Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2009?
31 | 03 | 2009
Nếu như năm 2008 đã đầy khó khăn thách thức, thì năm 2009 còn được đánh giá là một năm khó khăn hơn nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam. Bởi với tư cách là một nền kinh tế hội nhập, thì Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động của vòng xoáy suy giảm kinh tế toàn cầu, nhất là khi kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp.

Suốt mấy tháng vừa qua, cụm từ "gói kích cầu" đã trở nên quen thuộc. Gói kích cầu 1 tỷ USD, tương đương khoảng 17 nghìn tỷ đồng của chính phủ được hy vọng sẽ giúp kích thích thị trường nội địa, tăng sức mua của người dân; nhờ đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu sẽ có thể quay lại bán hàng ở thị trường trong nước.
Trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định: Các gói kích cầu đã bắt đầu đi vào thực tiễn: "Chính phủ đã thực hiện một loạt các biện pháp để kích cầu và giảm sự đóng góp của các doanh nghiệp. Đó là chính sách miễn giảm về thuế. Ngoài ra chính phủ đã trích từ quỹ dự trữ ngoại hối 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng cho vay vốn lưu động nhằm đảm bảo tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. Khoản này đã được ngân hàng nhà nước triển khai và đến thời điểm này đã cho vay được khoảng 15.000 tỉ đồng. Chúng tôi dự tính 17.000 tỉ đồng này mà giảm lãi suất 4% sẽ giúp huy động được nguồn vốn 500 - 600.000 tỉ đồng".

Theo ông Thân Đức Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5): "Chính phủ đã dùng ngân sách đưa ra gói 25.000 tỷ đồng ưu tiên cho ngành giao thông vận tải để phát triển giao thông cầu đường. Chiến lược của Cienco 5 trong năm 2009 cũng tập trung vào gói 25.000 tỉ để đấu thầu tham gia các dự án để giải quyết công ăn việc làm cho cán bộ công nhân tổng công ty, trước hết là tận dụng được số máy móc thiết bị đã có và tạo thu nhập cho lao động trong năm 2009 này, để vượt qua khó khăn".

Một số chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, nông nghiệp của Việt Nam năm 2009 sẽ vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, bởi nhu cầu các mặt hàng thiết yếu như gạo, thủy sản… sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do suy thoái kinh tế. Đây là một cơ sở để hy vọng vào một mức tăng trưởng lạc quan trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Martin Rama, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam: "Đúng là Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu. Nhưng không phải tất cả xuất khẩu có mức độ giá trị gia tăng giống nhau. Ví dụ như khi xuất khẩu một cái áo sơ mi, một phần rất lớn trong sản phẩm đó, từ vải đến cái cúc là nhập khẩu. Nó khác với khi bạn xuất khẩu gạo hay cà phê, giá trị gia tăng của Việt Nam trong đó là rất cao. Một số khu vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, nhưng đó không nhất thiết là những khu vực có nhiều giá trị giá trị gia tăng nhất…".


Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng: "Nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ trong lớn trong GDP và giữ nguyên mức tăng trưởng như các năm trước, đạt mức 3,5 - 4%. Còn khu vực xây dựng năm 2009 sẽ có khởi sắc với chính sách kích cầu của chính phủ tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Căn cứ vào những điều đó, tôi cho rằng Việt Nam vẫn có thể đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 4 đến 5% trong năm nay".

Tăng trưởng GDP năm 2009 là 6,5%. Đây là mục tiêu được Quốc hội Việt Nam thông qua trong kì họp hồi cuối năm ngoái. Chỉ tiêu 6,5% này trên thực tế đã được điều chỉnh giảm xuống từ mức 7% so với đề xuất ban đầu của Chính phủ.

Trong đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 sẽ ở mức 4,8% do cầu trong nước và bên ngoài yếu đi.

Trước đó, hồi cuối năm 2008, Ngân hàng thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 sẽ đạt khoảng 6,5%. Tuy nhiên, dự báo mới của tổ chức này đã xác định lại tốc độ tăng trưởng GDP chỉ còn khoảng 5,5%.

Tháng 3/2009, Ngân hàng Standard Chartered của Anh đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 này sẽ là 4,2%. Standard Chartered nhận định, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ tác động mạnh tới tốc độ tăng GDP của Việt Nam qua sự giảm sút của hai lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Báo cáo Asia Insight của ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải HSBC tháng 2/2009 nhận định: 4 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2009 sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, và GDP của Việt Nam năm 2009 tăng trưởng 5,4%.

Ông Martin Rama, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam: "Năm ngoái tăng trưởng ở lĩnh vực xây dựng gần như bằng 0. Nhưng năm nay, chương trình kích thích kinh tế của chính phủ Việt Nam đang được triển khai chủ yếu qua lĩnh vực xây dựng, mà các bạn đang thấy và có thể chứng kiến. Xây dựng là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động. Vì thế sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2009 phụ thuộc rất nhiều vào việc gói kích cầu hỗ trợ lĩnh vực xây dựng như thế nào. Xin nhắc lại, năm 2009 sẽ rất khó khăn, nhưng dự báo của chúng tôi là năm 2009, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5%".

Ông Micheal Pease, Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - TGĐ Công ty Ford Việt Nam: "Chúng tôi đã nghe tất cả các dự báo, từ cao nhất là 6,5% đến mức thấp nhất 0,3%. Thực tế có lẽ sẽ rơi vào con số đâu đó ở giữa. Có quá nhiều khả năng và nhiều câu trả lời cho mức tăng trưởng GDP của Việt Nam. Theo quan điểm của Phòng thương mại Hoa Kỳ, đại diện cho các nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ, tất nhiên lĩnh vực xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu tập trung vào kinh tế nội địa, thì cái nhìn có lẽ sẽ lạc quan hơn. Và khả năng nhiều nhất là tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vào khoảng 3-4%".

Tại một hội nghị quốc tế mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đưa ra nhận định: Kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vào cuối năm 2009 và ổn định vào đầu năm 2010. Tiềm năng và sức mạnh nội tại của nền kinh tế, những giải pháp đồng bộ của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là gói kích cầu đang được triển khai thực hiện. Đó chính là những cơ sở cho nhận định tướng đối lạc quan của chính phủ Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng: "Nội lực sẽ giúp Việt Nam sớm vượt khỏi khó khăn so với nhiều quốc gia khác".

Những chính sách kích cầu nội địa và đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu. Hai tháng đầu năm 2009, FDI vào Việt Nam đạt trên 5 tỷ USD. Thị trường thương mại dịch vụ của vẫn giữ được mức tăng trưởng trên 20%. Theo báo cáo mới nhất, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2009đã đạt 3,1%.



Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường