Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bảo vệ đất nông nghiệp: “Hàng rào” mong manh
11 | 05 | 2009
Sự chênh lệch giá quá lớn giữa đất trồng trọt với đất được chuyển đổi sang mục đích xây dựng đang làm cho các “hàng rào” bảo vệ đất nông nghiệp trở nên quá mong manh.

Đi liền với tốc độ phát triển khá nóng của công nghiệp và đô thị, chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ mà diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhanh nhất trong lịch sử.

Trong những năm qua, mỗi năm có khoảng 80.000ha đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển sang các mục đích sử dụng khác. Tình trạng hai giá đất trên thị trường (một bên là mức đền bù cho nông dân rất thấp và bên kia là giá trị đất sau khi chuyển ra khỏi nông nghiệp tăng lên rất cao) là một chỗ hở lớn, tạo điều kiện cho nạn đầu cơ và tạo động lực chuyển đổi các khu đất thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác.

Ông Hoàng Ngọc Vĩnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Trung ương Đảng cho biết: Theo Luật Đất đai, từ 1/1/2007, tất cả các tỉnh, thành phố đều phải công bố khung giá đất trong khu vực của tỉnh mình. Việc công bố giá đó lẽ ra chỉ là nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với Nhà nước chứ không nên lấy cái đó để làm giá bồi thường cho người đang sử dụng đất. Giá bồi thường người đang sử dụng đất lẽ ra phải đảm bảo được lợi ích cho người sử dụng đất bị mất, của doanh nghiệp vào đó đầu tư và của Nhà nước, thì hiện nay cả 3 lợi ích đó đều không được đảm bảo. Ví dụ như đất lúa, trước đây giá đất hạng 1 ven quốc lộ 5 chỉ 19.200đ/m2, nhưng nay nâng lên 30.000đ/m2, có nơi 60.000đ/m2 và ở ven đô thị có thể là 200.000/m2. Nhưng khi chuyển sang khu dân cư, khu thương mại thì nó có giá 3-4 triệu đồng/m2. Lẽ ra, lợi ích này phải được chia cho người sử dụng ruộng đất bị chuyển đổi, chia cho Nhà nước và để lại cho doanh nghiệp nhưng hiện nay, toàn bộ lợi ích này là doanh nghiệp được hưởng.

Theo Luật Đất đai, người dân được tự do thực hiện các quyền về sử dụng đất. Việc chính thức hoá sở hữu thông qua cấp chứng chỉ quyền sử dụng ruộng đất (sổ đỏ) và công khai hoá thị trường đất đai bằng cách quy định giá đất cho các vùng, gần với giá thị trường là công nhận chính thức kết quả của việc đầu cơ ruộng đất, thúc đẩy quá trình mất đất của nông dân diễn ra nhanh hơn.

Hiến pháp và pháp luật nước ta quy định, đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng đất đai đang bị thất thoát cả về số lượng lẫn giá trị, nhất là giá trị gia tăng không phải do người sử dụng đất tạo ra mà do đô thị hoá, do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, do quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất đem lại. Nếu tiếp tục phát triển thị trường quyền sử dụng đất như hiện nay thì sẽ có nguy cơ làm cho Nhà nước không có các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu này một cách thực chất trên phương diện sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững.

Dường như chúng ta đang ở thế “lưỡng nan”: Quản lý ruộng đất có thể tiến hành bằng luật lệ và quy định của Nhà nước, nhưng biện pháp này lại gây ra nạn chiếm dụng ruộng đất và tham nhũng; phát triển thị trường ruộng đất trên cơ sở định giá đất, đẩy mạnh được việc chuyển đổi nhưng lại tạo điều kiện cho việc đầu cơ và tập trung đất đai vào tay người giàu.

TS. Lê Đức Thịnh, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, ở một số nước phát triển, có cơ quan chuyên theo dõi giá đất trên thị trường thông qua đấu giá, thông qua chuyển nhượng. Sau khi thống kê lại, cơ quan đó có nhiệm vụ cung cấp mặt bằng giá đất các nơi cho cơ quan có thẩm quyền xác định, để cân đối các quyền lợi.

CNH, HĐH, đô thị hoá và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là tất yếu và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng đất nông nghiệp có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, tạo việc làm cho trên 50% lao động cả nước. Do vậy, cần khẳng định, việc chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải hết sức tiết kiệm và cẩn trọng, hạn chế tối đa việc lấy đất tốt trồng lúa vào mục đích khác.

Hơn nữa, việc giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với nông dân trong việc thu hồi đất nông nghiệp nhất thiết phải ưu tiên cho lợi ích của Nhà nước, xã hội, nhưng đồng thời phải đảm bảo lợi ích của nông dân như Nghị quyết 26 khoá IX đã nên rõ: “Bảo đảm cho người bị thu hồi đất đến chỗ ở mới có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Đó cũng chính là “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển” như Nghị quyết Đại hội X đã đề ra.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường