Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Triển khai kế hoạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực
19 | 02 | 2008
Triển khai kế hoạch xuất khẩu (XK) năm 2008 đạt giá trị 58,6 tỷ USD, vượt 22,1% so năm 2007, Bộ Công thương cùng các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (DN) lớn căn cứ dự báo giá cả thế giới và năng lực sản xuất trong nước xây dựng kế hoạch xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực. Theo đó, có 13 mặt hàng và nhóm hàng có kim ngạch từ một tỷ USD trở lên, tăng ba mặt hàng so năm 2007.

Với nhóm hàng khoáng sản, gồm dầu thô và than đá, năm 2008 nước ta sẽ XK khoảng 15 triệu tấn dầu thô, đạt giá trị chín tỷ USD với giá trung bình 600 USD/tấn, giảm 1,3% về lượng nhưng tăng 7,1% về trị giá so năm 2007. Do số lượng khai thác hằng năm tương đối ổn định, việc tăng lượng XK không đơn giản, tăng giá trị XK phụ thuộc vào giá, cho nên công tác phân tích tình hình và dự báo để xác định thời điểm bán có lợi nhất là rất quan trọng. Về than đá, năm 2008 XK khoảng 20 triệu tấn với kim ngạch 700 triệu USD, giảm 37,5% về lượng và 29,3% về giá trị so năm 2007. Trong vài năm qua, giá than XK có xu hướng giảm trong khi giá nguyên liệu thế giới vẫn tăng. Cần xem xét việc tăng giá XK thay vì tăng lượng theo hướng giữ nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Về gạo, năm 2008 sẽ XK 4,5 triệu tấn các loại, đạt 1,5 tỷ USD, tăng 1,4% về giá trị so năm 2007. Cùng với việc nâng thêm lượng gạo đặc sản và chất lượng gạo XK, cần sớm có cơ chế điều hành XK phù hợp. Tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân và cư dân các nước chung đường biên giới với nước ta hợp tác sản xuất, tiêu thụ gạo. Ngân hàng Nhà nước cần có kế hoạch cung ứng đủ vốn cho DN mua và dự trữ gạo nhằm tiêu thụ hết lúa hàng hóa có lợi cho người sản xuất và giúp DN dự trữ, chủ động XK vào thời điểm có lợi. Do hơn 50% lượng lúa hàng hóa sản xuất vào vụ đông xuân, cho nên cần có hợp đồng lớn, tập trung để tiêu thụ kịp thời cho nông dân.

Năm 2008, dự kiến XK cà-phê khoảng 1,1 triệu tấn, đạt 1,8 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng và 1,3% về giá trị. Hiện nay, việc sơ chế cà-phê chưa theo kịp sự phát triển sản xuất cà-phê. Hơn 80% số cà-phê được sản xuất từ các hộ nông dân nhỏ lẻ, chế biến thủ công, thiếu điều kiện sơ chế tối thiểu. DN kinh doanh cà-phê và đại lý cũng thiếu kho và thiết bị sơ chế, tổn thất sau thu hoạch cao. Ngành cà-phê đang tiến hành nhiều biện pháp tăng chất lượng, chủng loại và gia tăng giá trị, xây dựng thương hiệu. Tăng cường đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến, đẩy mạnh XK cà-phê theo tiêu chuẩn TCVN 4193-2001 và xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn cao hơn là TCVN 4193-2005.

Mặt hàng cao-su, năm 2008 sẽ XK khoảng 700 nghìn tấn, đạt 1,45 tỷ USD, tăng 4% về lượng và 2,5% trị giá. Hiện nay, cao-su XK chủ yếu dạng nguyên liệu thô mới qua sơ chế, giá thấp và phụ thuộc nhiều vào thị trường phía bắc. Cần đầu tư nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm nguyên liệu thích ứng với các thị trường khác. Tăng cường thu hút đầu tư vốn, công nghệ, giảm thuế nhập khẩu (NK) hóa chất, phụ liệu để sản xuất hoàn chỉnh trong nước sản phẩm chế biến từ cao-su thêm giá trị gia tăng.

Năm 2008 XK 160 nghìn tấn hạt điều, đạt 680 triệu USD, tăng 3,25 về lượng và 6,3% về trị giá. Ngành điều phát triển nhanh nhưng không ổn định. Nguyên liệu cho chế biến thiếu, việc mua gom trong nước phức tạp. Nguyên liệu NK chất lượng không cao. Việt Nam đứng đầu thế giới về XK hạt điều nhưng khả năng cạnh tranh kém Ấn Ðộ do năng suất chế biến thấp, chi phí sản xuất cao, thiếu lao động. Ðể có đủ nguyên liệu cho chế biến, cần mở rộng diện tích trồng từ 350 nghìn ha hiện nay lên 450 nghìn ha vào năm 2010 cùng với tăng năng suất, sản lượng. Tăng diện tích điều cao sản, chất lượng cao từ 30% hiện nay lên 50% vào năm 2010. DN chế biến cần đầu tư thiết bị mới tự động hóa dây chuyền, giảm tỷ lệ lao động phổ thông. Ðồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục NK hạt điều, kiểm soát vệ sinh thực phẩm.

Năm 2008, kim ngạch XK thủy sản ước đạt 4,25 tỷ USD trong năm 2008, tăng 13,3% so năm 2007. Các thị trường chính vẫn là EU (28%), Mỹ (20%), Nhật Bản (18%), Hàn Quốc và các nước ASEAN mỗi nơi 7%... Danh mục sản phẩm XK và hàm lượng chế biến thủy, hải sản của các DN nước ta không ngừng gia tăng, từ chủ yếu XK sản phẩm đông lạnh, đến nay đã có nhiều sản phẩm ăn sẵn. Bộ Công thương đánh giá tiềm năng đẩy mạnh XK thủy, hải sản chế biến sâu còn rất lớn, đặc biệt sản phẩm sạch, có thể kiểm soát chất lượng từ khâu nuôi trồng, chế biến và đưa đến bàn ăn. Khó khăn chủ yếu hiện nay là các nước NK kiểm dịch chặt chẽ, thường xuyên đặt ra hàng rào kỹ thuật mới, ban hành tiêu chuẩn mới. Vì vậy, cơ quan quản lý Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với DN tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh, chất lượng ở tất cả các khâu để giữ uy tín cho hàng thủy, hải sản nước ta cũng như đáp ứng tốt yêu cầu thị trường NK. Về thị trường trọng điểm, phấn đấu năm 2008 chiếm 7,15% thị trường NK Hoa Kỳ (so với 6,2% năm 2007); 3,5% tại EU (so với 2,8%); 6,2% tại Nhật Bản (so với 5,4%). Tiếp tục mở rộng thị trường ASEAN, Trung Quốc và các nước Ðông Âu cũ.

Với hàng dệt-may, dự kiến năm 2008 đạt kim ngạch 9,5 tỷ USD, tăng 23,4% so năm 2007, giải quyết việc làm cho ba triệu lao động. Ðể đạt được mục tiêu trên phải vượt qua một số trở ngại ở ba thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Tại Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, chiếm 55% tổng kim ngạch XK, cơ chế giám sát vẫn được áp dụng đến hết năm 2008 và là rào cản bước phát triển vượt bậc của ngành. Tại thị trường EU, năm nay EU bãi bỏ hạn ngạch dệt may cho Trung Quốc. Việt Nam và nhiều nước khác sẽ phải cạnh tranh gay gắt với ngành dệt-may Trung Quốc vốn có sức cạnh tranh cao, chủ động được nguyên, phụ liệu và có khả năng đáp ứng nhiều loại phẩm cấp hàng hóa. Tại thị trường Nhật Bản, hàng Việt Nam đang bị đánh thuế khoảng 10%, trong khi sáu nước ASEAN khác được hưởng thuế quan 0% do đã đạt được thỏa thuận song phương về tiêu chí xuất xứ với Nhật Bản. Ngay cả khi Việt Nam đạt được thỏa thuận tương tự trong năm nay và hàng Việt Nam được hưởng mức thuế 0% thì DN nước ta phải sử dụng nguyên, phụ liệu nội địa, hoặc NK từ Nhật Bản hay ASEAN. Ðây là khó khăn lớn vì hiện nay DN Việt Nam đang NK hơn 70% nguyên, phụ liệu từ ngoài ASEAN.

Sản phẩm gỗ là mặt hàng khẳng định được vị thế trong cơ cấu hàng XK của nước ta với kim ngạch năm 2007 đạt 2,34 tỷ USD, tăng 21,1% so năm 2006 và dự kiến năm nay đạt 3 tỷ USD, tăng 28,2% so năm 2007. Tuy vậy, việc tăng trưởng XK đồ gỗ hiện nay thiếu bền vững, phụ thuộc quá lớn vào gỗ nguyên liệu NK, giá trị gia tăng chưa cao. Bộ Công thương đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững ngành gỗ thời gian tới. Ðó là, tăng cường đầu tư tạo năng lực mới cho sản xuất chế biến đồ gỗ XK, hiện đại hóa ngành công nghiệp chế biến gỗ với quy mô lớn tại các vùng nguyên liệu, phát triển làng nghề truyền thống. Ðặc biệt các DN trong ngành cần liên kết chặt chẽ để hình thành chuỗi giá trị, tiến tới mỗi DN chuyên môn hóa một khâu để hoàn chỉnh sản phẩm. Tổ chức tốt NK gỗ nguyên liệu cùng với tăng cường trồng rừng, giảm dần phụ thuộc vào nguồn NK. Tăng cơ cấu hàng XK cao cấp để có lợi nhuận cao và phát triển đồ gỗ mỹ nghệ XK, tận dụng năng lực các làng nghề truyền thống; chú trọng khâu thiết kế, tạo dáng sản phẩm.

Hàng thủ công mỹ nghệ dự kiến năm 2008 XK đạt kim ngạch một tỷ USD, tăng 35,1% so năm 2007. Mấy năm qua, giá trị XK mặt hàng này không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm và giá trị gia tăng cao. Nhược điểm là sản xuất phân tán khó đáp ứng đơn hàng lớn; mẫu mã chậm thay đổi.

Các sản phẩm cơ khí có khả năng gia tăng XK rất lớn do xu hướng đầu tư mạnh mẽ của cả DN trong nước và nước ngoài. Dự kiến năm 2008 đạt kim ngạch ba tỷ USD, tăng 36,4% so năm 2007. Tuy nhiên, các DN sản xuất cơ khí, kể cả DN có uy tín trong XK như xe đạp, tàu thủy, máy công cụ, kết cấu thép... đều găp khó khăn về vốn; thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

 



Nguồn: nhandan
Báo cáo phân tích thị trường