Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cao su thế giới 10 ngày (4 - 14/9): biến động mạnh
16 | 09 | 2009
Giá lập kỷ lục cao của 11 tháng; Quyết định tăng thuế nhập khẩu lốp xe Trung Quốc vào Mỹ ảnh hưởng mạnh tới thị trường cao su; Nhập khẩu cao su vào Trung Quốc năm nay sẽ thấp hơn dự báo;

Thị trường cao su thế giới 10 ngày qua biến động mạnh. Ngày 10/9, giá tại Tokyo lập kỷ lục cao của 11 tháng nay, 218,4 yen/kg (2.371 USD/tấn), cao nhất kể từ 7/10 năm ngoái do giá dầu thô cao làm tăng chi phí sản xuất cao su nhân tạo. Trên các thị trường châu Á khác, giá tăng cao kỷ lục chậm hơn một ngày, ngày 11/9/2009, khi tại Thái Lan đạt tới 2,27 USD/kg, tăng 60% so với hồi đầu năm.

Trong tháng 8, giá cao su tăng 3,9% và tăng 21% trong tháng 7 – tháng tăng mạnh nhất kể từ 12/2006 – do nhu cầu đi lên nhờ doanh số bán xe tăng.

Việc doanh số bán xe tại Trung Quốc tăng đã hỗ trợ giá cao su trong nhiều ngày qua. Theo Hiệp hội ôtô xe máy Trung Quốc, doanh số bán xe con, xe SUV và dòng xe đa dụng tại nước này trong tháng 8 tăng lên 858.300 xe. Năm nay, gói kích cầu cầu trị giá 4 nghìn tỷ NDT (586 tỷ USD) của Trung Quốc đã đưa kinh tế Trung Quốc thoát khỏi suy thoái, giúp doanh số bán xe tăng ít nhất 45% trong 4 tháng liên tiếp.

Tuy nhiên, ngày 11/9, việc Tổng thống Mỹ Obama ra quyết định áp thuế mới đối với lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc đã như một gáo nước lạnh dội vào thị trường cao su. Nhập khẩu cao su tự nhiên của Trung Quốc có thể giảm 14% do kết quả của việc áp thuế mới.

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo giảm gần 7% trong ngày giao dịch mới đây nhất, 14/9. Việc đồng Yên tăng lên mức cao mới của 7 tháng so với USD và giá dầu mỏ giảm hơn 1 USD/thùng càng gây sức ép giảm giá. Trong ngày, có lúc giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/8/2009. Kết thúc ngày, hợp đồng giao tháng 2/2010 tại Tokyo giá giảm 6,5% hay 14,1 Yên/kg so với ngày hôm trước, xuống mức 215,1 Yên. Trên thị trường châu Á, giá cao su physical cũng giảm, phán ánh đúng xu hướng ở Tokyo.

Tại Thượng Hải, Trung Quốc, giá cao su kỳ hạn giảm 5% trong ngày đầu tuần, với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2010 giảm xuống 17.710 NDT (2.594 USD)/tấn, so với mức 18.645 NDT của phiên giao dịch trước đó, 11/9.

Một số thương gia cho biết cao su, cùng với các hàng hoá khác như vàng và dầu mỏ, đã tăng giá gần đây do các quỹ đầu cơ mua vào. Do vậy, xu hướng tăng giá đó không bền vững, bởi ngay khi các quỹ rút tiền ra khỏi thị trường, sẽ có sự điều chỉnh giá.

Mặt khác, việc Tổng thống Barack Obama quyết định áp thuế nhập khẩu với lốp xe Trung Quốc làm gia tăng nỗi lo về việc nhu cầu nguyên liệu thô tại Mỹ sẽ giảm. Theo các nhà phân tích, động thái này của Mỹ có thể không những làm giảm tiêu thụ cao su tại Trung Quốc mà còn có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới nếu các bên có những biện pháp trả đũa.

Dầu mỏ giảm giá trên 1 USD/thùng trong ngày 14/9, sau khi đã giảm gần 4% trong phiên giao dịch trước đó, 11/9, do lo ngại về nhu cầu thực sự, do cổ phiếu Mỹ giảm giá và đồng USD hồi phục.

Sau khi có nhiều ý kiến phàn nàn về việc hàng nhập khẩu khiến ngày càng nhiều nhân công Mỹ mất việc, Tổng thống Obama đã quyết định đánh thuế trừng phạt mới đối với các mặt hàng lốp xe cỡ nhỏ và xe tải hạng nhẹ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mức thuế mới mà Mỹ áp dụng với lốp xe Trung Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/9 và kéo dài trong 3 năm và giảm 5 điểm phần trăm mỗi năm. Đại diện Nhà Trắng tuyên bố rằng quyết định tăng thuế được áp dụng đối với tất cả lốp xe con và xe tải nhẹ nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn ba năm và quyết định này nhằm khắc phục sự đổ vỡ của thị trường xuất phát từ tình trạng nhập khẩu lốp xe gia tăng.

Các nhà phân tích dự báo giá cao su sẽ từ mức 2,20 USD/kg hiện nay giảm xuống chỉ 1,5 USD/kg vào cuối năm nay. Trong 6 tháng đầu năm tới, có khả năng giá cao su sẽ dao động từ 1,8 -2,3 USD/kg và đến 6 tháng cuối năm sẽ tăng lên 2 – 2,5 USD/kg.

Về những thông tin liên quan, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, xuất khẩu cao su của cả nước trong tháng 8/2009 ước đạt 83.000, trị giá 122 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng đầu năm ước xuất khẩu cao su đạt 417 ngàn tấn và thu về 602 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 10% về lượng nhưng giảm 41,33% về giá trị. Giá cao su xuất khẩu trung bình 7 tháng đầu năm đạt 1.437 USD/tấn, giảm 45,67% (tương đương 1.208 USD/T) so cùng kỳ năm trước. Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến năm 2015, cả nước sẽ tiếp tục trồng mới 220.000ha cao su để nâng tổng diện tích lên 800.000ha và sản lượng mủ đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 1,8 tỷ USD.

Tại Ấn Độ, nhập khẩu cao su tự nhiên trong tháng 8 đã tăng trên 5 lần, đạt 21.915 tấn do nhu cầu tăng từ các nhà sản xuất lốp và giá trên thị trường thế giới giảm hơn so với thị trường trong nước. Nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 8 năm trước ở mức 3.844 tấn. Trái lại, xuất khẩu cao su tự nhiên hoàn toàn không thực hiện được so với mức xuất 3.047 tấn của cùng tháng năm trước. Có sự tăng lên đáng kể về nhập khẩu do sự chênh lệch giữa giá quốc tế và giá trong nước quá cao. Nhưng đối với xuất khẩu cũng không có nhu cầu trên thị trường quốc tế và do đó đã không thể xuất khẩu được.

Nhu cầu tiêu thụ cao su tại Ấn Độ tăng lên 78.500 tấn trong tháng 8 so với mức 75.850 tấn của cùng kỳ năm trước. Tăng mức tiêu thụ trong tháng 8 là do nhu cầu của ngành sản xuất lốp xe. Tính đến tháng 8, nhập khẩu cao su đạt mức gần 100.000 tấn so với mức 27.722 tấn của cùng kỳ năm tài chính trước.

Sản lượng cao su tự nhiên của Ấn Độ trong tháng 8 giảm, đạt 64.000 tấn so với 73.250 tấn của tháng cùng kỳ năm trước. Sản lượng giảm trong tháng qua là do các cây cao su già ở một số khu vực và do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8 năm tài chính này, sản lượng cao su tự nhiên đã giảm, đạt 273.000 tấn so với mức đạt 315.000 tấn năm trước. Tuy nhiên, tiêu dùng tăng, đạt 376.000 tấn so với mức 368.000 tấn của cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu cao su tự nhiên trong tháng 8 giảm, xuống mức 878 tấn so với mức 28.646 tấn của cùng kỳ năm tài chính trước. Sự sụt giảm này có thể thúc Chính phủ xem xét lại ngay mục tiêu xuất khẩu cao su tự nhiên ở mức 50 nghìn tấn trong năm tài chính này.

Tại Côđivoa, xuất khẩu cao su thiên nhiên trong 8 tháng đầu năm 2009 đạt 130.896 tấn, gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Côđivoa là nước trồng cao su thiên nhiên lớn nhất ở châu Phi.

Giá cao su physical trên thị trường châu Á

Loại

14/9

11/9

4/9

Tokyo (T2/10)

215,1 Yên/kg

218,4 Yê/kg

 

Thai RSS3 (T10)

2,20 USD/kg

2,27 USD/kg

2,20 USD/kg

Thai RSS3 (T11)

2,20 USD/kg

2,27 USD/kg

2,20 USD/kg

Thai STR20 (T10)

2,16 USD/kg

2,20  USD/kg

2,18 USD/kg

Thai STR20 (T11)

2,16 USD/kg

2,20  USD/kg

2,18 USD/kg

Malaysia SMR20 (T10)

2,16 USD/kg

2,25 USD/kg

2,15 USD/kg

Malaysia SMR20 (T11)

2,16 USD/kg

2,25 USD/kg

2,15 USD/kg

Indonesia SIR20 (T10)

0,94 USD/lb

0,97  USD/lb

0,915 USD/lb

Indonesia SIR20 (T11)

0,94 USD/lb

0,97  USD/lb

0,915 USD/lb

Thai USS3

 67 baht/kg

70 baht/kg

 67 baht/kg

Thai 60-percent latex (drums, T10)

1.470 USD/tấn

1.500 USD/tấn

1.500 USD/tấn

Thai 60-percent latex (bulk, T10)

 1.370 USD/tấn

1.400 USD/tấn

 1.400 USD/tấn



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường