Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều kịch bản tăng trưởng năm 2009
14 | 05 | 2009
Kinh tế Việt Nam năm nay sẽ phải đối diện với khá nhiều khó khăn và ngay cả kịch bản lạc quan cũng chỉ cho ra dự báo tăng trưởng GDP tối đa 5,56%, trong khi kế hoạch Quốc hội đề ra lên tới 6,5%.

Ngày 13.5, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đã chính thức công bố báo cáo nghiên cứu kinh tế Việt Nam 2008 và triển vọng 2009. "Mục tiêu tăng trưởng cần được Quốc hội và Chính phủ xem xét một cách thận trọng để điều chỉnh phù hợp thực tế" là kết luận của nhóm nghiên cứu.

Kịch bản nào?

Trên cơ sở cập nhật những số liệu kinh tế mới nhất, tham khảo các dự báo của các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế thế giới, nhóm nghiên cứu của CIEM đã đưa ra ba kịch bản dự báo cho nền kinh tế.

Với kịch bản cơ bản, một số điều kiện đầu vào cơ bản bao gồm: Nhóm các nước đối tác thương mại của Việt Nam tăng trưởng kinh tế chung khoảng 0,5%, giá dầu thô giảm 50% so với 2008, giá nguyên vật liệu, giá nông sản thế giới giảm 25% và 20%, giải ngân FDI giảm 25%, đầu tư nhà nước tăng 10%, cung tiền tăng 25%, giảm giá nhẹ VND ở mức 5%. Với giả định này, mức tăng trưởng GDP 2009 sẽ đạt 4,69%, lạm phát 9,4%, thâm hụt thương mại 8,7%, thâm hụt ngân sách 9,7%, xuất khẩu giảm 12,2%.

Kịch bản lạc quan điều chỉnh một số yếu tố bên ngoài tích cực hơn, trong đó kỳ vọng về tăng trưởng GDP của các đối tác thương mại (có tính đến quy mô tại từng thị trường) lên tới 1%, giá dầu khoảng 60USD/thùng, vốn FDI giải ngân tích cực hơn (chỉ giảm 15%), đầu tư nhà nước tăng (12%), giá nhập khẩu nguyên liệu công nghiệp và giá xuất khẩu nông sản tốt hơn... GDP trong kịch bản này sẽ tăng 5,56%, lạm phát 8,9%, xuất khẩu chỉ giảm 7,2%.

Kịch bản bi quan giả định các điều kiện thế giới bất lợi hơn: Đối tác thương mại không tăng trưởng GDP, giá dầu chỉ ở mức 40USD/thùng, vốn FDI giải ngân giảm 30%, cung tiền chỉ tăng 15% và VND mất giá 3%. Khi đó, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,39%, lạm phát 8,2%, xuất khẩu giảm tới 25,5%, thâm hụt thương mại 9,2%, thâm hụt ngân sách 10,1%...

Theo ông Đinh Văn Ân - Viện trưởng CIEM - các kịch bản trên đều cho thấy các chỉ tiêu cơ bản thấp hơn nhiều chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2009 của Quốc hội.

"CIEM có tham gia với Bộ Kế hoạch - Đầu tư đệ trình kế hoạch lên Quốc hội. Số liệu dự báo cao trong kỳ họp Quốc hội trước là trên cơ sở tình hình cũ. Hiện đã có nhiều thay đổi và Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chính phủ sẽ tính toán lại, trình phương án mới" - ông Ân cho biết.

Đại diện nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, bản nghiên cứu này hi vọng sẽ góp phần thay đổi nhận thức và làm cơ sở để tính toán lại chỉ tiêu tăng trưởng.

Những biến số

Vậy kinh tế Việt Nam sẽ có khả năng đi theo kịch bản nào? Theo ông Đinh Văn Ân, về mặt khoa học, kịch bản cơ bản dễ xảy ra nhất. Tuy nhiên, diễn biến các yếu tố bên ngoài còn rất khó lường. Ngay cả các dự báo quốc tế cũng có thể thay đổi thường xuyên.

"Cá nhân tôi thiên về kịch bản lạc quan" - ông Ân cho biết. Những căn cứ được đưa ra là đặc điểm của một nền kinh tế đang chuyển đổi, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng rất lớn. Mặt khác, Chính phủ đang tích cực triển khai các biện pháp kích cầu.

"Phải thừa nhận là cầu có khả năng thanh toán của người dân rất lớn, không thể chỉ nhìn vào những số liệu công bố như thu nhập tiền lương, việc làm. Theo tôi, cầu có khả năng thanh toán thực tế cao hơn nhiều các con số thống kê. Kỳ nghỉ 30.4-1.5 vừa qua cho thấy mức độ tiêu dùng vẫn rất cao" - ông Ân nói.

Một điểm nằm ngoài "kịch bản" khác là yếu tố điều hành và sự nắm bắt thời cơ của các DN. Theo ông Ân, những số liệu kinh tế vĩ mô vừa qua cho thấy các quý sau đang tốt hơn quý trước, là biểu hiện của sự cải thiện. Nhìn tổng thể các yếu tố tác động rất phức tạp, đòi hỏi thực thi một cách đồng bộ chính sách kinh tế vĩ mô kết hợp các biện pháp hỗ trợ DN. Công bố thông tin, giải trình một cách minh bạch và tạo sự đồng thuận trong xã hội là yếu tố quan trọng góp phần vượt qua khó khăn.

"Việt Nam vẫn có thể đi trước các nước về tăng trưởng kinh tế. Các khu vực trung tâm của khủng hoảng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi, trong khi Việt Nam bị tác động chủ yếu từ yếu tố thị trường bị thu hẹp chứ không phải khủng hoảng mang tính cơ cấu, thể chế" - ông Ân nhận xét.

Các dự báo theo kịch bản cơ bản của nhiều tổ chức quốc tế cũng cho thấy khả năng tăng trưởng của Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều mức năm 2008. Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP 2009 chỉ tăng 3,3%, NH Thế giới (WB) dự báo tăng 5,5%, ADB dự báo tăng 4,5%.

Nhóm nghiên cứu cho biết, mô hình dự báo của CIEM là hoàn toàn độc lập và không giống các mô hình của các tổ chức. Nghiên cứu của CIEM được cập nhật số liệu mới nhất tới tháng 4.2009 và dự kiến các biện pháp kích thích kinh tế nên kết quả có sự khác biệt, chẳng hạn trong tỉ lệ lạm phát hay thâm hụt ngân sách cao hơn.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường