Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xung quanh vấn đề đất nông nghiệp trong phát triển công nghiệp
08 | 04 | 2008
Được đánh giá là một trong những chuyên gia nghiên cứu về đất đai hàng đầu ở Bộ NN-PTNT, Ô. Lê Đức Thịnh đã có cuộc trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề nông dân mất đất.
Một chính sách… chưa công bằng

Được biết ông theo dõi rất sát loạt bài “Nông dân mất đất – câu chuyện đã đến hồi gay cấn” trên NNVN, hẳn đây cũng là vấn đề ông rất quan tâm?

Thực trạng và nguyên nhân của việc địa phương cứ lấy đất “bờ xôi ruộng mật” làm công nghiệp, đô thị đã được NNVN và các báo chí khác phản ánh và phân tích. Tháng 3 này, Bộ TNMT cũng đã mở hội nghị lấy ý kiến sửa đổi chính sách đất đai, trong đó 8 vấn đề bất cập đã được nếu ra; từ chuyện quy hoạch, thu hồi đất, giá đất đến cả chuyện đất của doanh nghiệp lên sàn như thế nào? Nhưng tựu chung lại các vấn đề này đều có nguyên nhân từ những bất cập trong các chính sách đất đai hiện nay và từ việc triển khai chính sách này vào thực tiễn ở các địa phương. Có nhiều vấn đề tự chính sách của chúng ta lại “buộc” chúng ta.

Nhưng cần phải bình tĩnh để nói rằng, những bất cập của chính sách đất đại hiện nay cũng là chuyện dễ hiểu. Bởi vì thực tiễn đang phát triển quá nhanh. Cách đây mươi, mười lăm năm, cách xử lí về đất đai của chúng ta tiến bộ hơn nhiều so với bạn bè trong khu vực (Philippine, Trung Quốc), nhưng đến nay lại lạc hậu. Và cũng những vấn đề của luật mà chúng ta chưa giải quyết được triệt để như các luật đất đai thời Nhà Lê, Nhà Nguyễn…

Ông có căn cứ gì để chứng minh điều này không?

Tôi có thể chỉ ra từng điều luật một bất hợp lý, chỗ này “đè” chỗ kia… Năm 1987, chúng ta có Nghị định 299, quy định hộ nông thôn được 200m2, miền núi được 400m2 đất ở. Vườn ao bên cạnh tính là đất nông nghiệp. Nhưng sau đó vườn ao được thu về HTX, HTX cho dân thuê, đấu thầu. Sau này Nghị định 197 năm 2004, lại “phong” là đất liền kề và được hỗ trợ đền bù với các mức trợ cấp khác cao hơn nhiều so với đất nông nghiệp bình thường, mà không hề đả động đến tính chất lịch xử của loại đất xen kẽ này. Từ đó, ở nhiều nơi người dân chiếm ruộng, chiếm ao hồ biến thành đất liền kề. Thế là mâu thuẫn, khiếu kiện. Mà lẽ ra chúng ta phải xem xét và quy định chính sách đó cho loại đất đó chỉ được áp dụng ở từng thời điểm một.

Đó là sự bất công bằng trong đền bù đất thưa ông?

Đúng vậy. Hiện nay đa số người dân, kể cả những người thực hiện chinh sách đất đai ở địa phương đều cho rằng giá đất đền bù của chúng ta chưa hợp lí. Đất phi nông nghiệp, đất ở thì cơ chế xác định giá đền bù dựa nhiều theo cơ chế giá do thị trường quy định. Khi Tái định cư thì được đảm bảo cuộc sống bằng hoặc hơn chỗ ở cũ. Chính sách của chúng ta về mặt này rất rõ ràng. Và tôi cho là hoàn toàn đúng. Nhưng buồn một nỗi, cơ chế và chính sách đó lại không được áp dụng với việc thu hồi đất nông nghiệp. Ở đất nông nghiệp cơ chế xác định giá đền bù lại dựa chủ yếu trên địa tô nông nghiệp. Nên khi thu hồi đất, chỉ có dân đô thị, người ven đô được hưởng lợi nhiều, còn nông dân luôn luôn bị thiệt! Giá đề bù đất nông nghiệp thấp hơn rất rất nhiều so với đất ở và đất phi NN.

Tại sao lại có sự “phân biệt” này? Đây là sự cố tình hay vô tình?

Tôi không nói ở đây có sự cố tình, nhưng tôi hiểu có sự lúng túng cả về lí luận và thực hành trong việc xác định giá đề bù đất. Ở ta, mặc dù Hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện, nhưng trên thức tế vẫn tồn tại “quan niệm” đất ở là đất “bất khả xâm phạm”. Người ta trao đổi nhau hoàn toàn theo giá thị trường từ lâu rồi. Trong khi đó, đối với đất nông nghiệp quan niệm đất của Nhà nước được thể hiện rõ hơn. Hai phương pháp tính giá đề bù trên đây theo tôi cần phải được thảo luận thêm? Để giải quyết triệt để câu hỏi này có lẽ chúng ta phải quay lại câu hỏi: tại sao lại phải đền bù khi thu hồi đât và cơ sở tính mức đền bù là gì? Về nguyên tắc, phương pháp tính giá đền bù của Nghị định 188 đã thể hiện cơ sở đề bù ở đây là dựa trên địa tô của đất. Tôi hoàn toàn đồng ý. Chỉ có điều địa tô đất ở đây là những địa tô nào? Trên thực tế, hiện nay đói với đất NN chúng ta chỉ hiểu địa tô đất bao gồm địa tô tuyệt đối và địa tô tương đối (lí thuyết của Adam Smit, Ricardo hay K. Max), mà quên rằng nếu trên đất có nhiều tác nhân kinh tế đang cạnh tranh nhau (ví dụ đất nông nghiệp trong gianh giới đất đô thị hay đất được quy hoạch để làm đô) thì địa tô đất sẽ bao gồm cả các địa tô kinh tế, địa tô trạng thái (được hiểu là các thặng dư do vị trí đất mạng lại, giúp cho các tác nhan kinh tế nếu khai thác vị trí này cho phép giảm nhiều chi phí trong sản xuất kinh doanh: khoảng cách đến thị trường gần hơn, tiếp cận các dịch vụ dễ hơn…) (Lí thuyết của Von Thunen, Wiliam Alonso hay Alfrred Marshall). Nếu như cách xác định giá đề bù theo phương pháp so sánh ít nhiều đã tính đến các tô kinh tế này. Nhưng nếu đất NN chỉ tính đơn thuần trên địa tô NN thì sẽ thiệt thòi cho người có đất.

Nhân đây, tôi cũng nói thêm rằng có sự nhầm lẫn ít nhiều giữa mức đền bù và giá đất. Mức đền bù phải dựa trên địa tô đất, còn giá đất là do thị trường tác động xây dựng nên. Tiền đền bù thì chủ sở hữu đất (ở ta là Nhà nước) phải được hưởng. Nhà nước phân phối lại tô đó như thế nào là ở vế thứ 2 của chính sách. Nếu có quá nhiều “chủ đất” rất khó giải quyết trong cùng một loại chính sách.

Quyền lợi của địa phương và DN là trên hết

Trong loạt bài Nông dân mất đất, NNVN có đề cập đến một nguyên nhân, đó là lợi ích của chính quyền địa phương và DN, ông nghĩ gì về vấn đề này.

Đúng, đó là vấn đề lợi ích. Tỉnh, huyện muốn giá đền bù đất thổ cư cao để dễ GPMB, nhưng họ lại muốn giá đất nông nghiệp thấp để “trải thảm” đón DN vào. Điều này để đạt 2 mục tiêu. Một là mục tiêu chính trị: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết được sức ép chính trị. Huyện, tỉnh nào có CCN được coi là điển hình về phát triển kinh tế, cán bộ huyện tỉnh đó được đánh giá cao và là… nguồn để cân nhắc. Điều đó… oách lắm! Thứ hai, mời được DN vào, ngân sách thu tăng lên từ thuế, các khoản dịch vụ… Việc chuyển quyền sử dụng đất, thuế đất cũng dễ thực hiện. Việc định giá thấp này, tỉnh huyện có biết không? Biết. Nhưng vì những lợi ích mà họ bỏ qua.

Vậy còn chính quyền xã, họ muốn giá cao hay thấp?

Theo những quan sát của chúng tôi, cấp xã lại muốn giá cao hơn. Cái mong muốn này cũng là vì lợi ích của xã thôi. Xã là người trực tiếp đối mặt với dân, đền bù giá cao sẽ dễ thoả thuận với dân hơn. Và xã luôn bảo, chỗ này khó lắm, vì là đất màu, đất 3 vụ của dân. DN phải trả thêm tiền hỗ trợ đàm phán, hỗ trợ đền bù, hỗ trợ cơ sở hạ tầng… cao lên. Cái lợi ích này của xã cùng với lợi ích của tỉnh, huyện đã tạo ra những cánh đồng “xôi đỗ”.

Nếu xã chỉ cho lấy đất xấu, thì chỉ có nông dân có lợi ích, DN không, xã không. Vì thế xã phải cân nhắc 3 lợi ích nông dân - DN và xã.

Vậy còn mong muốn của nông dân, họ muốn giá cao hay thấp?

Đương nhiên là nông dân muốn giá cao. Nhưng như tôi đã nói, ở ta đất nông nghiệp là đất của Nhà nước, việc thu hồi để làm công gnhieepj, đô thi khi đất nước phát triển đi lên là chuyện bình thường. Vì thế, mong muốn có giá cao nhưng không biết cao chừng nào thì hợp lý. Thế mới có thực trạng, các nhà đền bù đầu tiên áp dụng giá thấp nhất, sau đó “nhử’, trả cao dần cao dần để lấy đất của dân nhưng thực sự là nó vẫn rất thấp. Giờ dân mới thấy khi DN, chủ đầu tư vào họ san mặt bằng và bán giá đất cao gấp hàng chục lần. Dân không lý giải được điều đó, cuộc sống bức xúc, uất ức, họ đi khiếu kiện.

Mua đất của dân thì giá thấp, san mặt bằng rồi bán với giá rất cao, do đâu mà có thưa ông?

Bản chất kinh tế tôi đã đề cập ở trên, khi chưa khoanh, chưa quy hoạch thì 1 ha đất nông nghiệp, địa tô của nó là địa tô đất NN đất nông nghiệp (bao gồm cả địa tô I và II). Nhưng khi khoanh, quy hoạch thành công nghiệp - dịch vụ rồi (tôi nói là kể cả khi chưa có đầu tư thêm CSHT gì), thì địa tô của nó đã là địa tô đất phi nông nghiệp (bao gồm các tô kinh tế và tô xã hội). Thế mà giá của 2 loại đó chênh lệch nhau đến kinh hoàng. Nhưng, sự chênh lệch này lại do chính Nhà nước mang lại, nhưng gần như nhà đầu tư hưởng hết. Lẽ ra, giá trị chênh lệch hay địa tô chênh lệch này phải được phân chia cho Nhà nước và người dân mất đất (nếu nhà nước thừa nhận một sở hữu có giới hạn thông qua 7 quyền của người dân hiện nay). Khi xác định mức đền bù cho đát NN bị thu hồi cần phải tính đến giá cơ hội của nó tại thời điểm đã được quy hoạch, Điều này cũng rất phức tạp nhưng điều phức tạp này chỉ nằm ở khâu nghiên cứu và xác định ban đầu, chứ không nằm ở khâu thực hiện. Nếu không như hiện nay mặc dù đã có mức quy định rất rõ ràng nhưng ở mỗi trường hợp người thực hiện GPĐB lại phải áp dung “mềm dẻo” khác nhau.

Nói như ông, thì chính sách giá đề bù của mình đang “không có lợi” cho nông dân, sao chính sách lại như thế?

Tôi nói thêm là Chính sách ruộng đất là loại chính sách phức tạp và khó làm vào lợi bậc nhất. Bởi vì quan hệ đất đai là thực tế là quan hệ giữa con người với con người xung quanh vấn đề ruộng đất, chứ không đơn thuần là quan hệ giữa con người với ruộng đất như bấy lâu nay ta vẫn làm trong thời hợp tác hóa. Rất đúng khi nói rằng đất đai là vốn, là đầu vào của doanh nghiệp. Nhưng cũng phải hiểu rằng đối với nông dân đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất mà còn là di sản (nếu họ để lại cho con cháu của họ), là không gian để sống sinh hoạt và sản xuất. Nếu hiểu lợi ích mà ruộng đất đem lại cho mỗi bên như vậy, chúng ta sẽ có cách ứng xử về chính sách hợp lí hơn. Quay lại chính sách đất đai, vai trò của Nhà nước với tư cách là Chủ sở hữu đất là rất lớn. Chủ sở hữu đất phải chủ động áp đặt tô ruộng đất cho các tác nhân kinh tế. Phải dùng chính tô đất đai này để điều chỉnh sự phân bổ cơ cấu kinh tế giữa các vùng dựa theo tư duy kinh tế và chiến lược phát triển đất nước dài hạn.

.

Nghĩa là việc tính giá đất đền bù hiện nay của chúng ta là sai?

Không hợp lý. Cơ sở xác định chưa thuyết phục. Tuy khung giá đất và những quy định để cho các địa phương tùy theo điều kiện của mình để điều chỉnh giá đất hàng năm đã ít nhiều thể hiện được địa tô chênh lệch II của đất. Nhưng như tôi đã nói, với những tô đất đó là chưa đủ và chưa thể hiện được tư duy phát triển tổng hợp và dài hạn trên cả lãnh thổ. Tôi đồng ý với nhiều ý kiến khi nói rằng để DN không lấy đất “nạc” của dân, cần phải xác định giá đất một cách chính xác hơn. Đất là tài nguyên không tái tạo lại được, dùng vào việc này thì không dùng vào được việc kia. Nên địa tô của đất phải cao. Nó cũng giống như tôi và ban có 2 cây đào quí, ai hân hạnh được ăn những trái đào này sẽ trẻ mãi. Nhưng cây của tôi chỉ ra hoa và cho quả một lần rồi chết ngay, còn cây của bạn vẫn xanh tốt quanh năm. Bây giờ ai đến muốn ăn trái của 2 cây đào này, một cách rất tự nhiên, tôi sẽ bán quả đào của tôi rất dắt vì tôi biết sang năm tôi không còn nữa. Còn bạn thì có thể bán rẻ hơn nhiều. Tôi giám chắc khách hàng của tôi ăn xong biết chuyện nhưng sẽ hài lòng mà không đòi tôi phải trả lại tiền cho họ.

Vũ Minh Việt - Báo NNVN

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn

!!


Hình thành những mâu thuẫn ngày càng lớn

Ông có cho rằng, những vấn đề trên không được giải quyết sớm, sẽ nguy hiểm?

Những sự thiếu công bằng trên là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn ruộng đất và mâu thuẫt này ngày càng lớn. Cụ thể là hình thành nên một mối quan hệ không tốt đẹp giữa nông dân và Chính quyền, giữa nông dân và DN. Đồng thời, nó còn tạo ra một mâu thuẫn nữa, mâu thuẫn này cũng rất nguy hiểm đó là mâu thuẫn giữa nông dân và nông dân. phá vỡ quan hệ làng xã. Chúng ta đã hành chính hoá giá đất, để những người dân cùng một cánh đồng nhưng thuộc hai địa giới hành chính khác nhau lại có giá khác nhau, thậm chí độ cao thấp đó lại rất lớn. Trong khi đó, nếu một KCN vào lấy cả cánh đồng đó thì lợi nhuận giữa địa giới này và địa gới kia như nhau. Nếu tính mức đền bù theo địa tô mang lại, tính giá đền bù theo vùng thì dù là 2 đơn vị hành chính nhưng trong một vùng đó phải có giá như nhau chứ. Dân không thể hiểu được.

Vậy theo ông, những mâu thuẫn này sẽ dẫn đến điều gì? Liệu có dẫn đến khủng hoảng xã hội?

Thông thường, khủng hoảng xã hội thường bắt đầu từ ruộng đất. Nhất là một xã hội nông nghiệp, hay một xã hội đang chuyển mình. Ở chúng ta, đôi chỗ, đôi nơi cũng đã có những căng thẳng, nhưng khủng hoảng xã hội có xảy ra không, điều đó còn chưa rõ và phụ thuộc vào thái độ ứng xử tiếp theo của chúng ta? Nhưng ảnh hưởng trước mắt hiện nay thì ai cũng nhìn thấy rồi, những bất cập trong chính sách lại làm cho khâu quản lí đất đai càng khó khăn. Trong nông nghiệp an toàn đầu tư trên ruộng đất không được bảo đảm dẫn đện việc tích tụ và tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô của các nông hộ, trang trại gặp khó khăn. Sản xuất sản xuất hàng hóa quy mô lớn có phát triển hay không phụ thuộc nhiều vào chính sách đất đai có bảo đảm cho nguồn lực này an toàn và linh động hay không?

Còn một điều cũng hết sức quan trọng là hiện nay, các thủ tục thu hồi và đền bù ruộng đất là đa phần là do chính quyền đảm nhiệm. Khi lấy xong đất mới giao lại cho DN, vì thế những bất cập về chính sách đất đai đã tạo ra sự mâu thuẫn không nhỏ giữa chính quyền và người dân có đất bị thu hồi, làm xói mòn lòng tin của người dân với Chính quyền. Phát triển được kinh tế là cần thiết, nhưng đát mất lòng tin của người dân thì cũng không nên.

Mất an toàn đầu tư trên ruộng đất nghĩa là sao thưa ông?

Mất an toàn đầu tư về ruộng đất (gọi tắt là an toàn ruộng đất) là trạng thái đối nghịch với an toàn ruộng đất. Khi ruộng đất được gọi là an toàn nếu những khoản đầu tư của tôi chắc chắn được thu hồi. Như vậy ATRĐ liên quan đến tư cách pháp lí, đến khả năng có bị xâm phạm hay điều chỉnh và cả tình trạng vật lí liên quan đến các rủi ro về thiên tai của mảnh ruộng.

Không an toàn, nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp không muốn, hoặc không giám đầu tư. Bản thân nông dân càng không muốn mạo hiểm. Mức độ thâm canh có thể giảm sút. Khả năng tập trung ruộng đất sẽ bị hạn chế rất nhiều. Người ta sẽ không giám đầu tư “mua đất” làm trang trại, sản xuất lớn khó có thể hình thành, điều đó làm cho năng suất lao động giảm và giá trị ruộng đất cũng giảm. Chuyện này là chắc chắn. Vì thế mà kinh nghiệp từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, Nhà nước nào cũng rất coi trọng vấn đề an toàn ruộng đất, mất an toàn ruộng đất nghĩa là… nguy hiểm. Hiện nay một số yếu tố dễ gây mất an toàn ruộng đất có thể kể ra là: Quy định về thời hạn sử dụng đất NN chưa thực sự rõ ràng, chỉ đến 2013 hay lâu hơn? Chính sách liên quan đến ruộng đất bị thay đổi và điều chỉnh nhiều. Một vài địa phương việc xử lí các vấn đề đất đai tùy tiện. Cùng một quy định của Chính phủ nhưng mỗi nơi này làm thế này, nhưng nơi khác lại làm thế khác.

ĐBSH là một ví dụ về tình trạng an toàn ruộng đất?

Ở ĐBSH, nhà đầu tư vào lĩnh vực ruộng đất, nông nghiệp không muốn đầu tư quá lâu và cũng không mấy ai muốn mở rộng quy mô sản xuất. Trong khi đó nông dân nhiều tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… mặc dù không làm ruộng nữa nhưng cũng không bán, nhựng lại. Biểu hiện “nhờn chính sách” là có. Nông dân không biết lúc nào thay đổi, nhà nước lấy đất ra lúc nào. Trong quá khứ không xa, đất của nông dân đã phải tập trung đưa vào HTX. Nông dân, có ruộng nhưng không định giá được mảnh ruộng của mình, cũng không có quyền quyết định vận mệnh mảnh ruộng của mình. Chưa kể ở dưới, chính quyền cơ sở vì nhiều lí do còn xử lí tùy tiện. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân lý giải vì sao bao năm qua ĐBSH không có sản xuất lớn.

Ngoài bất cập trong đền bù, cắm đất “xôi đỗ”, địa phương còn cái gì bất cấp nữa thưa ông?

Việc dịch chính sách, thực thi chính sách ở địa phương còn nhiều tuỳ tiện, thiếu trách nhiệm. Nghị định 64 trước đây quy định các địa phương chỉ được để lại 5% đất làm đất công ích, nhưng ở nhiều nơi lại để lại tới 10-20%. Nghị định 197 quy định đền bù công trình trên đất, nhưng có nơi người dân bỏ tiền làm mương, đường nội đồng đến khi DN lấy ruộng, Chính quyền phê duyệt phương án đề bù không đền mương và đường này với lí do “Nhà nước” lấy cả khu ruộng, dân “không phải” sản xuất NN nữa thì tại sao lại phải đền. Ngoài ra, hiện nay chúng ta cũng chưa có chính sách thuế đất thật tốt để phân biệt giữa doanh nghiệp lấy sản xuất với đầu tư bất động sản (thậm chí là đầu cơ). Cần phải đánh thuế thật năng những trường hợp đầu cơ đất để hạn chế dự án treo, chuyển nhượng lòng vòng, và vẫn có thể “ưu ái thuế” đối với các DN sử dụng ngay đất mặt bằng sản xuất.

Định giá đất theo vùng

Thú thực, nghe ông phân tích tôi cũng thấy bắt đầu lo ngại. Những gì chúng tôi thấy ở thực tế, chưa thấy được sự đáng sợ đó mà chỉ thấy sự bức xúc thôi. Nếu được nói trực tiếp với lãnh đạo nhà nước, ông sẽ nói gì?

Tôi nghĩ sắp tới Chính phủ sẽ có nhiều quyết sách quan trọng với chủ trương là quan tâm nhiều hơn đến đời sống người dân nông thôn. Điều này là chắc chắn. Vậy nên, chính sách đất đai, nhất là chính sách đất NN phải là một trong những nội dung quan trong của lần cải cách chính sách này. Theo tôi hiểu, thì trong những chính sách mới đây của Trung quốc về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chính sách đất đai được họ coi trọng và đặt lên hàng đầu. Năm 2005, Chính phủ Trung quốc đã ra chính sách “cấm” mua bán đất nông nghiệp tự do, nhằm bảo vệ đất cho sản xuất nông nghiệp.

Để phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tương lai, cần phải xác định được “tư cách”, vai trò của người nông dân trong bối cảnh mới của thời kỳ CNH, HĐH. Nói cách khác là phải “định nghĩa” được giai cấp nông dân trong tương lai. Muốn làm được điều này, một trong những điều kiện quan trọng là phải xác định được quan hệ “ruộng đất-nông dân”.

Tuy nhiên, nói thì đơn giản nhưng làm sẽ rất khó và cần có thời gian. Có lẽ trước mắt chúng ta nên hạn chế tối đa “phát hành chính sách mới”. Cần có thời gian để mổ sẽ các vấn đề nổi cộm hiện nay. Việc nhận biết các vấn đề bất cập không khó, nhưng giải quyết thế nào mới là quan trong. Tôi nhấn mạnh rằng, một trong những điều kiện để thành công là Chính phủ phải tư duy trên góc độ của “Chủ sở hữu đất”. Chính sách nào sẽ cho kết quả đó. Muốn đẩy công nghiệp lên miền núi, trung du, vào nơi đất xấu thì chúng ta phải định giá đất ở vùng đồng bằng cao hơn nhiều so với trung du và miền núi. Sau đó là việc hoạch định các chính sách bảo hộ theo vùng. Nhà nước không cấm DN lấy đất làm công nghiệp ở Hưng Yên, nhưng hệ thống giá buộc DN phải leo lên Thái Nguyên mà làm công nghiệp. Có chính sách cho vùng nông nghiệp, đời sống của nông dân sẽ không thua công nghiệp. Khi khung giá của nó là theo vùng, muốn điều chỉnh lên xuống là điều chỉnh trong khung giá của từng vùng đó.

Cách làm khung giá đất nông nghiệp hiện nay chưa hợp lí. Chính phủ đưa ra một khung giá quy định theo 6 hang đất, mỗi hạng có một biên độ biến động rất lớn, ví dụ: đất NN hạng một có giá từ 4 ngàn đến 90 ngàn đồng 1 m2. Sau đó tùy theo các tỉnh hiệu chỉnh giá này theo “tình hình cử địa phương”. Đáng ra, Chính phủ phải quy định chặt thêm một bước là: Giá đất NN ở miền núi, trung dung có thể biến động từ 17 đến 60 ngàn/m2, còn ở đồng bằng là 50 ngàn đến 90 ngàn/m2. Nếu không tình trạng như hiện nay nếu thống kê sẽ thấy đất NN loại tốt ở tất cả các tỉnh thường biến động trên dưới 30 ngàn đồng/m2 (1/3 giá từ dưới lên). Đồng bằng, miền núi không chênh nhau là mấy. Họ lấy giá thấp 1/3 từ dưới lên thực chất là “ưu ái” doanh nghiệp. 1 ha đất lúa ở ven TP HCM bán giá thị trường sẽ được cả tỷ đồng, nhưng đền bù theo khung giá cao nhất của TP quy định cũng chỉ được chưa đầy vài trăm triệu.

Vậy cụ thể Nhà nước phải làm gì?

Nhà nước phải có ý đồ rõ ràng cho phát triển trên toàn lãnh thổ và với từng vùng riêng. Quy hoạch đi trước và quy hoạch đó phải được pháp lí hóa (chúng ta hiện nay chưa có luật NN và luật Quy hoạch nên cũng khó khăn hơn), sau đó phải có lộ trình để chỉnh sửa hệ thống chính sách hiện nay. Các bất cập của chính sách như thiếu sự đồng bộ giữa các cấp chính sách, chưa thống nhất giữa chính sách đất đai với các chính sách khác hay chính sách còn chưa rõ ràng, cụ thể khiến ở dưới địa phương có thể áp dụng tùy tiện… cần phải được chỉnh sửa hoàn chỉnh. Ngoài ra, phải củng cố lại hệ thống quản lí đất đai hiện nay theo hướng tách quản lí hành chính ra khỏi hoạt động tác nghiệp và thông tin địa chính. Bảo đảm sao cho chính sách phải minh bạch, đồng bộ và ổn định trong mỗi giai đoan. Nếu quy hoạch Hải Dương – Hưng Yên là trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hoá nhưng lại ưu tiên phát triển CN ở đây thì thất là tự mình chói mình.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!


Vũ Minh Việt - Báo NNVN

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường