Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thương hiệu- Áo rộng mặc sao cho vừa
04 | 08 | 2009
Thương hiệu vẫn đang là câu chuyện và đề tài nóng của nhiều cấp, nhiều ngành, doanh nghiệp và chính từ phía người nông dân trong thời hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, nhất là khi chúng ta đã gia nhập tổ chức WTO được hơn hai năm . Tuy nhiên cho đến nay, vấn đề xây dựng thương hiệu và khẳng định thương hiệu vẫn giống như một chiếc áo rộng mà doanh nghiệp và người nông dân đang loay hoay mặc sao cho vừa.
Bánh khúc cô Lan 69 Nguyễn Công Trứ

Hàng ngày trên đường đến cơ quan, ngày nào tôi cũng đi qua số 69 Nguyễn Công Trứ, nơi có hàng bánh khúc cô Lan khá nổi tiếng. Người qua, người lại chọn cho mình khi thì nắm bánh khúc với những hạt xôi nếp căng mọng, nóng bẩy bao quanh màu xanh nhân bánh đặc trưng; khi thì nắm xôi lạc, xôi đậu xanh hay miếng xôi rán phồng ăn kèm với chút muối lạc vừa thơm vừa bùi. Theo lời cô nhân viên bán hàng thì mỗi ngày cửa hàng bán tới vài trăm cân gạo xôi, bánh các loại chưa kể đi giao các nơi. Chất lượng bánh khúc, xôi các loại ở đây thì không phải bàn nhiều vì cứ nhìn vào lượng khách hàng ngày đến mua là đủ biết. Nhưng có một điều rất đặc biệt đó là có một tấm biển nhỏ trưng ngay ở bên cạnh, ghi số điện thoại của chủ cửa hàng và ghi rõ giờ bán hang từ 5h-23hđêm, mọi thắc mắc xin liên hệ theo số của cô Lan… Cách làm thương hiệu của cô chủ nhà hang xem ra khá hiệu quả vì có rất nhiều người đặt mua qua điện thoại khi nhà có công có việc, tiện lợi đôi đường và có lẽ vì thế mà hàng hôm nào cũng hết veo từ sáng sớm.

Cũng là hạt gạo, là nắm xôi, là nắm bánh, những sản vật tự nhiên có mặt khắp nơi trên mỗi góc phố, vỉa hè lòng đường của người Hà Nội nhưng không phải bất cứ bà bán xôi nào, cửa hàng nào cũng có cách thức đặc biệt như vậy.  Đó cũng là một cách để người mua nhớ đến mình mỗi khi them ăn nắm xôi buổi sáng mà hiệu xôi bánh này đã làm được.

“Đó là chuyện của mấy ông Nhà nước”…

Từ hiệu bánh khúc của cô Lan có thêm bánh khúc cô nọ, cô kia với cái mác 69 Nguyễn Công Trứ. Và cũng từ câu chuyện làm thương hiệu của cửa hàng mà nghĩ ra chuyện làm thương hiệu của những sản vật khác. Việt Nam là nước có nhiều thế mạnh về xuất khẩu hang nông sản như lúa gạo, cà phê, chè, điều… nhưng từ xưa đến nay chúng ta mới chỉ chú ý đến việc xuất khẩu theo số lượng mà chưa chú trọng đến chất lượng và các giá trị gia tăng từ hang nông sản mà thương hiệu nông sản cũng là một trong những yếu tố quyết định giá cả thấp hay cao. 

Có một thương nhân khu vực Tây nguyên sản xuất được loại và phê chồn, vốn chỉ là dòng sản phẩm đặc trưng của một số quốc gia. Nhưng số lượng mà thương nhân này sản xuất ra mới chỉ là con số nhỏ và đang tìm đầu ra cho sản phẩm của mình dù giá bán tương đối hời. Lý do rất đơn giản là thị trường thế giới chưa từng biết đến tên Việt Nam trên bản đồ cung cấp cà phê chồn.

Gần đây nhất là câu chuyện 5 loại trái cây của Việt Nam như vải, thanh long, dưa hấu, chuối tiêu … phải ghi rõ xuất xứ, nhãn mác đầy đủ khi tiến quân vào thị trường Trung Quốc. Việc này tưởng dễ mà lại hoá khó mặc dù đã có sự hướng dẫn từ các cấp ngành, địa phương. Nhưng với thói quen đến mùa là thu hoạch, bán cho thương lái còn việc hàng hoá của mình đi đâu, đến ty ai đó là ngoài tầm kiểm soát. Rất hiếm người trồng tận gốc, bán tận ngọn tự tay mang sản phẩm của mình đi tiêu thụ. Vì vậy khi áp dụng việc ghi rõ xuất xứ nhãn mác sản phẩm của mình thì người đã có biết bao người trở nên bối rối. Vẫn là quả vải, quả chuối vườn nhà mình giờ phải cho nó một cái tên dù không phải là việc khó nhưng cũng lắm nhiêu khê. Và việc đó có hình thành trong suy nghĩ của người nông dân sản xuất là cho sản phẩm mình làm ra có một cái tên tức là làm thương hiệu cho sản phẩm thì chắc chắn rằng vẫn còn rất nhiều người không hiểu, vẫn chỉ cho rằng đó là chuyện của mấy ông Nhà nước, họ yêu cầu sao thì làm vậy, yêu cầu thế  nào thì mình thực hiện thế. Nhưng thực sự đây không phải là chuyện của mấy ông Nhà nước như đa phần người nông dân vẫn nghĩ...

Thay cho lời kết

Trong thời hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, vấn đề xây dựng và bảo tồn thương hiệu không chỉ là vấn đề của cấp vĩ mô mà đã trở thành vấn đề sống còn của chính các doanh nghiệp và người sản xuất. Có vẻ như suy nghĩ cứ bằng chất lượng sản phẩm mà tiến lên, vươn ra thế giới đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nếu một doanh nghiệp có thể chi hang trăm triệu để PR sản phẩm, giới thiệu, quảng cáo trên các phương tịên truyền thông đại chúng cho sản phẩm thì người nông dân, người sản xuất phải bỏ ra bao nhiêu tiền để làm thương hiệu cho sản phẩm của mình. Cách đơn giản nhất là hãy bắt đầu từ cái chưa có đó chính là đặt một cái tên cụ thể cho sản phẩm của mình. Có thế ngay hôm nay chúng ta đang có bưởi Năm Roi, vải Thanh Hà, nhưng ngày mai chúng ta có bưởi Năm Roi nhà ông A, vải Thanh Hà nhà bà B. Và để làm được điều đó phải bắt đầu bằng chính những thay đổi trong nhận thức.

Thương hiệu là tên gọi của sản phẩm, chỉ cần nhìn vào thương hiệu người ta có thể biết chất lượng sản phẩm như thế nào, có phù hợp với mình không. Điều đó phải được khẳng định qua thời gian và qua những chính sự nỗ lực của doanh nghiệp, người sản xuất. Đó là tài sản vô hình nhưng lại có giá trị kinh tế rất lớn, nhiều khi ngang bằng và lớn hơn thực tế giá trị sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất ra. Làm thương hiệu sản phẩm cũng giống như việc may một chiếc áo và phải biết lựa để áo rộng mặc sao cho vừa.


AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường