàng song song sang trồng hàng dọc theo hướng gió đông từ biển thổi vào, để tạo khoảng trống cho gió lùa…

Ở những vùng không kín gió sẽ không để cây cao su phát triển quá cao, có thể cắt ngọn khi cây đã lên từ 2 - 3 mét. Tuân thủ nghiêm kỹ thuật trồng bờ lô chắn gió đúng quy định, có thể trồng phi lao đủ độ dày hoặc những loại cây thân vững chắc, chịu được sức gió mạnh; đồng thời có thể nghiên cứu, ứng dụng một số giải pháp trồng cao su chịu gió của nước ngoài…Từng bước hợp tác với tỉnh Mường Pìn (Lào) để mở rộng diện tích cao su và tránh được bão.

Để vườn cao su mang lại nguồn “vàng trắng” cho mình, hơn ai hết chính người trồng cao su phải chủ động các biện pháp bảo vệ cũng như tuân thủ quy trình kỹ thuật khi khai thác vườn cây cao su đến kỳ thu hoạch. Không làm như vậy, thiệt hại sẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần khi những cơn bão khác xảy ra chứ không chỉ dừng lại ở con số thiệt hại như cơn bão số 9 vừa qua gây ra.


Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường