Tiềm năng dồi dào
Bắc Cạn có 388 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm 79% diện tích tự nhiên, trong đó có 266 nghìn ha đất có rừng, 124 nghìn ha đất trống đồi núi trọc. Trong diện tích đất trống, đồi núi trọc, có 80 nghìn ha có khả năng đưa vào trồng rừng sản xuất (TRSX) và 32 nghìn ha rừng tự nhiên nghèo kiệt cũng có thể chuyển sang TRSX. Bên cạnh đó, khoảng 40 nghìn ha luân phiên TRSX hằng năm. Ðiều kiện thổ nhưỡng phù hợp nhiều loài cây lâm nghiệp sinh trưởng và phát triển. Nếu như toàn bộ diện tích này được TRSX có quy hoạch, kỹ thuật, được đầu tư theo đúng quy trình thì đời sống của người trồng rừng không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn có thể làm giàu từ rừng.
Nhưng thực tế việc TRSX trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế vì nguồn vốn hạn hẹp, chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước. Mỗi năm ngân sách chỉ đầu tư khoảng 2.000 ha rừng sản xuất, đất bị bỏ trống là một sự lãng phí lớn. Xuất phát từ thực trạng đó và thu hút các nguồn lực đầu tư TRSX là một chủ trương đúng của Bắc Cạn.
Công ty Lâm nghiệp (CTLN) Bắc Cạn là đơn vị đi đầu trong việc đầu tư TRSX trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2002, CTLN Bắc Cạn đã vay 6,7 tỷ đồng từ ngân hàng và cùng với số vốn đầu tư của Nhà nước, trồng 4.500 ha rừng. Ðến nay đã có 2.500 ha được khai thác. Theo tính toán, mỗi ha đầu tư, chăm sóc, bảo vệ đến khi khai thác là 12 triệu đồng/ha, cho thu nhập 37 - 42 triệu đồng. Như vậy, mỗi chu kỳ từ 6 đến 8 năm, sau khi đã trừ hết các chi phí, công ty lãi 12 - 15 triệu đồng/ha. Ðến khi toàn bộ diện tích cho khai thác, công ty sẽ có lãi ít nhất từ 50 đến 60 tỷ đồng; ngân sách tỉnh cũng sẽ thu được hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng từ năm 2002 CTLN Bắc Cạn dùng một phần vốn vay ngân hàng để đầu tư cho nhân dân trên địa bàn trồng 3.600 ha rừng sản xuất, đến kỳ khai thác toàn bộ diện tích này sẽ được bán cho CTLN Bắc Cạn theo giá thị trường và đây sẽ là nguồn thu nhập lớn cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.
Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Cạn - Thái Nguyên vừa ký hợp đồng tín dụng cho CTLN Bắc Cạn vay tiếp 5 tỷ đồng để đầu tư trồng 500 ha rừng sản xuất. Dự kiến đến cuối năm nay, chi nhánh ngân hàng này sẽ ký hợp đồng tín dụng tổng thể cho CTLN Bắc Cạn vay vốn trồng 7.500 ha rừng sản xuất giai đoạn 2010 - 2015. Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Vũ Chí Dũng cho biết: Việc cho CTLN Bắc Cạn vay vốn TRSX đã mang lại hiệu quả to lớn, làm thay đổi nhận thức về lâm nghiệp của nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, giá trị hiệu quả của việc đầu tư TRSX đã được thực tế chứng minh là không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà nhiều hộ còn vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu. Bắc Cạn thu hút đầu tư TRSX là hướng đi đúng đắn nhằm khai thác vùng đất giàu tiềm năng nhưng chưa được đánh thức.
Phương án phát triển rừng
Ðể thu hút đầu tư TRSX, Bắc Cạn xây dựng ba phương án. Một là, doanh nghiệp thuê đất để trồng rừng đối với đất chưa giao cho ai quản lý. Hai là, doanh nghiệp liên kết với dân để trồng rừng và cuối cùng là doanh nghiệp mua đất của dân để TRSX, trong đó tỉnh khuyến khích phương án một và hai.
Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư TRSX của tỉnh và thấy được lợi ích kinh tế mang lại từ TRSX, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến lĩnh vực này. Ðến nay tỉnh đã cấp phép cho Công ty điện và gỗ Bình Minh đầu tư trồng 4.700 ha tại huyện Pác Nặm và Công ty Hoàng Long trồng 400 ha tại huyện Chợ Mới. Công ty điện và gỗ Bình Minh đã chuẩn bị đầy đủ hiện trường, phát dọn thực bì, cây giống dự kiến trồng 500 ha trong niên vụ này. Thấy rõ lợi ích từ việc TRSX mang lại, các cấp chính quyền ở địa phương, các hộ dân tộc thiểu số sẵn sàng đón nhận và tích cực tham gia.
Ngoài hai dự án đã được cấp phép đầu tư nêu trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng có hai công ty nữa đã lập xong dự án thuê 15 nghìn ha đất lâm nghiệp để TRSX giai đoạn 2009 - 2015 đang chờ tỉnh phê duyệt. Hàng chục công ty đã được phép đi điều tra, khảo sát đất lâm nghiệp để lập dự án TRSX.
Nhận thức hiệu quả kinh tế của trồng rừng và được sự khuyến khích của tỉnh bốn năm trở lại đây, nông dân Bắc Cạn đã tự đầu tư trồng được khoảng 2.000 ha rừng sản xuất. Ðiều đó cho thấy, kết quả thu hút đầu tư từ trong và ngoài tỉnh đối với lĩnh vực TRSX ở Bắc Cạn thời gian gần đây diễn ra khá nhộn nhịp, hứa hẹn tiềm năng lớn về lâm nghiệp của tỉnh sẽ được khai thác hiệu quả hơn.
Một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Gỗ rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn hiện nay chủ yếu được bán cho các công ty ngoài tỉnh để băm dăm xuất khẩu nên chi phí vận chuyển cao, giá thành thấp, đầu ra không ổn định. Vì vậy bên cạnh việc thu hút đầu tư TRSX thì khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gỗ đang là vấn đề đặt ra để Bắc Cạn phát huy hơn nữa thế mạnh về lâm nghiệp. Thực hiện kế hoạch hợp tác đầu tư giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với tỉnh Bắc Cạn, sau nhiều lần xúc tiến, kêu gọi đầu tư, CTLN Bắc Cạn đã liên doanh Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Dự án này đang được các bên liên quan khẩn trương xúc tiến, nhưng đến nay việc góp vốn của CTLN Bắc Cạn vào liên doanh xây dựng nhà máy này chưa được tỉnh chấp thuận. Giám đốc CTLN Bắc Cạn Ma Phúc Thự cho biết: Việc các ngành chức năng của tỉnh chậm trễ trong việc cho phép CTLN Bắc Cạn góp vốn bằng tiền mặt vào liên doanh có thể làm cho hai đối tác từ chối hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ. Nếu điều đó xảy ra thì cơ hội để có một nhà máy như vậy sẽ bị bỏ lỡ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư TRSX trên địa bàn Bắc Cạn mong muốn chính quyền tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp và ban hành quy chế khuyến khích, thu hút đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp để các doanh nghiệp tích cực hơn trong việc đầu tư trồng rừng trên địa bàn. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này cũng cần phải nâng cao trình độ quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có đủ số lượng và có trình độ, có vốn vì hiện nay ngoại trừ CTLN Bắc Cạn nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm. Chất lượng giống cây trồng cũng phải được coi trọng nhằm nâng cao chất lượng của rừng sản xuất và qua đó góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho nhân dân địa phương.