Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN chế biến, XK gỗ: Nước đến chân - Nhảy đến đâu ?
30 | 03 | 2010
Từ ngày 1/4/2010, đạo Luật Lacey của Mỹ sẽ có hiệu lực, và EU cũng sẽ áp dụng Luật nông nghiệp và quản trị bền vững (FLEGT). Theo đó, khi XK gỗ vào Mỹ và EU, các nhà XK và bán lẻ phải chứng minh được nguồn gốc cũng như các nguyên phụ liệu đi kèm sản phẩm phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng, điều này đang gây không ít khó khăn cho các DN XK gỗ.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng TK Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN xung quanh những vướng mắc mà các đạo luật này tác động tới DN VN.


Ông Quyền cho biết, thực ra Luật Lacey có từ lâu và trước đây áp dụng cho nông nghiệp, nhưng năm nay bắt đầu áp dụng cho lâm nghiệp. Nội dung chính của Luật Lacey là: Gỗ, và tất cả các sản phẩm gỗ vào Mỹ phải chứng minh được nguồn gốc của gỗ, phải được trải qua chuỗi kiểm tra của một tổ chức quốc tế độc lập

Thứ hai là hoá chất sử dụng phải đảm bảo an toàn (lượng chì trong sơn không quá 1%); thứ ba là gỗ phải có keo để dán; thứ tư gỗ sử dụng kèm với vật liệu khác, ví dụ như vải có sử dụng hoá chất để nhuộm thì không được sử dụng kết hợp với gỗ để làm các sản phẩm. Đây là nhưng quy định bắt buộc chứ không có thương thảo.

Về Luật Flegt của EU, cơ bản cũng giống đạo Luật Lacey của Mỹ nhưng chỉ khác là DN XK có thể thương thảo được. Dự kiến năm 2011 bắt đầu thực thi, do vậy mà Hiệp hội cũng đang chuẩn bị công tác thoả thuận trước với thị trường EU. Hiện nay, Bộ NNPTNT đã thành lập nhóm công tác về Flegt có nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ, đào tạo kỹ năng cho DN về thu mua lâm sản có nguồn gốc bền vững, không gây tác động xấu đến môi trường, tư vấn thủ tục xin cấp chứng chỉ FSC, hệ thống giám sát... Tôi xin nhấn mạnh rằng, không phải mình tự đứng ra cấp giấy chứng nhận xuất xứ được, mà mình thoả thuận với Mỹ và quốc tế để một tổ chức độc lập, tức là bên thứ ba đứng ra chứng nhận.


- Như vậy có thể thấy việc kinh doanh XK gỗ, đặc biệt là vào thị trường Mỹ và EU ngày một khó khăn và đòi hỏi DN XK phải chuyên nghiệp hơn. Các DN VN đã chuẩn bị đón nhận đạo luật này ra sao, thưa ông ?


Thực ra, thông tin này không phải là quá mới mẻ với DN, tuy nhiên do vẫn quen cách kinh doanh cũ nên nhiều DN còn khá lúng túng trong việc thực hiện luật này. Tôi nghĩ rằng, các cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ các DN gỗ thực hiện nghiêm túc luật nếu muốn XK sang thị trường Hoa Kỳ, EU. Chẳng hạn biên dịch các tài liệu, hướng dẫn các DN cụ thể phương hướng, cách thức... để DN có thể quen dần với những quy định mới.

Tuy nhiên, cũng có một điều may mắn nữa với các DN XK gỗ là cùng với các DN VN và các cơ quan hữu quan của VN, các nhà nhập khẩu gỗ của EU cũng có nhiều động thái nhằm hỗ trợ các DN VN chuẩn bị thực thi, hướng dẫn DN rất tỉ mỉ từng công đoạn trong việc thực hiện đạo luật mới.


- Thưa ông, một trong những điều khoản quan trọng nhất của hai đạo luật của Mỹ và EU đều là DN phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của gỗ. Xin ông cho biết các DN VN sẽ gặp khó khăn gì trong việc thu mua gỗ nguyên liệu ?
 

Ông Nguyễn Tôn Quyền: Hiện nay phần lớn gỗ nguyên liệu các DN đều phải nhập khẩu, cái khó là DN phải tìm được nguồn gỗ hợp pháp. Chính vì là gỗ hợp pháp nên đôi khi giá thành bị "đội" lên, thời gian cũng phải lâu hơn. Một điều khó nữa cho DN là đôi khi chất lượng gỗ hợp pháp lại không phù hợp với thị trường yêu cầu. Tuy nhiên, cũng may là thị trường gỗ trong nước cũng có những tín hiệu khả quan. Khoảng 2 năm trở lại đây các DN sử dụng gỗ trong nước và khá thành công với các sản phẩm gỗ. Chúng tôi đã sử dụng hàng triệu m3 gỗ trong nước để sản xuất. Điều chúng tôi mong muốn hiện nay là có nguồn gỗ trong nước để sản xuất sẽ giảm được chi phí cho các DN.

- Trước tình trạng việc NK gỗ cũng như chứng minh nguồn gốc gỗ gặp khó khăn do hai đạo luật của Mỹ và EU, Hiệp hội đã có những giải pháp nào để hỗ trợ các DN ?

Ông Nguyễn Tôn Quyền: Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị công tác xúc tiến thành lập trung tâm giao dịch gỗ tại ba miền: Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên điều này nếu chỉ mình hiệp hội thì khó mà làm được, Nhà nước cần ra tay hỗ trợ chúng tôi làm việc này !

Nếu trung tâm này đi vào hoạt động sẽ có nhiều lợi ích cho DN, cụ thể giá thành giảm khoảng 10%, tiết kiệm được thời gian sản xuất và đặc biệt nguồn gốc, xuất xứ gỗ rất rõ ràng. Hiện nay chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, chỉ riêng về quỹ đất, mỗi trung tâm cũng phải khoảng 20 ha, vốn ban đầu hàng chục triệu USD, phải có chuyên gia giỏi... tất cả những điều này đều quá sức với hiệp hội. Hiện nay trong Nam đã có 10 DN đứng ra tự góp vốn để xây dựng trung tâm, hiện về đất cũng đã có 1 DN đứng ra lo. Tuy nhiên, sức của 10 DN này cũng chưa đủ để xây dựng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Nhiều người e ngại về tính khả thi của trung tâm giao dịch, nghĩa là nếu có thành lập thì việc giao dịch sẽ không nhiều. Ông nghĩ sao về điều này ?

Ông Nguyễn Tôn Quyền: Theo tôi được biết thì các DN rất hoan nghênh việc thành lập trung tâm giao dịch gỗ, đặc biệt khi các đạo luật của Mỹ và EU đi vào thực thi. Nếu thành lập được, ít nhất DN sẽ có ba điều lợi: Thứ nhất giảm chi phí cho nhân viên đi nước ngoài giao dịch; Thứ hai giảm chi phí trong kho, thiết bị, vận chuyển bốc xếp; Thứ ba giảm hư hỏng vật liệu. Tóm lại là DN sẽ giảm được rất nhiều chi phi và thời gian mà lẽ ra họ có thể dùng chi phí đó để đầu tư vào nghiên cứu mẫu mã sản phẩm và thị trường. Sở dĩ trung tâm giao dịch gỗ đã manh nha từ 3 năm nay nhưng vẫn chưa đâu vào đâu còn có một nguyên nhân nữa là tính liên kết của các DN vẫn còn yếu. Nhiều DN không muốn qua trung tâm mà muốn tự đi tìm nguồn gỗ bởi hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều DN mua gỗ về không dùng hết để sản xuất ra sản phẩm mà để bán lại gỗ kiếm lời, kinh doanh nguyên liệu.

- Một trong những điểm yếu của các DN XK gỗ hiện nay như ông nói là tính liên kết còn kém, bên cạnh đó sức cạnh tranh của sản phẩm vẫn còn chưa cao. Vậy, theo ông các DN nên làm gì trong bối cảnh này ?


Ông Nguyễn Tôn Quyền: Theo tôi, các DN gỗ muốn cạnh tranh được cần hội đủ các yếu tố: Thứ nhất phải sử dụng gỗ hợp pháp; Thứ hai phải đàm phán để nhận được đơn hàng lớn, ví dụ chúng tôi vừa nhận được một đơn hàng 10 triệu chiếc ghế từ thị trường Mỹ trong 1 năm, nếu muốn làm thì bắt buộc các DN phải liên kết, để làm được 1 triệu chiếc ghế phải có 20 DN kết hợp thì mới hoàn thành được đúng thời hạn.

Thứ ba cần phải nghiên cứu tốt thị hiếu người tiêu dùng, ví dụ vài năm trước thị trường EU rất chuộng loại ghế ngoài trời, nhưng nay thì họ chỉ chuộng bàn ghế cao cấp trong nhà. Tôi đánh giá cao tinh thần kinh doanh của các DN VN, họ rất nhạy bén  và sáng tạo. Tôi biết có những DN chỉ trong 3 tháng đã xây dựng xong 2 xưởng làm bàn ghế nội thất. Phải thừa nhận rằng họ rất nhanh nhạy, dám đầu tư lớn. Nếu biết hóa giải điểm yếu liên kết thì các DN gỗ sẽ thành công trên thị trường quốc tế.

- Xin cảm ơn ông !



Theo InfoTV
Báo cáo phân tích thị trường