Những câu hỏi bổ sung sáng nay của ĐB cũng vẫn xoay quanh các vấn đề được nêu lên từ chiều qua như giải pháp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn - thành thị, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, các phương pháp hỗ trợ nông dân khi chính thức gia nhập WTO...
Vậy là Bộ trưởng Phát tiếp tục có thời gian nhẩn nha để nhắc lại những câu trả lời đã được chất vấn. Cũng vì thế mà Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng thường xuyên phải "cảnh báo" cả ĐB lẫn Bộ trưởng nên hỏi nhanh, đáp ngắn và chỉ chất vấn cũng như trả lời những nội dung chưa được hỏi. Dù vậy, Chủ tịch QH cũng phải thừa nhận nông nghiệp là vấn đề phong phú, nên đã nhiều lần "gia hạn" mười, mười lăm phút cho Bộ trưởng dù định mức thời gian đã hết từ lâu.
Chất vấn để giải toả nỗi lo là chính
Không thoả mãn với việc chiều qua Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận khuyết điểm về chậm tiếp thu, đề xuất cũng như thuyết phục để có sự điều chỉnh đối với một số cơ chế chính sách trong dự án 5 triệu ha rừng, nhiều ĐB sáng nay vẫn tiếp tục xoáy vào làm rõ trách nhiệm Bộ trưởng trong vấn đề này.
Trước đó, trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Tuyết, đoàn Yên Bái, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết theo đề xuất của Chính phủ, chỉ tiêu trồng rừng từ nay đến năm 2010 sẽ chỉ trồng mới 1 triệu ha, cộng với 1,4 triệu ha rừng đã trồng mới năm năm trước và 1 triệu ha rừng khoanh nuôi, nên đến năm 2010 chương trình này sẽ chỉ đạt 3,4 triệu ha, không tương ứng với chỉ tiêu 5 triệu ha như dự án đặt ra.
“Vấn đề chính là hiệu quả kinh tế và đời sống người dân chứ không phải con số, nếu chúng ta bằng mọi giá để đạt được mục tiêu có thể sẽ dẫn đến đổ vỡ cả chương trình lớn” - Bộ trưởng Phát giải thích. Chưa thỏa mãn với câu trả lời, ĐB Nguyễn Văn Tuyết “truy” tiếp: “Nếu đến năm 2010 mà dừng mức điều chỉnh như vậy thì đây có còn gọi là dự án trồng mới 5 triệu ha rừng?”. Bộ trưởng thừa nhận rằng, quả là nếu đến năm 2010 mà chỉ đạt ở mức độ như vậy thì chương trình chỉ là tên gọi, một thương hiệu. "Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn hai phương án có thể đạt được mục tiêu 5 triệu ha, nhưng với điều kiện là được Quốc hội cho phép kéo dài đến sau năm 2010”, ông nhấn mạnh.
Phiên chất vấn sáng nay cũng ghi nhận những lo lắng, bức xúc của ĐB xung quanh các vấn đề về lâm nghiệp, điều này lý giải tại sao các chất vấn thậm chí dài hơn phần trả lời. Những chất vấn này tập trung vào các vấn đề như chính sách phát triển rừng đặc dụng, chính sách mới của kiểm lâm có thể kiềm chế đến đâu việc mất rừng ồ ạt.... ĐB Nguyễn Mạnh Đức, đoàn Yên Bái nói:"Tiền công trông giữ một xe máy từ 50.000-60.000/xe/tháng trong mức khoán bảo vệ rừng 100.000 đồng/1ha rừng, dựa vào đâu để tính định mức này? Như vậy liệu người dân có giữ rừng cho Nhà nước hay không?"
Vốn nước ngoài vào nông thôn vẫn dưới 5%
Nông dân VN sẽ vào WTO như thế nào và hiểu biết đến đâu về Tổ chức thương mại thế giới là những câu hỏi nóng cử tri đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Nhưng WTO dường như vẫn chưa thực sự vào đến nghị trường trong phiên chất vấn đầu buổi sáng. Gần cuối thời gian chất vấn, sau khi được gia hạn thời gian để "hỏi thêm", mới đến lượt ĐB Nguyễn Thị Ánh Tuyết, đoàn Quảng Ngãi, thắc mắc Bộ có chính sách gì nhằm tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh mới?
Riêng thắc mắc này đã được Bộ trưởng giải đáp khá súc tích: "Để nâng cao năng sức cạnh tranh của nông nghiệp VN khi gia nhập WTO, chúng ta có hai vấn đề: khi đã giảm hàng rào thuế quan thì đòi hỏi chất lượng phải cao hơn. Ngoài ra, thị trường trong nước sẽ có nhiều biến động". Biện pháp đưa ra, theo Bộ trưởng đó là chú trọng vào các chính sách phát triển khoa học kỹ thuật. Còn câu hỏi của ĐB Trần Luân Kim (Phú Yên) chiều qua về những biện pháp thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn sau khi gia nhập WTO vẫn chưa được giải đáp.
Phần lớn các ĐB trong nghị trường đều tập trung "xoay" Bộ trưởng quanh những vấn đề quen thuộc liên quan đến đời sống người nông dân như "chủ trương, chiến lược của Bộ trưởng để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn - thành thị? Lộ trình cụ thể? (ĐB Nguyễn Mạnh Đức - Yên Bái), hoặc "chính sách xoá đói giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa"...
Về vấn đề này, Bộ trưởng đưa ra con số, mức chênh lệch thu nhập giữa vùng cao nhất Đông Nam Bộ và thấp nhất Tây Bắc là 3,1 lần, mức chênh lệch trung bình giữa thành thị và nông thôn là 2,6 lần. Ông cũng thừa nhận, khoảng cách này có khả năng còn tiếp tục giãn ra và đề nghị Chính phủ, QH quan tâm duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ít nhất là 4%/năm. Đặc biệt, cần xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tốt hơn nhằm đổi mới chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển nông nghiệp bởi hiện chỉ có 15% DN mới thành lập, vốn đầu tư nước ngoài vào nông thôn vẫn ở mức dưới 5% .
Bộ trưởng cũng khẳng định, biện pháp quyết liệt xoá đói giảm nghèo không phải là hỗ trợ này nọ mà phải là đầu tư cho giáo dục để phát triển nguồn nhân lực. Đây cũng là giải pháp cơ bản đề người nông dân VN thích ứng với hội nhập.
Sau giờ nghỉ giải lao, bắt đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.