Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người đưa cao su về xứ lạnh
02 | 08 | 2007
Ông là một doanh nhân người Hoa, nhưng bằng tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn, ông đã trở lại VN và thực hiện một dự án táo bạo: Trồng cao su tại miền Bắc nước ta.
 

Người doanh nhân đặc biệt ấy là ông Lê Tương Kỳ, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị  của Công ty cổ phần tập đoàn công thương và đầu tư Vinh Thái, có trụ sở tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và hàng chục chi nhánh ở VN...

Mối lương duyên với cây cao su

Có lẽ, đối với ông Lê Tương Kỳ, cuộc đời tựa như một cuốn tiểu thuyết. Năm 1959, ông được sinh tại thị xã Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) trong một gia đình gốc Hoa, cả tuổi thơ ông đã gắn trọn với mảnh đất VN. Năm 1978, ông cùng gia đình quay trở lại quê hương cũ của mình tại huyện Hà Khẩu (Vân Nam) và nhập tịch  Trung Quốc. Trong quãng thời gian quay về cố hương, ông chuyển sang học ngành ngôn ngữ văn học (trước đây ông từng học tài chính tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang), rồi chuyển sang nghề làm báo với cương vị là phóng viên Đài Truyền hình Vân Nam. Năm 1995, ông thành lập công ty cho riêng mình mang tên gọi Vinh Thái. Sau khi thành lập công ty, ông nghĩ ngay đến việc quay trở lại VN.

Chỉ trong vòng 5 năm trở lại VN, ông đã thành lập được hàng loạt công ty ở các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh và cả Hà Nội với mục tiêu chuyên kinh doanh các mặt hàng phân bón, hoá chất đến các thiết bị mỏ phục vụ khai thác than, thiết bị thuỷ điện, sản xuất giấy... Ban đầu, mỗi lần mở công ty, ông lại phải "mời" những bạn bè cũ ở VN đứng tên và làm giám đốc như các Công ty TNHH Hoa Thắng (Lào Cai), Công ty TNHH 10B (Quảng Ninh), Công ty chế tạo thiết bị mỏ Việt Quý... Ông nói: "Đó là trước kia, còn bây giờ tôi đã được nhà nước VN công nhận là doanh nhân người Việt rồi, vì dẫu là người Trung Quốc, nhưng tôi đã từng là người Việt từ trước đó rồi".

Vào đầu những năm 90, khi Liêp hợp quốc (LHQ) tiến hành chương trình hỗ trợ các nước có cây thuốc phiện trồng cây thay thế. Lúc đó, với tư cách là uỷ viên hiệp thương chính trị châu Hồng Hà và huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam), ông đã viết bản đề án phát triển cây cao su thay thế cho các nước láng giềng  và ông chọn VN là nơi thực hiện đề án, tuy VN không nằm trong chương trình của LHQ. Theo lý thuyết, cây cao su chỉ có thể trồng ở những nơi có nền nhiệt độ nóng ấm (từ 17 độ vĩ Bắc trở xuống), nhưng trên thực tế, qua khảo sát ông Kỳ đã nhận thấy không phải như vậy, vì ngay tại Trung Quốc - nơi có nhiệt độ lạnh hơn VN, cây cao su vẫn phát triển tốt, nhất là tại các tỉnh Hải Nam, Vân Nam, Quảng Đông đều nằm ở 21 độ vĩ Bắc trở lên, thậm chí có nơi trồng ở 28 độ vĩ Bắc. Vì thế, ông khẳng định không có lý gì mà cây cao su lại không trồng được ở miền Bắc VN. Qua nhiều lần khảo sát, tháng 11-2006, ông quyết định chọn Hoà Bình để làm nơi mở đầu cho dự án của mình.

Theo kế hoạch, tại tỉnh Hoà Bình, công ty của ông Kỳ sẽ trồng khoảng 10.000ha cao su giống 77- 4. Đây là giống cao su có năng suất cũng như chất lượng tốt hơn hẳn, đặc biệt là  giống có tính kháng lạnh rất tốt. Trước mắt, công ty đã tiến hành  nhập 6 tấn hạt giống (đủ trồng cho 2.700ha), đồng thời tiến hành gieo và ươm giống tại các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn (Hoà Bình), ngay sau đó trồng mô hình trên 110ha và trồng các cây mầm để ghép phục vụ cho công tác nhân giống sau này. Phương thức triển khai dự án tại Hoà Bình,  công ty sẽ chỉ xin đất để gieo ươm giống, trồng mô hình tại mỗi huyện với diện tích từ 200-500ha, toàn bộ phần diện tích còn lại công ty sẽ đầu tư giống, kỹ thuật, chất xám để người dân trực tiếp trồng, trực tiếp sở hữu. Theo ông, điều đó phải đảm bảo phương châm: "Dân phát tài, công ty phát triển", hai bên hợp tác cùng có lợi, khi thu hoạch, người dân phải trả lại vốn đầu tư ban đầu hoặc chiết khấu lại phần trăm cho cho công ty. Tất cả sản phẩm mủ cao su,  công ty sẽ thu mua toàn bộ theo giá thị trường. Theo hạch toán kinh tế của ông Kỳ, trung bình để trồng 1ha cao su, người dân sẽ phải đầu tư  30 triệu đồng, bao gồm tiền giống, phân bón, công chăm sóc từ khi trồng cho tới khi thu hoạch. Thông thường, từ năm thứ 6 cây cao su sẽ bắt đầu cho mủ và đến năm thứ 7, sản lượng có thể đạt ổn định từ 1,5-2 tấn mủ khô/ha, thậm chí sau đó có thể đạt 3-4 tấn/ha. Với giá khoảng 2.000 USD/tấn như hiện nay, chỉ cần 2 năm thu hoạch, người dân đã thu hồi được vốn ban đầu, còn các năm sau sẽ thu trung bình 35-45 triệu đồng/năm.

 

Màu xanh cao su sẽ trải dài trên đất Bắc

Không chỉ có hiệu quả về kinh tế, so với cây keo, cao su cũng có thể dùng để trồng rừng phòng hộ và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Ông Kỳ phân tích: "Cao su vốn là cây có rễ cọc, nên chúng có khả năng chống thoái hoá, xói mòn đất rất tốt, bên cạnh đó cây cao su cũng góp phần điều hoà được khí hậu. Với cây cao su, chỉ cần trồng 1 lần có thể duy trì lâu dài". Hiện tại, để thúc đẩy dự án tại Hoà Bình, ông đã tiến hành thành lập công ty TNHH - một thành viên phát triển Cao su Trung Quốc Hoà Bình (trụ sở đóng  tại TP. Hoà Bình). Theo ông Kỳ, việc thành lập công ty tại đây, một mặt sẽ giúp dự án triển khai nhanh hơn, một mặt giúp người dân yên tâm khi quyết định trồng loại cây này. Đến nay, công ty đã ký hợp đồng đầu tư và thu mua sản phẩm với từng hộ dân, có thời hạn kéo dài tới 10 năm.Không dừng lại ở Hoà Bình, đến thời điểm này, ông Kỳ còn đang tiếp tục mở rộng dự án trồng cao su ở tỉnh Điện Biên với diện tích ước tính ban đầu khoảng 2.000ha, tiếp đó ông sẽ hợp tác với một công ty khác ở Lào Cai để triển khai dự án với diện tích cũng lên tới hàng vạn héc ta. 

Hơn 10 năm quay trở lại VN, giờ đây ông Kỳ đã thành lập được 6 công ty, sắp tới ông tiếp tục "nâng cấp" các công ty này thành một tập đoàn (chủ yếu sử dụng người Việt) để quản lý, điều hành cho thuận tiện. Ông Kỳ tâm sự: "Qua Tết Nguyên đán, tôi sẽ tiến hành khai trương công ty tại Hoà Bình, khi đó tôi hi vọng sẽ có nhiều người biết đến và ủng hộ dự án của mình. Bởi trong thâm tâm, lúc nào tôi cũng muốn đồng bào mình thoát được cảnh đói nghèo".



NTNN
Báo cáo phân tích thị trường