Chưa bao giờ đồng USD lại mất giá thảm hại như thời gian hiện nay, ngay từ phiên giao dịch đầu năm 2008, đồng USD đã giảm giá mạnh so với đồng Euro và đồng yên do tâm lý lo ngại về khả năng suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới bao trùm khắp thị trường.
Đồng USD đã giảm từ mức 1 USD đổi được 111,75 JPY hồi đầu tháng 1/2008 xuống còn 106,75 JPY vào cuối tháng. USD cũng giảm từ mức 1,4618 Euro/ USD xuống còn 1,4770 Euro/ USD. USD giảm mạnh giá sau khi Mỹ công bố những số liệu yếu kém của nền kinh tế trong tháng 12/07. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ theo cuộc thăm dò riêng các hộ gia đình đã tăng lên 5% trong tháng 12/07- mức cao nhất kể từ tháng 11/05 và cao hơn dự đoán 4,8% của các nhà phân tích. Còn Bộ lao động Mỹ thông báo trong tháng 12/07 Mỹ chỉ tạo thêm được 18.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với dự đoán 70.000 của các nhà phân tích trước đó. Ngoài ra, Citigroup thiệt hại nặng nề do khủng hoảng trong lĩnh vực cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn ở Mỹ, động thái làm tăng khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ( FED) sẽ tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn
Tình hình mỗi lúc một xấu đi của nền kinh tế, sự sụt giảm liên tục của thị trường chứng khoán trong nước kể từ đầu năm và hiệu ứng khiến chứng khoán toàn cầu rúng động trong hai phiên giao dịch trở lại đây đã khiến FED phải hành động sớm hơn dự kiến. Sáng ngày 22/1 theo giờ Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) đã ra tay “cứu hộ” khẩn cấp cho nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong cơn nguy kịch bằng cách cắt giảm lãi suất đồng USD 0,75% từ mức 4,25% xuống còn 3,5%. Như vậy, tính từ tháng 9 năm ngoái đến nay, cùng với đà đi xuống của “sức khỏe” đầu tàu kinh tế thế giới, FED đã liên tục 4 lần cắt giảm lãi suất “bạc xanh”, đưa lãi suất của đồng tiền này từ mức 5,25% xuống mức 3,5% hiện nay.
Trên các thị trường, USD có giá hơn sau tuyên bố về kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế Mỹ của Tổng thống G.Bush. Tuyên bố về kế hoạch này bao gồm cả việc khuyến khích thuế đối với hoạt động kinh doanh và hoàn thuế cá nhân có thể lên tới khoảng 1% GDP của Mỹ là động lực chính để giúp USD tăng giá trên các thị trường. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, tổng nguồn ngân sách cho kế hoạch này ước vào khoảng 150 tỷ USD. Tuy nhiên, dường như các chuyên gia đang tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của kế hoạch nêu ra do thị trường chứng khoán Phố Wall vẫn bị giảm giá. Các nhà phân tích cho rằng, rất khó cho các nhà kinh doanh trong thời điểm hiện nay khi mà cả các ngân hàng cũng đang thua lỗ và các nhà kinh doanh mất niềm tin vào hệ thống tài chính. Đây chính là nguyên nhân để USD chỉ được đẩy lên không đáng kể, nhất là khi nhiều dự đoán vẫn cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
USD cũng rớt giá thảm hại so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, ngày 29/1/2008 đồng Nhân dân tệ đã đạt 7,1975 / USD- mức cao chưa từng có kể từ khi Trung Quốc định giá lại đồng NDT hồi tháng 7/2005, tăng 1% so với đầu tháng 1/2008 và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước và đã tăng 12,82% kể từ tháng 7/2005.
Mặc dù Trung Quốc đã và đang thi hành nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt nền kinh tế nhưng vẫn chưa thu được kết quả như mong đợi. GDP của Trung Quốc năm 2007 ước tăng 11,3-11,5%, mức cao nhất 13 năm qua.
Dự báo năm 2008, tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục vượt quá 10%. Năm 2007, thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với EU ước đạt 170 tỷ USD, tăng gần 33% so với năm trước; với Mỹ ước vượt 235 tỷ USD năm 2006. Tháng 12/2007, Chính phủ Trung Quốc đã thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt, nhằm giảm đà tăng trưởng kinh tế quá cao và giảm thặng dư thương mại.
Năm 2007, lãi suất ở Trung Quốc đã 5 lần điều chỉnh tăng và sẽ tiếp tục tăng lên nhằm đối phó với lạm phát cao; tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng Trung Quốc ở mức cao nhất 20 năm qua và sẽ tiếp tục duy trì. Dự báo đồng Nhân dân tệ sẽ đạt 6,84 Nhân dân tệ/USD vào cuối 2008, tăng 6,3% so với hiện nay. Đồng NDT dự kiến sẽ tăng hơn 10% trong năm nay so với USD do Trung Quốc thắt chặt chính sách tiền tệ và cho phép đồng nội tệ tăng giá hơn nữa.