Việt Nam nhận diện đầy đủ những thách thức
Hàng loạt các khuyến nghị cũng đã được các nhà đầu tư nước ngoài chỉ ra để Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất thời điểm quyết định vai trò thay đổi của mình trong nền kinh tế toàn cầu và cộng đồng quốc tế. Cụ thể như cần đầu tư cho giáo dục, khoa học công nghệ; cần tận dụng cơ hội khủng hoảng này để chuyển giao tri thức và công nghệ quốc tế; thay vì bảo hộ trong nước hãy mạnh dạn cải cách kinh tế... |
Theo ông Charles Goddard, Tổng biên tập của Economist Intelligence Unit - đồng chủ tịch của hội nghị, cuộc khủng hoảng tác động đến Việt Nam thậm chí còn nặng nề hơn một số nước khác vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Ông cũng cảnh báo, cú sốc lạm phát năm 2008 vẫn khiến Việt Nam dễ chịu hơn nhiều so với “cơn bão” năm 2009 này.
Cũng xuất phát từ nhận định như vậy, ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách Corporate Network khu vực Đông Nam Á tại Economist Intelligence Unit (EIU), đồng chủ tịch hội nghị đã đưa ra dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam chỉ 0,3%. FDI của Việt Nam sẽ giảm tới 70% trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều và được EIU dự báo lên đến 8% (năm 2008 chỉ xấp xỉ 5%) và dự kiến tiền đồng Việt Nam trong năm nay sẽ giảm 9% so với đồng USD.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, riêng việc tham gia đầy đủ của các nhà đầu tư tại diễn đàn “Định vị Việt Nam trong tương lai” lần này đã cho thấy sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, năm 2010, tình hình sẽ sáng lên. “Chúng tôi nhận thức rõ những tác động đến với mình, cả từ bên ngoài lẫn bên trong”, Phó Thủ tướng giải thích với các nhà đầu tư.
“Thực tế, 2 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã bước đầu phục hồi đà tăng trưởng. Tất cả các chỉ số trong tháng 2 đều khá hơn tháng 1. Vì vậy, chúng tôi có cơ sở để hy vọng, cuối năm 2009, kinh tế Việt Nam sẽ có đà tăng trưởng mới, dù có thể thấp hơn. Năm 2010, tình hình sẽ trở lại ổn định. Những khó khăn về trung hạn và dài hạn sẽ được giải quyết và chúng tôi không thay đổi mục tiêu kế hoạch kinh tế từ nay đến năm 2020”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát huy sức mạnh nội lực
|
Các đại biểu nước ngoài trao đổi tại hội nghị. |
Ông Charles Goddard cho rằng, với những tính toán có được, năm 2010 các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, chưa thể phục hồi. Vậy đâu là cơ sở để Chính phủ Việt Nam lạc quan như vậy? Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam có những lợi thế của mình như thị trường hấp dẫn, nguồn lực dồi dào. Vì vậy kinh tế nội địa của Việt Nam chắc chắn sẽ đi trước một bước để giải quyết những khó khăn trước mắt.
“Chúng tôi luôn đề cao nội lực. Gói giải pháp kích cầu hiện nay của Chính phủ Việt Nam cũng chính là nhằm tạo động lực từ bên trong, giải quyết những vướng mắc nội tại, ngăn chặn suy giảm. Vì vậy, dù thế giới, châu Á đều dự báo tăng trưởng âm, nhưng chúng tôi-với nỗ lực của mình, tin tưởng rằng sẽ phục hồi vào năm 2010”, Phó Thủ tướng tái khẳng định.
Đồng tình với nhận định của Phó Thủ tướng, ông Paul Leech, Giám đốc quốc tế, Ngân hàng HSBC khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang có những cải cách đúng đắn. Tuy nhiên, để Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn thì cần tiếp tục cải cách về tài chính.
Ông Christian Fredrikson, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nokia Siemens Networks cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã tích cực thực hiện tự do hóa thương mại, nhất là trong việc cấp phép công nghệ 3G, tạo điều kiện để rút ngắn khoảng cách về công nghệ thông tin giữa Việt Nam và thế giới. “Viễn thông là yếu tố quyết định để bứt phá kinh tế. Chính phủ cần đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này”, ông Fredrikson nhận xét.
Tại hội nghị, rất nhiều ý kiến của các nhà đầu tư tiếp tục phân tích các thách thức dài hạn mà Việt Nam đã và đang đối mặt. Đó là giao thông, cảng biển, cung cấp điện còn nhiều yếu kém; thiếu lao động tay nghề cao; thủ tục hải quan chậm trễ; tệ quan liêu, tham nhũng vẫn bức xúc; thiếu luật sư giỏi; ổn định vĩ mô chưa tốt... Tất cả những thách thức này đều đã được đặt ra từ trước. Vấn đề là trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức đó như thế nào?
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, suy giảm kinh tế có thể là cơ hội để giải quyết những thách thức này. Chẳng hạn, thông qua kích cầu, có thể cải thiện hạ tầng cơ sở. Ông Thiên cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ tin tưởng, nếu Chính phủ Việt Nam thực hiện thành công các giải pháp kích cầu, năm 2009 Việt Nam sẽ đạt GDP cao hơn nhiều so với mức 0,3% mà EIU đưa ra.