Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cao su phát triển "nóng" tại Bình Thuận
31 | 07 | 2008
Giá mủ cao su trên thị trường tăng mạnh dẫn đến việc hàng loạt nông dân chặt bỏ cây điều để trồng cao su.
Lãi to

Những vườn cao su đã cho thu hoạch ở hai huyện Tánh Linh, Đức Linh (Bình Thuận) có năng suất bình quân từ 1,5 - 1,8 tấn/ha. Với giá bán 30 triệu đồng/tấn mủ nguyên liệu thì sau khi trừ chi phí, người dân trồng cao su lãi ròng từ 40 - 45 triệu đồng/ha. Trong khi đó, một héc-ta cao su chỉ tốn công cạo mủ cách nhật và ít đầu tư công chăm sóc. Nông dân cũng có thể chủ động cây giống khi địa phương nào cũng có những vườn ươm quy mô, được hỗ trợ về mặt kỹ thuật và chọn giống.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, quy hoạch cao su của tỉnh đến năm 2010 là 20.000ha, nhưng theo dự báo đến hết năm nay diện tích đã lên đến 22.000ha. Hiện nay, không chỉ Đức Linh, Tánh Linh mà phong trào trồng cao su đã lan sang cả những huyện trước đây chưa hề trồng như Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam. Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang xin điều chỉnh quy hoạch đến năm 2010, theo đó diện tích cao su của tỉnh sẽ là 23.000 - 25.000ha cho phù hợp.

Đến huyện Đức Linh, chúng tôi gặp anh chị Bảy "đảo", một đôi vợ chồng vốn là ngư dân quê tận huyện đảo Phú Quý, nhưng đã lên vùng đất này lập nghiệp và trồng cao su. Hiện, anh chị có gần 12ha cao su đang cho thu hoạch. Chị Bảy nói, tùy theo mưa nhiều hay ít mà có năm chị thu từ 40 - 50 triệu đồng/ha, "bây giờ hết đất rồi, chứ còn đất vẫn trồng tiếp". Chị Bảy cho biết thêm, nhờ cao su mà cuộc sống gia đình chị thoải mái hơn, con cái được học hành và có việc làm ổn định. Hiện chị chỉ thuê 5 người cạo mủ, còn lại hai vợ chồng trực tiếp làm. Anh chị Bảy "đảo" trở thành một trong nhiều người giàu lên từ việc trồng cao su.

Bí thư Huyện ủy Tánh Linh Bùi Thế Nhân cho biết, hiện không chỉ dân địa phương, mà một số người ở ngoài tỉnh cũng đến huyện mua đất để trồng cao su. Thậm chí cả những vùng đất đồi độ dốc cao, nghèo dinh dưỡng cũng được "xuống" cao su. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của cây cao su hiện nay rất lớn.

Bỏ điều trồng cao su

Theo ông Nguyễn Tô Hòa - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tánh Linh, đến nay toàn huyện đã trồng mới 9.627ha; con số này sẽ lên đến 10.000ha vì đến hết tháng 8 mới hết vụ trồng cao su. Trong khi theo quy hoạch của huyện thì đến năm 2010, con số mới là 11.500ha. Cũng theo ông Hòa, diện tích cây điều của huyện chỉ còn 6.800ha, giảm 1.200ha do nông dân chặt bỏ để trồng cao su. Đó là chưa kể một diện tích khá lớn cây điều đã được xen ghép cao su con, và điều sẽ bị chặt bỏ cho cao su phát triển. UBND huyện đang rà soát lại quy hoạch tổng thể, những vùng cây điều phát triển ổn định, không nằm trong quy hoạch trồng cao su thì khuyến cáo bà con không nên chặt để trồng cao su vì sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung của huyện.

Phó chủ tịch UBND huyện Đức Linh, bà Nguyễn Thị Thanh Hương thì cho rằng, không thể cấm được bà con trồng cao su: "Anh đã giao đất cho dân, họ có quyền chọn những loại cây trồng phù hợp, có lãi để trồng. Đó là cơ hội để họ xóa nghèo và vươn lên làm giàu". Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh thì huyện này hiện trồng mới 911ha cao su, trong khi quy hoạch năm 2008 chỉ trồng 850ha; còn diện tích cây điều đã bị giảm gần 1.000ha.

Hiện nay, ở Bình Thuận chưa có một nhà máy nào chế biến ra sản phẩm từ mủ cao su nên người nông dân vẫn chỉ bán mủ cao su ở dạng thô cho các cơ sở thu mua và bán cho các nhà máy ở Đồng Nai, TP.HCM. Hiện trạng phát triển cao su tại Bình Thuận cho thấy công tác dự báo và làm quy hoạch của địa phương còn bị động và lúng túng. Nếu rủi ro cao su rớt giá, hơn ai hết, chính người nông dân sẽ bị thiệt thòi.





Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường