Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhớ ruộng
18 | 03 | 2009
Sản xuất trên những cánh đồng cát, năng suất thấp nên khi nghe lời chính quyền và các nhà đầu tư, hàng ngàn hộ dân tại nhiều địa phương ở tỉnh TT-Huế chấp nhận hiến đất cho dự án với hi vọng được làm công nhân có thu nhập khá hơn làm nông. Trớ trêu thay, đến khi các dự án “trời ơi” thất bại cũng là lúc họ mất luôn sinh kế và đành chấp nhận về…hưu non. Hơn lúc nào hết, họ đang vô cùng nhớ đồng ruộng của mình.

Nông dân … “nghỉ hưu non”

Chúng tôi về xã Phú Diên (huyện Phú Vang), một trong nhiều xã vùng cát dọc theo bờ biển TT-Huế những ngày lúa non bắt đầu trổ đòng. Lác đác trên cánh đồng thôn Kế Sung, nông dân vẫn nai lưng trên những đám ruộng khô cháy vì nhiễm phèn và được bao bọc bởi…hàng rào thép gai của dự án nuôi tôm cao triều. Từ bao đời nay nông dân sản xuất theo kiểu nhờ trời. Đó cũng là lý do khiến năng suất cũng chỉ đạt tầm 40 tạ/ha. Cả làng Kế Sung gồm 665 hộ dân và có tới 3864 nhân khẩu nhưng hiện chỉ còn lại 40 ha lúa và 15 ha trồng màu. Lý do? Đất đã bị dự án lấy hết.

Đứng bên đồng ruộng khá xanh tốt nhưng lão nông Lê Văn Niên vẫn bần thần lo lắng: “Ruộng đi thuê cả chứ ruộng nhà có còn mô chú. Trước đây nhà tui đất sản xuất gấp hai chừng ni nhưng bị dự án nuôi tôm cao triều lấy mất, đến giờ không còn một tấc nên đành phải đi thuê đất công điền của xã”. Trong câu chuyện với chúng tôi ông Niên không dưới hàng chục lần thở dài và thốt lên hai từ “cay đắng”. Cay đắng vì con cái lớn lên không có đất để sản xuất, cay đắng vì cứ thuê ruộng làm được một vụ là cả gia đình lần lượt phải rời làng mưu sinh…

Cái ngày “cay đắng” ấy của nông dân Phú Diên bắt đầu từ năm 2001 khi UBND tỉnh TT-Huế có quyết định thu hồi 170,2 ha đất sản xuất nông nghiệp của các thôn Kế Sung, Mỹ Khánh, Thanh Dương để giao cho Cty XNK hải sản Sông Hương thuê thực hiện dự án nuôi tôm cao triều, bất chấp thực trạng nông dân không còn đất để sản xuất.

Ngày trước gia đình ông Niên được cấp cả đất ruộng lẫn đất màu gần một mẫu. Nếu sản xuất thuận lợi mỗi năm cũng được gần tấn lúa thêm ít tạ ngô. Dẫu khó khăn nhưng con cái ông Niên đến tuổi lao động còn có ruộng đất mà làm. Vậy mà bây giờ hai vợ chồng cộng thêm 9 đứa con nhưng không có lấy một tấc đất. Mất đất mất cả trăm bề, không những không tự sản xuất được lúa gạo ăn mà giả sử muốn nuôi thêm con lợn con gà cũng khó vì không biết đào đâu ra thức ăn. Chung cảnh ngộ ông Niên, phần lớn nông dân ở Phú Diên bây giờ không còn khái niệm mùa màng mà phần lớn là vào nam làm công nhân hoặc ra Quảng Trị hái cà phê thuê… Đứa thứ ba nhà ông Niên năm vừa rồi tốt nghiệp xong PTTH định làm hồ sơ thi đại học nhưng vợ chồng ông phải ngăn lại bởi “con mà đậu thì bố mẹ…chết”.

"Đừng mong gì có lẽ sẽ tốt hơn..."

Khi dự án nuôi tôm còn hoạt động, một số nông dân Phú Diên may mắn được làm công nhân. Nhưng chỉ được vài tháng khi chủ đầu tư phá sản thì họ cũng đồng loạt thất nghiệp. Không còn cách nào khác, nhiều hộ dân phải thuê lại phần đất công điền 5% của xã để sản xuất. Khoảng 300 hộ dân trong xã đang phải chấp nhận thực trạng đau lòng như vậy.

Trưởng thôn Kế Sung Lê Viết Bá: “Cái khó nhất của nông dân Kế Sung bây giờ là đất sản xuất. Người thì sinh mà đất không sinh nên vốn đã thiếu giờ lại càng thiếu. Ruộng đồng trước kia là thu nhập chính nhưng bị thu hồi nên bà con ai cũng tiếc. Cứ tưởng rằng dự án nuôi tôm thành công thì kinh tế sẽ khá hơn nhưng không ngờ lại đẩy dân vào khốn đốn. Giá như đừng có dự án thì nông dân đỡ đi rất nhiều. Chỉ mong chính quyến cấp đất lại để nông dân có đất mà sản xuất”.

Ở Kế Sung, gia đình nông dân Trương Văn Khương (52 tuổi) được xem là khá nhất vì chỉ có… 5 người con và là người dám khẳng định: “Nếu không mất đất vì dự án và có máy móc, phương tiện sản xuất như bây giờ thì làm lúa có thể khá”. Điều mà đa số nông dân Phú Diên đều cho là “nhiệm vụ bất khả thi”. Trước đây cả nhà ông Khương được 6 ha đất ruộng để sản xuất. Sau khi dự án lấy mất các con ông bỏ vào Nam làm ăn. Được đền bù gần 5 triệu đồng, hai vợ chồng đi thuê 4 sào ruộng và 2 sào đất màu trong phần đất công điền của xã để sản xuất. Bình quân mỗi vụ ông Khương chấp nhận trả cho xã 500 ngàn/sào tiền đấu. Trừ đi mọi chi phí đầu tư cả nhà cũng đủ gạo ăn.

Nhưng số hộ “sống được” như gia đình ông Khương ở Phú Diên không đủ để đếm trên đầu ngón tay. Bởi theo ông ruộng đất thuê của xã nhưng không phải lúc nào cũng thuê được khi số nông dân mất đất như nhà ông thất nghiệp chán rồi cũng phải tìm đến xã xin đấu để có ruộng mà làm. Sau mấy năm đầu được đấu thuận lợi thì đến 2 năm vừa rồi do số người đấu đông lên nên xã quyết định tăng giá đất lên 900 ngàn/sào. Đắt đỏ là thế nhưng nhiều nhà có chấp nhận cũng không có ruộng mà làm do quĩ đất của xã đã hết. Cả đất công điền cộng thêm diện tích đất còn lại cũng chỉ vỏn vẹn chưa đến 100ha trong khi toàn xã có tới 5.656 lao động. Ngày trước còn ruộng nông dân lo nhất là mất mùa. Còn bây giờ cứ đến cuối vụ ai nấy lại phải tất bật đi chuẩn bị tiền đấu tiếp vụ sau nếu không muốn “không có mùa để mà mất”.

Thuộc diện may mắn trong làng, gia đình ông Lê Viết Giác còn sót lại gần 3 sào ruộng. Nhưng với 7 con người trong gia đình mỗi năm tính ra chỉ làm trong vòng 5 ngày là xong tất. Thế nên ông cũng phải xin đấu thêm 4 sào của xã ở khu ruộng xấu. 7 người 7 sào vậy mà nhà ông Giác đã thuộc diện nhiều ruộng nhất xã. Mấy năm liên tiếp mất mùa nhưng ông vẫn vui vì còn lãi hơn những nhà không có ruộng gần một nửa tiền đấu đất. Là nông dân có suy nghĩ khá tiến bộ trong làng nên ông Giác tỏ vẻ quyết tâm khi cầm sổ đỏ cho mấy đứa sau đi học mong thoát khỏi cảnh “chân lấm tay bùn” và để nhường ruộng lại cho mấy đứa đầu làm. Nhưng sau khi học xong thằng thứ 6 cũng phải về làng vì gia đình không có tiền xin việc. Cầm tấm bằng cử nhân oai nhất làng nhưng bây giờ cả nhà đang tất bật chạy vốn cho thằng con…nuôi heo.

Phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp xã Phú Diên Phạm Tăng Đoàn: “Không chỉ riêng Phú Diên mà nông dân các xã vùng cát vốn dĩ đã thiếu đất sản xuất rồi. Cái khó khăn nhất cho nhà nông là thiếu nước. Đầu vụ thì ngập úng, cuối vụ thì hạn hán. Toàn xã không có lấy một công trình thủy lợi, mà giả sử nếu có cũng không biết lấy nước đâu mà tưới. Ruộng đồng vừa ít vừa manh mún nên có lẽ chỉ có nước qui hoạch lại may ra bà con mới khá được”.

Vì thế khi tôi hỏi dân Phú Diên mình giờ mong muốn điều gì? Ông Giác cười đau khổ: “Đừng mong gì có lẽ tốt hơn. Vì mong muốn nhiều thứ lắm nhưng có được đâu. Thế hệ tui đành phải chấp nhận nhưng chỉ tội con cháu mình. Không biết lấy đất đâu mà sản xuất. Làm nông mà không có đất thì phải bỏ làng thôi”. Ông Giác không nói suông, từ ngày mất đất cả làng Kế Sung như ngồi trên đống lửa. Hết họp thôn lại lên xã, đơn thư có, kéo nhau trực tiếp lên UBND có nhưng xã bảo thẩm quyền trên huyện trên tỉnh. Đến dịp đoàn đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri dân lại tiếp tục “kêu” nhưng mấy năm trôi qua “người thì đẻ còn đất vẫn không có” nên đành…bó tay. Tuy nhiên, nông dân Phú Diên cho rằng giả sử nếu tỉnh có cấp lại thì cũng phải mất 5-7 năm nữa mới sản xuất được bởi phần đất thịt phía bề mặt đã bị dự án cạo hết rồi.

Dự án lấy đất rồi bỏ hoang trong khi nhu cầu đất sản xuất của nông dân ngày một lớn. Với thực trạng đó, nông dân ở các xã “thiếu may mắn” từ Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang… khi vướng phải dự án đang “đói đất”. Giấc mơ thiết thực là có một mảnh ruộng của riêng mình để sản xuất vẫn còn hết sức xa vời.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường