Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế năm 2008: Không thể tiếp tục lạc quan
11 | 05 | 2008
Tăng trưởng GDP chỉ 6,7%, lạm phát lên đến 22,3% - đây là kịch bản bi quan nhất trong ba kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2008 mới được Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2007 mới được công bố ngày 8/5 tại Hà Nội.
CIEM cho rằng, nhìn chung, trong năm 2008 nền kinh tế Việt Nam sẽ khó có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như năm 2007. Kết quả dự báo cũng cho thấy lạm phát tiếp tục đứng ở mức cao và cao hơn so với năm 2007 và nhập siêu còn lớn, chưa thể khắc phục trong ngắn hạn. Vì thế, các chuyên gia CIEM cho rằng, các mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2008 cần được xem xét lại.

Không thể tiếp tục lạc quan

Cuối năm, khi cả nước đang say sưa với những thắng lợi kinh tế được cho là cao nhất trong 10 năm lại đây và đưa ra những mực tiêu rất cao là tăng trưởng GDP 8,5 - 9%, lạm phát ở mức 11 - 12%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những mục tiêu này rất khó thực hiện. Chính phủ đã buộc phải có những đề xuất điều chỉnh thực tế hơn. Trong dự báo của CIEM, cả ba kịch bản được đưa ra đều cho thấy tham vọng về phát triển kinh tế như trên đây là không thể.

Mô tả ảnh.
Con thuyền kinh tế Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều khó khăn. (Ảnh: VNN)

Kịch bản cơ bản được đưa ra là GDP tăng trưởng 7,2%, lạm phát ở mức trung bình là 19,4%. Dự báo này được đưa ra dựa trên xu thế kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn 2007. Tuy có chậm lại, nhưng khu vực châu Á và ASEAN vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Đây là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên sự tác động qua lại với Việt Nam là rất lớn.

Các yếu tố khác để hình thành lên kịch bản cơ bản này là: giá dầu xấp xỉ 100 USD/thùng, giá nhập khẩu nguyên liệu và giá nông sản tăng 15%. Các khoản đầu tư ngân sách tăng 10%, giải ngân vốn FDI tăng 20%. Đồng thời, Việt Nam thực thi một chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng thông qua chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá.

Trong khi đó, kịch bản được cho là lạc quan hơn cũng chỉ đưa mức tăng trưởng GDP lên 7,6% và lạm phát ở mức 16,7%. Điều này được dự báo trên giả thiết kinh tế thế giới không quá bi quan và khả năng giải ngân và hấp thụ vốn FDI của Việt Nam được cải thiện hơn. Các đối tác thương mại chính có sự tăng trưởng kinh tế khá hơn.

Ngược lại, một kịch bản bi quan hơn cũng được đưa ra, theo đó tốc độ tăng trưởng GDP xuống còn 6,7% và lạm phát lên đến 22,3%. Điều này có thể xảy ra với giả thiết các điều kiện kinh tế thế giới và yếu tố kinh tế nội tại bất lợi hơn so với kịch bản cơ bản. Cụ thể, các đối tác thương mại lớn tăng trưởng kinh tế rất thấp, khả năng giải ngân FDI không tăng...

Như vậy, với dự báo lạc quan nhất thì Việt Nam cũng còn xa mới đạt đến mức hy vọng 8,5% như đã đề ra.

Ông Võ Trí Thành - người được xem là tổng biên tập thực hiện báo cáo này, nêu quan điểm cá nhân cho rằng, bản thân ông nghiêng nhiều hơn về kịch bản GDP thấp hơn là những kịch bản lạc quan. Có nhiều lý do như: bối cảnh và diễn biến suy thoái kinh tế thế giới chưa rõ ràng và tiềm ẩn nhiều bất ổn. Nền kinh tế trong nước đang vấp phải những khó khăn không dễ giải quyết trong ngắn hạn. Mặc dù Chính phủ đã nhận thấy và đề ra những giải pháp khắc phục nhưng việc triển khai như thế nào trong thực tế lại là một vấn đề.

Ông Thành ví vón, những thành công năm 2007, Việt Nam được xem là "ngôi sao đang lên" nhưng với tình hình hiện tại nó có thể đang bị tạm thời bị "che lấp". Tuy nhiên điều đó cũng không có gì là qua lo lắng. Chính phủ cần tiếp tục thực hiện những gải pháp dài hạn như: khắc phục các nút thắt của nền kinh tế về thể chế, hạ tầng, nhân lực; thực hiện kiểm soát và ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp chính sách phát triển kinh tế với an sinh xã hội... nhằm từng bước ổn định, giảm lạm phát mà không gây ra những đổ vỡ, duy trì lòng tin của các nhà đầu tư.

Vào WTO, càng thể hiện rõ yếu kém

Một trong những yếu tố chi phối nổi bật đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam năm 2007 là việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO và bắt đầu thực hiện các cam kết theo lộ trình. Bên cạnh những tác động thuận chiều thì một cảnh báo tiếp tục được các chuyên gia nhắc lại trong báo cáo này là việc gia nhập WTO càng làm lộ rõ hơn những yếu kém và bất cập cố hữu của nền kinh tế Việt Nam.

Mô tả ảnh.
Những nút thắt về hạ tầng, nhân lực và thể chế cần sớm được tháo gỡ. (Ảnh: VNN)

Trước hết về thể chế, báo cáo nhấn mạnh rằng sẽ còn rất nhiều việc phải làm để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp cam kết hội nhập và các chuẩn mực kinh tế thị trường. Còn những khoảng cách khá xa giữa thực tế và yêu cầu tính chuyên nghiệp, minh bạch và khả năng giải trình của các cơ quan nhà nước. Thể chế cho sự phát triển các thị trường yếu tố sản xuất vẫn trong giai đoạn cần tiếp tục có những chỉnh sửa.

Bên cạnh đó, sự hụt hẫng về kỹ năng nguồn nhân lực cũng đang ngáng trở tăng trưởng có chất lượng và phát triển bền vững. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực liên quan đến tất cả các nhóm xã hội, trong khi đó toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo đang tỏ ra xa rời với hơi thở cuộc sống và thời đại.

Kết cấu hạ tầng yếu kém đã và đang gây nhiều tổn phí cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Nguồn lực cần thiết cho phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, không thể không có tầm tầm nhìn xã rộng, những bản quy hoạch có hàm lượng chất xám và các hình thức hiệu quả trong huy động các nguồn lực.

Đây chính là 3 nút thắt cổ chai của nền kinh tế. Một dẫn chứng cho thấy, việc yếu kém về thể chế, hạ tầng và nhân lực đã hạn chế việc thực hiện vốn FDI. Tỷ lệ thực hiện FDI năm 2007 chỉ là 37,8% trong khi các năm trước đó đã đạt cao hơn.

Năm 2007, kinh tế Việt Nam lộ diện rõ ràng hơn những rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Lạm phát tính theo chỉ số tiêu dùng lên đến 12,63% là mức cao nhất từ 1997. Song có một thực tế là đến cuối 2007, Chính phủ vẫn chưa có những lập luận và giải trình hợp lý trong lựa chọn, về ngắn hạn, giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, dẫn đến sự lúng túng trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh các luồng vốn đổ mạnh vào Việt Nam.



Phước Hà - VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường