Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khốn khổ giữa mùa trái chín
29 | 05 | 2008
Nhà vườn trồng cây ăn trái ở ĐBSCL đang đau đầu vì chi phí đầu tư tăng quá cao đến chót vót ngọn cây, còn giá trái cây thì rơi sát mặt đất. Bên cạnh đó, là tình trạng cây ăn trái cùng lúc mắc nhiều thứ bệnh nan y...
ĐBSCL: Nhà vườn héo ruột

Về vùng trái cây đặc sản huyện Chợ Lách, Châu Thành (Bến Tre) trong những ngày này, khắp các ngả đường từ xã đến tỉnh, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh: Nhà vườn thu trái, thương lái chạy mua. Bà Võ Thị Sáu, chủ vựa trái cây ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách cho biết: Mỗi ngày thu mua và chuyển đến các vựa lớn trong khu vực hơn chục tấn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt. Sầu riêng khổ qua xanh loại I từ 1,3 kg trở lên giá 6.000 đồng/kg, loại II 5.000 đồng, loại 3: 4.000 đồng; Sầu riêng cơm vàng hạt lép loại I: 15.000 đồng/kg; chôm chôm 4.000 đồng/kg; nhãn khoảng 4.000 đồng/kg; măng cụt cũng chỉ ở mức 13.000 đồng/kg...Nếu so với mặt bằng giá cách đây một tháng thì hầu hết đều giảm khoảng 1/3 tùy theo từng loại.

Anh Lương Văn Thủy, ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành trồng 70 gốc sầu riêng khổ qua xanh nói: Năm nào trái cây vào mùa cũng mất giá và năm nay càng buồn hơn khi giá VTNN tăng vùn vụt nhưng giá trái cây lại liên tục giảm. Bên cạnh giá đầu ra thì năm nay tình trạng cây sầu riêng xuất hiện bệnh khô từ đọt non dài xuống gốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và giá cả. Anh Thủy nhẩm tính: Năm ngoái, với chừng ấy gốc sầu riêng 15 năm tuổi thu về hơn 10 triệu đồng, còn năm nay chỉ bằng 1/3. Sầu riêng bị chết nhánh, chết đọt không chỉ năng suất giảm, những trái còn lại trên cây chất lượng kém, cơm không vàng, không ngọt, bán chỉ với giá 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Sang vùng sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có đến 1.100ha sầu riêng đang vào vụ thu hoạch rộ cũng gặp cảnh tương tự khi giá sầu riêng chỉ 3.000 đồng/kg. Nhà vườn đành chọn giải pháp: Giảm đầu tư phân bón khi cây đang cho trái, có người thì bỏ mặc cây cho trái, không tuyển lựa như những năm trước.

Anh Nguyễn Hoàng Tâm, ở xã Thới Lộc, huyện Chợ Lách, 4 năm trước thấy vùng sầu riêng Ngũ Hiệp hưng thịnh liền chạy sang ấp Thuỷ Tây, xã Ngũ Hiệp mua 4.000 m2 đất với giá 60 lượng vàng để trồng sầu riêng. Sầu riêng bắt đầu cho trái thì...rớt giá, bây giờ muốn bán vườn ở Ngũ Hiệp đề chuyển nghề tính ra lỗ thê thảm. Anh Thủy nói như đùa “Sầu riêng rớt giá, đất trồng sầu riêng cũng rớt theo, chỉ còn 5 – 6 lượng vàng/công”.

Gặp anh Nguyễn Ngọc, ở ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp đúng lúc anh thu hoạch xong mùa sầu riêng. Anh nhẩm tính: Hết cách tính rồi, giữ lại cũng chết. Cuối cùng quyết định nhận 1,5 triệu đồng tiền cọc để bán hết 45 cây sầu riêng cho một lái chuyên mua gỗ tạp về xẻ bán ván cốp pha. Xoá xổ vườn sầu riêng, lấy số tiền bán gỗ mua cây chôm chôm về trồng. Anh Ngọc nói rất tự tin: “Đất cù lao, trồng chôm chôm là chắc ăn. Trồng chôm chôm phải mất bốn năm mới thu hoạch vì vậy trong ba năm đầu tôi trồng xen cam sành vào vườn chôm chôm để lấy ngắn nuôi dài”.

Khác với anh Ngọc, anh Yên thì chuyển đổi vườn sầu riêng khổ qua xanh bằng giống sầu riêng cơm vàng hạt lép. Vừa thu hoạch xong 6 công sầu riêng khổ qua xanh anh dùng cưa máy hạ chừa một gốc sầu riêng còn lại 2 – 3 nhánh và ghép giống sầu riêng cơm vàng hạt lép vì hiện tại giống sầu riêng ngon đang cao gấp 3 – 4 lần sầu riêng khổ qua xanh.

Lục Ngạn: Mất ngủ vì vải thiều...

Đầu vụ, giá vải chín sớm bán lẻ trên thị trường Hà Nội được “hét” 35-40 ngàn/kg. Ngay ở vựa vải Bắc Giang, những trái vải hiếm hoi đầu vụ cũng có giá 22-28 ngàn/kg. Giá vải thiều cao thế nhưng người trồng vải vẫn canh cánh nỗi lo...

Giá vải khởi vụ cao ngất ngưởng. Tín hiệu khả quan sau nhiều năm liên tiếp bị mất giá khiến vùng vải thiều trên 19 ngàn hécta của huyện Lục Ngạn rạo rực chờ mong mùa vụ mới. Theo ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng NN- PTNT huyện thì mùa vải năm nay có khả năng sẽ nhiều biến động, chứ chưa thể nói chắc được điều gì.

Mọi năm trung bình sản lượng vải của huyện Lục Ngạn đạt 121.000 tấn nhưng năm nay áng chừng bằng 70% năm ngoái. Biểu hiện rõ nhất ở 900 ha lứa vải sớm, sản lượng dự kiến lúc đầu khoảng 6.000 tấn/năm nhưng ước chỉ đạt 4.000 tấn. Xét trong bối cảnh hiện nay, diện tích trồng vải tại các địa phương đang thu hẹp, tỉnh Bắc Giang cũng chủ trương chuyển đổi một phần diện tích trồng vải trên đất cằn, không hiệu quả sang trồng cây lâm nghiệp, cộng thêm yếu tố năng suất, thời vụ có thể thấy nguồn cung vải quả trên thị trường không...thừa mứa như mọi năm.

Người trồng vải năm nay hoàn toàn có thể hy vọng về một mức giá ổn định, tuy nhiên điểm đáng lo ngại là khung thời vụ rất ngắn, toàn bộ vải chính vụ sẽ chín muộn chừng 20 ngày, thời gian tiêu thụ tập trung chỉ trong vòng 1 tháng. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng đẩy chi phí vận chuyển lên cao là nhân tố làm giảm khả năng tiêu thụ vải quả.

Từ đầu tháng 5/2008, huyện Lục Ngạn đã khuyến cáo người dân địa phương nên có kế hoạch sấy vải nhằm giảm áp lực do thời vụ quá ngắn…Nhưng chuyện được mất phần quan trọng còn phụ thuộc vào thời điểm tung hàng ra chủ vườn, đặc biệt đối với sản phẩm vải đã qua chế biến. Năm 2007, nhiều hộ dân lao đao vì giá vải rớt quá thấp nhưng vẫn có những "đại gia" ung dung ôm tiền tỷ gửi ngân hàng do nắm bắt được thời cơ, bán tháo toàn bộ vào thời điểm giá vải khô dao động ở mức 12 -14 ngàn/kg.

Tuy cân nhắc từng điều kiện thuận lợi và khó khăn, ông Vũ Văn Hùng, xóm Dốc Đỏ, thị trấn Chũ vẫn không khỏi lo lắng: “Năm nay vải chính vụ chỉ có một chà. Mà vải bán đổ dồn vào một tháng, tư thương ép giá không khéo giá cao mà thành thấp”. Ở thị trấn Chũ, ông Hùng là người chuyển đổi sang trồng vải ghép chín sớm đầu tiên và là một trong số ít những người giỏi tính toán. Sau cơn sốc năm 2004, ông Hùng để ý thấy mặc dù hàng ngàn hecta vải chính vụ vừa bán vừa đổ đi nhưng tại vùng mới khai hoang người dân trồng vải sớm vụ lại thắng lớn do được giá nên ông đã dành riêng một phần diện tích trong vườn ghép ngọn với giống U trứng Thanh Hà, loại vải thiều chín cực sớm từ 10 -20/6, nếu so với vải chính vụ sẽ trước hẳn 1 tháng.

Nhờ cách làm này ông có thể kéo giãn vụ, phân bổ thời gian tiêu thụ.Thử nghiệm của ông nhanh chóng thành công và những năm sau đó, ông liên tục mở rộng diện tích trồng vải sớm vụ. Năm 2007, ông có 300 gốc vải sớm vụ, cho thu hoạch 7- 8 tấn mà thu cân nào bán hết cân đó. Nhưng về lâu dài vẫn phải để một phần diện tích vải chính vụ, đối với chỗ vải này ông cũng đau đáu nỗi lo, giống như bao người trồng vải khác ở Lục Ngạn



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường