Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng trưởng xuất khẩu trên nền tảng phát triển ngành hàng và thị trường
12 | 09 | 2007
Trong 8 tháng qua xuất khẩu hàng hoá đã gặt hái được nhiều thành quả trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ với mức tăng trưởng khá, nhất là ở những mặt hàng chủ lực.
Tuy nhiên ngành thương mại vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết để có thể thực hiện mục tiêu tăng tốc xuất khẩu và đặc biệt là đảm bảo thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế .

Xuất khẩu hàng hoá trong tháng 8 vẫn tiếp tục tăng trưởng với kim ngạch đạt 4,4 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 7, đưa tổng kim ngạch trong 8 tháng của cả nước lên tới gần 31,5 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 8 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã vượt “mốc 1 tỷ USD”, dầu thô đã dẫn đầu về kim ngạch với 5,091 tỷ USD nhưng lại giảm 10% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các mặt hàng chủ lực khác như dệt may, cà phê, thuỷ sản, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ cũng đang tăng tốc để về đích.

Đặc biệt, trong tháng 8 mặt hàng gạo đã vươn lên và vượt mức xuất khẩu 1 tỷ USD. Đây là sự nỗ lực lớn của một ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực sau một thời gian dài bị sụt giảm.

Với tốc độ tăng trưởng này, các chuyên gia thương mại dự báo mục tiêu xuất khẩu 47,5 tỷ USD trong năm 2007 hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên tính bền vững trong tăng trưởng kim ngạch xuấtk hẩu của nhóm các mặt hàng xuất khẩu này cũng như nhân tố tạo ra sự đột biến vẫn còn mong manh và chưa lộ diện.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm 2007, các chuyên gia thương mại cho rằng phải củng cố lại vị thế các mặt hàng chủ lực trên các thị trường trọng yếu. Tiếp đó là phát triển các mặt hàng có khả năng cạnh tranh, đầu tư  phát triển các mặt hàng mới còn cơ hội tăng sản lượng và thị phần; thúc đẩy hỗ trợ xúc tiến thương mại, chú trọng phát triển các thị trường chính, mở rộng tìm kiếm, khai thác thị trường mới.

Hoàn thiện cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu cũng là một vấn đề bức thiết bởi vì hiện nay, công tác xúc tiến thương mại vẫn đang còn yếu, chưa theo kịp quy mô, cơ cấu giá trị xuất khẩu. Công tác xúc tiến thương mại mới  dừng ở khảo sát thị trường, tổ chức triển lãm, thu thập thông tin, xuất bản ấn phẩm…; nhiều nội dung quan trọng còn bỏ trống như các vấn đề về tư vấn xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, đào tạo nhân lực, tổng hợp hỗ trợ thông tin…

Việc xử lý các hàng rào kỹ thuật và kiện chống bán phá giá được các chuyên gia dự báo sẽ tăng mạnh. Vì thế, vấn đề cơ bản đặt ra cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trước mắt và lâu dài khi triển khai thực hiện cam kết của WTO là phải đảm bảo thực hiện tốt các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đối với hàng hoá xuất khẩu do các nước thành viên qui định. Ngay khi gia nhập WTO, nhiều thành viên đã đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ ngay Hiệp định WTO như Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS). Do vậy, điều này sẽ đặt ra những gánh nặng về tài chính và kỹ thuật cho doanh nghiệp. Và để đáp ứng yêu cầu này, rất cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành và các doanh nghiệp trong việc đưa ra các biện pháp xử lý đồng bộ và có hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho doanh nghiệp.

Kiềm chế nhập siêu và điều hành nhập khẩu cũng được coi là một nhiệm vụ lớn của ngành thương mại trong năm 2007 với trọng tâm tập trung xử lý các vấn đề gắn liền với việc thực hiện các cam kết giảm thuế trong WTO.  Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trước mắt Bộ Công Thương sẽ tập trung xem xét kỹ và tổ chức thực hiện các biện pháp điều hành nhập khẩu hợp lý đối với các mặt hàng có mức thuế suất giảm nhanh, giảm mạnh và giảm sớm. Đồng thời, tập trung chuẩn bị tốt việc xây dựng và áp dụng các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như giảm bớt khả năng gia tăng nhập siêu do nhập khẩu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh và tác động từ việc giảm thuế nhập khẩu.

Mặt khác, một nhiệm vụ được coi là mới nhưng có tầm quan trọng của ngành thương mại trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập toàn diện vào nền kinh tế quốc tế là trực tiếp tham gia đàm phán hội nhập trên qui mô khu vực và quốc tế.



Theo: Bao Thuong Mai
Báo cáo phân tích thị trường