Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vị “đắng” khoai tây…!
26 | 05 | 2008
Cuối năm 2007, khi Dự án trồng khoai tây chế biến bánh Snack công nghiệp của Pepsico Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD đi vào hoạt động, thì hàng chục hộ nông dân ở Lâm Đồng tham gia Dự án cũng bị nếm “vị đắng” vì trồng khoai tây Atlantic…
Trồng 2 sào khoai tây thu được... 30.000 đồng

Ông Nguyễn Nghêu, một nông dân tham gia dự án trồng khoai tây công nghiệp của Pepsico ở Đà Lạt cho biết: “Lúc đầu nghe nói khoai tây giống mới rất đạt nên dù giá thấp, nhiều hộ vẫn ký hợp đồng sản xuất. Thế nhưng, ngay vụ đầu đã bị thất bại”. Ông Nghêu ước tính, hơn 3ha khoai tây giống mới của địa phương chỉ thu được chừng 2-3 tạ củ, nhưng không đủ quy cách chế biến công nghiệp.

Cùng chung tình cảnh, ông Phạm Phẩm, ngụ tại xã Lạc Thạnh (Đơn Dương, Lâm Đồng) bộc bạch: “Gia đình hợp đồng trồng 2 sào khoai tây Atlantic, tiền giống, tiền phân, làm đất, công lao động… tất cả đầu tư hơn 6 triệu đồng, nhưng đã mất cả chì lẫn chài. Cuối vụ chỉ thu được 30.000 đồng (khoản tiền cho người dân mót khoai), chưa kể thất thu hơn 50 triệu đồng nếu để trồng rau”.

Còn gia đình anh Nguyễn Lý Tưởng (Đơn Dương) dồn hết tiền bạc, công sức vào 5 sào khoai tây giống mới với hy vọng sẽ khấm khá hơn, nhưng kết cục là trắng tay. Mẹ anh Tưởng thổ lộ: “Cùng thời điểm trên, nếu để lại trồng bắp sú thì ít nhất cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng, nay không chỉ thất thu còn mang nợ hơn 20 triệu đồng tiền giống. Giờ nghe nói tới chữ 'khoai tây' là... chạy dài”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng TP. Đà Lạt và huyện Đơn Dương, vụ đông - xuân (2007-2008), là vụ mùa đầu tiên của Dự án), đã có hơn 30 ha trồng khoai tây loại trên bị mất trắng do thời tiết, giống, bệnh. Một số hộ dân còn cho biết, giá cả cũng là vấn đề cần bàn.

Chẳng hạn như tại Đà Lạt, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ (TM-DV) Quốc tế (đối tác chiến lược duy nhất của Pepsico Viêt Nam tại Lâm Đồng) chỉ hợp đồng với nông dân thu mua 3.000 - 3.500 đồng/kg sản phẩm, trong khi tại Đức Trọng và Đơn Dương, giá thu mua cũng chỉ 3.500 - 4.100 đồng/kg và giá khoai tây truyền thống như khoai tây 07 (Utatlan), CFK 69.1 có giá bán 7.500 - 8. 000 đồng/kg (cùng thời điểm).

Những người trong cuộc nói gì?

Ông Trần Ngọc Khoát, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TM-DV Quốc tế (đơn vị trực tiếp ký hợp đồng với nông dân sản xuất loại khoai tây cho chế biến công nghiệp) khẳng định: “Dự án này đã được Pepsico Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt (thuộc Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) nghiên cứu khảo nghiệm rất kỹ trong gần 2 năm liền nên không thể thất bại”.

Cũng theo ông Khoát, giống khoai tây Atlantic được Pepsico nhập từ Canada về là loại giống F1 hoàn toàn sạch bệnh, cho năng suất cao, năng suất thực tế tại địa bàn đạt mức trung bình 30 tấn/ha, cá biệt 40 - 54 tấn/ha. Giống khoai này có thời gian sinh trưởng ngắn (80-90 ngày), kháng bệnh cao, củ đồng đều, hàm lượng chất khô cao, hàm lượng đường thử thấp… phù hợp cho chế biến công nghiệp.

Ông Khoát cho rằng, với những ưu thế trên, cộng với việc bù lỗ cây giống và số tiền đầu tư ứng trước để nông dân mua phân bón thuốc trừ sâu bệnh, nên giá thu mua 3.500 đồng/kg là phù hợp; nay tính thêm trượt giá, Công ty hợp đồng thu mua 4.100 đồng/kg là không thấp. Theo ông, nếu Pepsico không đầu tư đến tận chân ruộng thì có thể mua giá cao sát với giá của thị trường.

Nói về sự thất bại của các nông hộ, ông Khoát chỉ thừa nhận thiệt hại có 6ha tại Đà Lạt vì mưa đá, còn việc trồng khoai tây tại Đức Trọng, Đơn Dương đều rất đạt và cho năng suất cao (?). Hiện nhiều người vẫn xin hợp đồng trồng với diện tích lớn và đến nay, đã có gần 300ha đã được xuống giống.

Tuy nhiên, nhiều người dân ở huyện Đơn Dương cho biết, sau vụ thất bại vừa qua, nay không ai dám trồng khoai tây công nghiệp. Kỹ sư Nguyễn Thế Nhận, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt khẳng định: “Giống khoai tây Atlantic có năng suất sản lượng vượt trội so với các giống truyền thống và rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, nhất là các vùng như Đức Trọng, Đơn Dương. Mặc dù vậy, do đây là loại cây rất mẫn cảm với thời tiết, nhất là bệnh mốc sương, nên cần phải được phòng bệnh ngay từ đầu”.

Một kỹ sư nông nghiêp đang công tác tại TP. Đà Lạt cũng nhận định rằng, Lâm Đồng là địa bàn phù hợp cho việc phát triển cây khoai tây theo hướng công nghiệp. Do vậy, Dự án của Pepsico Việt Nam nếu triển khai đúng hướng sẽ tạo được đầu ra ổn định cho người dân địa phương và sẽ tạo ra nghề làm giống có thu nhập cao.

Tuy vậy, việc chủ động về nguồn giống, hỗ trợ và chuyển giao các quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch vẫn là những vấn đề mà nhà đầu tư cần phải tính đến. Nếu làm tốt những công việc trên thì mới có thể thu hút được nông dân địa phương tham gia dự án, đồng thời tạo sự liên kết bền vững trong kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu.




Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường