Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản xuất khẩu tự khẳng định mình trên trường thế giới
03 | 01 | 2008
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2007 tiếp tục là năm thành công trong xuất khẩu nông sản. Đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước đã đạt 11,5 tỷ USD, tăng 19,5% so cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch cả năm 5,6%.

Trong đó, kim ngạch nông sản ước đạt khoảng 5,7 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 24%, thủy sản ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 11,8% so cùng kỳ và đạt 95% kế hoạch, lâm sản ước đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 20% so cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch. Tính đến hết tháng 11/2007, các mặt hàng đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so cùng kỳ năm trước, nhiều mặt hàng tăng rất mạnh như cà phê tăng 1,7 lần, mặt hàng lạc, đường, dầu mỡ động thực vật tăng 2-3 lần. So kế hoạch năm, gạo, cà phê, điều và sản phẩm gỗ đã đạt và vượt kế hoạch năm cả về lượng và giá trị, một số mặt hàng khác khó đạt được mục tiêu kế hoạch là rau quả, cao su và lạc.

Đặc biệt, đến hết tháng 11/2007, xuất khẩu gạo đã hoàn thành chỉ tiêu với sản lượng xuất khẩu xấp xỉ năm trước (4,5 triệu tấn) nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng 18% (kim ngạch 1,45 tỷ USD). Cà phê Việt Nam vượt ngưỡng xuất khẩu 1 triệu tấn với tổng giá trị kim ngạch 1,63 tỷ USD (cao hơn mức dự kiến xuất khẩu của cả năm là 26%). Như vậy, cà phê là mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong tất cả các mặt hàng nông lâm thủy sản so với dự kiến kế hoạch năm 2007. Hiện đã có tới 5 mặt hàng là thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, gạo và cao su đạt giá trị xuất khẩu từ 1-3 tỷ USD.

Cùng với những ưu thế sẵn có của nông sản Việt Nam, việc gia nhập WTO tiếp tục tạo đà thuận lợi cho xuất khẩu nông sản. Các ngành hàng xuất khẩu trong năm đều mở rộng thêm nhiều bạn hàng mới. Ví dụ, nhiều năm trước, xuất khẩu cao su của Việt Nam chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc thì năm qua đã có sự chuyển dịch rõ rệt. Từ đầu năm đến nay sản lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc giảm chỉ còn khoảng 59%, trong khi xuất sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Đức lại tăng đáng kể. Đặc biệt, sản lượng cao su xuất sang thị trường Malaysia trong năm 2007 đã tăng 3 lần so với năm trước và đây được đánh giá là thị trường chiến lược của cao su Việt Nam trong tương lai. Với ngành chè, những nỗ lực cải thiện chất lượng chè Việt Nam sau khi gia nhập WTO còn mang lại kết quả rõ nét hơn. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, sau những nỗ lực của ngành chè trong việc đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến chè theo quy hoạch, đồng thời tổ chức lại ngành chè theo hướng từng bước hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ lệ các sản phẩm chè tinh chế, có chất lượng cao và đa dạng hóa sản phẩm, giá chè xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể với mức tăng khoảng 25%, tương ứng mức tăng 270-280 USD/tấn.

Theo dự báo, trong những năm tới, các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam đều có khả năng tăng kim ngạch nhập khẩu. Theo đó, đối với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ tăng từ 400-500 triệu USD/năm hiện nay lên 700-800 triệu USD/năm, gồm các mặt hàng chủ yếu là cao su, hạt điều, tinh bột sắn. Đối với thị trường Mỹ, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản của chúng ta mới chiếm khoảng 0,4-0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu nông, lâm sản của nước này. Đây thực sự là một con số khiêm tốn so với tiềm năng hiện có của ngành nông sản Việt Nam cũng như nhu cầu nhập khẩu của thị trường Mỹ. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang các nước thuộc khối ASEAN vẫn luôn phập phù, dao động từ 400-900 triệu USD/năm với mặt hàng chủ yếu là gạo. Dự báo, Hiệp định AFTA sẽ tạo cơ hội để Việt Nam xuất khẩu cà phê, vật tư, thiết bị phục vụ công nghiệp chế biến sang khu vực này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định, có thể thị trường nông sản có nhiều biến động nhưng các mặt hàng chính của nông sản nước ta như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, đồ gỗ sẽ vẫn có thuận lợi về thị trường. Vào WTO, Việt Nam có cơ hội tốt hơn cho các mặt hàng này. Tuy nhiên, vấn đề là phải nhanh chóng nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng, nhất là những mặt hàng nước ta còn yếu như rau quả, mía đường, chăn nuôi để giữ vững thị trường, việc làm và thu nhập cho nông dân trong nước.

Trên cơ sở nhận diện những thuận lợi và hạn chế sau một năm gia nhập WTO, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định tiếp tục xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường cũng đã và đang hướng nông dân sản xuất theo tiêu chí sản xuất những sản phẩm thị trường cần với giá thành hạ, năng suất tăng, chất lượng tăng và đặc biệt là bán được giá cao.



Theo ven.vn
Báo cáo phân tích thị trường