Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiêu mất mùa, rớt giá, dân lao đao
11 | 08 | 2008
Huyện Cam Lộ được coi là "vựa" tiêu của tỉnh Quảng Trị. Năm nay, do thời tiết khắc nghiệt tiêu mất mùa, người trồng tiêu lao đao.
Hoà vốn là may lắm rồi!

Nhà chị Ngô Thị Chung (ở thôn Tân Xuân 1, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) có 0,6ha đất, trồng được 1.000 gốc tiêu. “Đầu vụ thấy cuống tiêu khá nhiều, gia đình cũng mừng. Nhưng khi đến mùa thu hái, chỉ thấy cuống không chứ chẳng thấy tiêu đâu”, chị Chung kể.

Nhà chị vừa thu hoạch tiêu cách đây chưa tới 10 ngày. Năm nay, thu được 3 tạ tiêu khô, coi như mất đến 70% sản lượng. Theo quy luật phát triển của tiêu, một năm mất mùa, một năm được. Năm ngoái đã mất mùa rồi, vậy năm nay phải trúng vụ mới đúng. “Vậy mà…”, chị Chung nước mắt ngắn nước mắt dài.

Tiêu nhà chị phơi đã khô, bao bì đã đóng đầy đủ nhưng không dám bán để trả bớt nợ. Tiêu năm nay chỉ được 45–47 nghìn đồng/kg. “Với giá này thì không thể bán được, vì lỗ nặng”.

May mắn hơn chị Chung, gia đình chị Lê Thị Phúc (thôn Tân Xuân 1, Cam Thành, Cam Lộ) có 400 gốc tiêu, chỉ mất chừng 40% sản lượng. Trong cái nắng chói chang, chị Phúc đang cào tiêu phơi giữa sân nói: “Mấy ngày nay có muốn bán tiêu cũng chẳng có người mua. Tiêu vừa mất mùa, vừa xuống giá, với chừng này tiêu, hoà vốn là may lắm rồi”.

Nhiều gia đình trồng tiêu ở đây vì túng thiếu lắm mới bán tiêu. Cả xã Cam Thành, nhà ai cũng giữ tiêu lại chờ giá lên. Ít thì một hai tạ, nhiều lên đến cả tấn. Ai cũng đang mong chờ một giá tiêu tốt hơn. Nếu không, người dân khó lòng thu hồi được vốn. “Với tình hình hiện nay, nếu không mất mùa, giá tiêu ít nhất phải 60 nghìn đồng/kg, người dân mới không lỗ”, chị Phúc nói thêm.

Vụ tiêu năm nay mất mùa được xem là bất thường. Bởi năm ngoái tiêu đã mất hơn 50% sản lượng rồi. Vào những năm được mùa, năng suất tiêu trung bình của xã Cam Thành có thể lên đến 1,1–1,2 tấn/ha. Nhưng vụ tiêu năm 2008 này, năng suất chỉ đạt 0,5–0,6 tấn/ha, tức giảm đến 50% sản lượng.

Chết trắng cả vườn tiêu, bao khoản phải lo!

Không chỉ mất mùa, nhiều hộ trồng tiêu ở đây còn phải đối mặt với bệnh chết nhanh ở tiêu. Vườn tiêu hơn 600 gốc của nhà chị Lê Thị Hoà (Tân Xuân 2, Cam Thành) đang xanh tốt bỗng chết rũ cả vườn. “Tiêu hôm nay đang xanh. Sáng hôm sau tiêu hơi héo lá, đến chiều là tiêu chết”.

Ngậm ngùi nhìn 600 gốc tiêu thi nhau chết rũ, gia đình chị Hoà phải thuê xe múc về phá bỏ những cây gỗ làm trụ tiêu để chuyển sang trồng cao su. “Trồng cao su, gần chục năm sau mới cho thu hoạch được, lại phải đối mặt với khó khăn”, chị Hoà nói.

Còn đối với hộ chị Nguyễn Thị Phượng, có 240 gốc tiêu cũng chết trắng hoàn toàn. Vì là đất nằm trong quy hoạch cây trồng chung của toàn xã, và diện tích nhỏ lẻ nên gia đình chị không được trồng cà phê hay cao su trên đất này.

Không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong khi muốn trồng lại tiêu phải chờ đến hai năm sau mới trồng được. Chị đành phải chuyển sang trồng tạm lạc và ngô, nhưng “mùa nắng, đất lại không có nước nên chẳng có cây gì có thể lên được cả”.

Nguyên nhân của bệnh chết nhanh ở tiêu được người dân cũng như chính quyền địa phương xác định là do một loại sâu bệnh làm chết rễ tiêu. Hơn nữa, loại sâu này lại có thời gian tồn tại trong đất từ 2-3 năm, nên để trồng lại tiêu, người dân phải chờ sâu chết.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 1800ha hồ tiêu, chủ yếu trồng tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hoá, với sản lượng hàng năm đạt trên 1600 tấn hạt tiêu khô.

Theo nhiều người trồng tiêu cho biết năm nay là năm thứ ba hồ tiêu mất mùa nặng nề, năng suất bình quân ước đạt 0,2 tấn/ha, giảm gần 70% năng suất so với những năm trước, trong khi đó giá hạt tiêu khô dù đứng ở mức 45–50 nghìn đồng/kg nhưng người trồng tiêu vẫn không có lãi do giá cả vật tư, phân bón công lao động tăng cao.

Một chuyên viên nông nghiệp của xã Cam Thành cho biết: “Căn bệnh trên chủ yếu phòng trừ là chính. Còn khi tiêu đã phát bệnh thì không có cách nào cứu chữa”. Trong khi đó, biện pháp phòng trừ chủ yếu dùng phân vi sinh lại khá đắt đỏ với người dân. Để có thể phòng bệnh cho 1ha tiêu, cần phải bón đến hơn 8 triệu tiền phân trong một vụ.

Căn bệnh tiêu chết nhanh trên đã làm diện tích tiêu của Cam Thành giảm đi một cách nhanh chóng. Giảm từ 165ha năm 2006 xuống còn 81ha trong năm nay.

Tiêu chết, mất mùa, xuống giá, người dân lâm vào cảnh lao đao khi nhiều khoản vay nợ đến thời điểm phải trả. Chị Ngô Thị Chung ở trên đang nợ tiền phân ở đại lý hơn 3 triệu đồng. “Nợ tiền nhưng cũng không dám bán tiêu, vì bán là lỗ nặng. Đành phải chạy chỗ này lấp chỗ kia chứ biết làm sao”, chị nói. Nhưng có một cái nợ nặng hơn nữa, đó là lo tiền trường cho 4 đứa con. “Năm trước mất mùa, tưởng năm nay dư được ít, không ngờ lại thê thảm thế này”.

Còn đối với hàng trăm hộ dân khác vay tiền ngân hàng để chăm bón tiêu trong vụ vừa rồi, khó khăn lại càng chồng chất hơn. Một niên vụ thất bát với người trồng tiêu ở Quảng Trị. “Không biết sang năm thế nào, chứ cứ thế này chắc tui chịu, chuyển sang cây khác hoạ may còn có cái ăn”, một người trồng tiêu nói.




Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường