Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam cần cuộc cách mạng mới về ruộng đất?
10 | 05 | 2008
Thiệt thòi, tổn thương, bị gạt bên lề của sự phát triển, tiềm ẩn bất ổn... những cụm từ được nhắc nhiều nhất khi nói về số phận của người nông dân, nông thôn Việt Nam hiện nay. Một lần nữa, vấn đề này lại được đưa ra mổ xẻ tại một cuộc tọa đàm do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức mới đây.


Đất đai là gốc của vấn đề

GS-TS. Lê Duy Phong (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận xét, nông dân đang là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất, ít được thụ hưởng các thành quả của quá trình đổi mới. Lý giải điều này, GS. Phong cho rằng, nông dân đang thiếu các điều kiện và phương tiện để phát triển sản xuất, đảm bảo cuộc sống bình thường.

Theo GS. Phong, diện tích đất cho nông nghiệp quá chật hẹp. Cả nước có 12 triệu hộ gia đình, nhưng chỉ có 9,4 triệu ha đất nông nghiệp. Bình quân mỗi hộ chỉ 0,7-0,8ha, mỗi lao động 0,3ha và mỗi nhân khẩu 0,15ha. Ở Đồng bằng Bắc Bộ, con số này còn nhỏ hơn, chỉ 360m2/khẩu. Nếu chia ra, tất cả các hoạt động ăn, ở, đi lại, sinh hoạt hàng ngày của một người nông dân ở Bắc Bộ chỉ dựa vào... 1m2 đất.

Chưa kể, nông dân - đối tượng đông nhất trong xã hội - lại ít được đào tạo nghề nên tỷ lệ thất nghiệp ở mức báo động. Ông minh chứng, trên 83% lao động ở nông thôn chưa qua đào tạo bất kỳ chuyên môn gì (con số từ Bộ LĐTB-XH), trong khi tỷ lệ này ở thành thị là 49%. 20% lao động ở nông thôn thất nghiệp, tương đương khoảng 4,8 triệu người, cộng thêm hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động mỗi năm.

Đáng lưu ý, khi mỗi ha đất nông nghiệp bị "xà xẻo" sẽ kéo theo 13 người rơi vào cảnh không có việc làm. Điển hình, mỗi năm, Hà Tây có 28.000-30.000 lao động đổ ra thành thị kiếm sống, trong khi con số này phải "Nam tiến" ở Quảng Nam là 46.000 người.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cảnh báo, diện tích đất trồng lúa đang và vẫn tiếp tục giảm, nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Giai đoạn 2002-2007, mỗi năm vùng này mất 7.500 ha đất/năm (0,67%), gần gấp hai lần tỷ lệ của cả nước.

Do vậy, tại cuộc tọa đàm “Những vấn đề xã hội của nông dân và nông thôn Việt Nam hiện nay”, TS. Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế Việt Nam) đã đưa ra một cách nhìn nhận mới về vấn đề đất đai nông thôn hiện nay, đó là Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng ruộng đất mới - cuộc cách mạng lần thứ tư trong lịch sử, song Việt Nam chưa coi đó là một cuộc cách mạng.

TS. Tuấn Anh cho rằng, lịch sử nước ta đã từng tiến hành các cuộc cách mạng ruộng đất vào những năm 1950-1960, thời kỳ hợp tác hoá, Khoán 10 và bây giờ là cuộc cách mạng mới khi có sự phân bổ lớn lại ruộng đất. Ông khuyến cáo, cải cách ruộng đất với mật độ dày đặc (15 năm/lần) đã làm đảo lộn rất lớn đến cuộc sống của người dân, trong đó chỉ hai cuộc người dân được đất và hai cuộc bị mất đất.

Cuộc cách mạng ngày nay, chính là một cuộc cách mạng mà người nông dân bị mất đất, bằng chứng là trong vòng 5 năm (2000-2005), đã có 2 triệu hộ gia đình ít, nhiều đã bị thu hồi đất. TS. Tuấn Anh chỉ ra rằng, chúng ta đang rất thụ động trong cuộc cách mạng này, và chỉ chập chững chuẩn bị đối phó là chính mà chưa coi đó là cuộc cách mạng. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc giao đất quá lớn, trong khi chính quyền TƯ lại buông lỏng quản lý. Chính vì được tiến hành một cách tự phát, địa vị người dân gần như không có, nên họ không có quyền đàm phán, buộc phải phục tùng, chấp nhận.

Hệ quả, về lâu dài, sẽ tạo thành một sự mâu thuẫn trong xã hội, âm ỉ rồi dần bùng phát mà điển hình là các vụ khiếu kiện của người dân hấu hết đều liên quan đến đất đai. "Với cách lấy đất như hiện nay, đất đai cả nước đang dần bị băm nát, ruộng đất của dân cũng bị băm nát, hậu quả sẽ rất nặng nề", TS. Tuấn Anh lo ngại.

Cần cái nhìn sâu hơn về nông thôn, nông dân

Do bản chất phức tạp, nhiều chiều của chủ thể tam nông (nông nghiệp - nông thôn - nông dân) nên sẽ không đầy đủ nếu chúng ta quá thiên về khía cạnh kinh tế (nông nghiệp) mà "bỏ quên" cái nhìn xã hội, tức là nông thôn và nông dân - GS. Trịnh Duy Luân - Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Khoa học Xã hội) thẳng thắn.

Chính vì chưa có sự hài hòa, lồng ghép giữa hai yếu tố kinh tế - xã hội nên chúng ta đang xử lý thụ động các vấn đề phát sinh trong đời sống nông thôn Việt Nam.

"Vị thế của người nông dân trong cấu trúc xã hội đã thay đổi, cần có cách ứng xử mới, không nên lạm dụng, vắt kiệt mà đền bù không tương xứng", GS. Luân nói. “Người nông dân đã biết sản xuất, biết tính toán, nên chúng ta không chỉ cứ lấy đi của họ 1 sào đất rồi đền bù là xong, mà cần phải thực hiện các chính sách an dân và hỗ trợ nhiều hơn, coi nông dân như một nhóm lợi ích xã hội”.

Ngoài ra, theo GS. Luân, cần cảnh báo cho họ những thay đổi trong quá trình phát triển, chuẩn bị chiến lược đối phó với những mâu thuẫn, xung đột xảy ra trong thời kỳ mới. Còn GS.TS. Lê Duy Phong kiến nghị nên sớm sửa đổi Luật Đất đai để những người biết làm ăn trên quy mô lớn có thể tích tụ ruộng, sản xuất hàng hoá lớn.

Một vấn đề khác cũng được các nhà khoa học cảnh báo, đó là mối quan hệ giữa con người với con người ở nông thôn.

PGS-TS. Vũ Mạnh Lợi (Viện Xã hội học) chỉ ra rằng, một bộ phận lớn nông dân đổ ra thành thị đã làm mối nối kết cộng đồng trong xã hội nông thôn trở nên lỏng lẻo. Ông đánh giá, mối quan hệ giữa người với người ở nông thôn bắt đầu rã đám. Họ sống theo kiểu "nhà nào biết nhà ấy", không chịu bất kỳ một sức ép nào để điều chỉnh hành vi, lối sống có chuẩn mực của mình, dẫn tới tình trạng an ninh xã hội khó kiểm soát.

TS. Lợi đề xuất, cần nâng cao vai trò của các loại hình hợp tác xã và rất cần một cơ chế, chính sách lôi cuốn các tổ chức xã hội tham gia vào cộng đồng làng xã, để dân tự lo liệu. Ông cho rằng, quản lý Nhà nước của ta đang rất yếu kém khi muốn làm cho dân nhiều song không làm nổi. Do vậy, cần có cách nhìn mới về quản lý con người, theo một cách năng động hơn.



Hà Yên - VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường