Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phá rừng- nhìn từ Quảng Nam
28 | 04 | 2010
Theo thống kê đến năm 1993, mỗi năm nước ta mất 100.000 ha rừng. Còn từ năm 1993 đến nay: Mỗi năm, thêm hàng trăm vụ phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng ở các vườn quốc gia...đến nỗi gần như không có ngày nào trên mặt báo không có các vụ phá rừng được "vạch mặt chỉ tên". Đánh chữ “Phá rừng” vào Google, tôi tìm được 30.900.000 thông tin liên quan đến “vụ án phá rừng”, những vụ phá rừng càng ngày càng tăng về quy mô và mức độ.


Nếu như trước đây, mới chỉ có những vụ phá rừng nhỏ với mức độ vài ba trăm khối gỗ thì nay những vụ phá rừng có quy mô gấp cả chục lần, như vụ phá rừng vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), chỉ trong 10 ngày lâm tặc cấu kết với cán bộ lâm trường “xơi” trên 5 ngàn m3 gỗ. Rồi rừng VQG Ya Đôn bị phá tan nát, hàng ngàn m3 gỗ bị lâm tặc chặt hạ. Và gần đây nhất là rừng ở Khu BTTN Kim Hỷ và vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn)…

Những vụ phá rừng trên đều do lâm tặc tiến hành. Nhưng gần đây, ngoài lâm tặc, lại xuất hiện thêm một lực lượng phá rừng khác. Lâm tặc phá rừng, dẫu hung hăng đến đâu thì cũng chỉ dám phá lén lút, chở gỗ lén lút. Lực lượng mới này trái lại, phá rừng một cách công khai, đàng hoàng, phá khi có trong tay quyết định có dấu đỏ của cơ quan có thẩm quyền. Đó là chuyện của Cty Việt Hàn ở Quảng Nam. Cty này được UBND tỉnh Quảng Nam cho thuê trên 4 ngàn ha đất ở huyện Đông Giang để trồng cao su, hiện đã giao và ký hợp đồng 581 ha, trong đó có hàng chục ha rừng tự nhiên.

Và thế là chỉ trong mấy ngày của năm 2010 này, trên 30 ha rừng tự nhiên với tổng số gỗ hơn 5 ngàn m3 đã bị Cty Việt Hàn phá sạch. Cao su đâu chẳng thấy, nhưng trước mắt họ đã có được hàng trăm tỷ đồng thu từ gỗ. Trước đó năm 2009, Cty Cao su Nam Giang cũng ở Quảng Nam đã phá 43 ha rừng tự nhiên với tổng cộng trên 500 m3 gỗ. Rồi trước đó nữa, Cty Cao su Quảng Nam cũng phá 186 ha rừng ngoài diện tích được quy hoạch, trong đó có 96 ha rừng phòng hộ. Có thể nói, giao rừng tự nhiên, rừng phòng hộ cho các Cty tàn phá đã có “tiền lệ” ở tỉnh nghèo này.

Trở lại vụ Cty Việt Hàn phá rừng. Phá rừng sờ sờ ra mà ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang vẫn ra sức phân bua rằng Cty Việt Hàn chỉ…tác động vào rừng chứ không phá rừng, và rằng chỉ phạt hành chính thôi, chứ Cty Việt Hàn không sai, chỉ…sơ suất. Như năm 2009 tỉnh chỉ cho phạt Cty Nam Giang 50 triệu đồng (chỉ bị phạt có 50 triệu đồng để được hơn 500 khối gỗ, trị giá hàng chục tỷ đồng, thì trời ơi...).

Chả trách rừng ở Quảng Nam bị phá nhiều nhất nước, và chỉ đến khi bão lũ xảy ra như năm 2009 nước lũ cuốn theo cả ngàn m3 gỗ từ thượng nguồn về hạ lưu thì mọi người mới ớ ra là sao rừng xứ Quảng mất nhanh đến thế.



Theo NNVN
Báo cáo phân tích thị trường