Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bạc Liêu: Kinh tế tập thể yếu kém, liên kết 4 nhà chưa thông
04 | 08 | 2009
Để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm thông suốt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/TTg từ mấy năm nay nhưng tại tỉnh Bạc Liêu, việc thực hiện Quyết định này còn nhiều bất cập. Mối liên kết giữa 4 nhà lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm, nhất trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm nông - thủy hải sản người sản xuất ’’tự bơi’’ là chính. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trong đó hoạt động yếu kém của kinh tế tập thể được coi là nguyên nhân có tính chi phối.

Bạc Liêu hiện có 97 hợp tác xã (HTX), 90% số này thuộc lĩnh vực trồng lúa, làm dịch vụ nông nghiệp, có 4 HTX nuôi nhuyễn thể ven biển và 396 tổ hợp tác( THT) nhưng hoạt động trì trệ với 65 - 70% thuộc diện yếu kém, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng. Tình trạng trên được xác định là do: vốn điều lệ thấp, không có tài sản thế chấp nên không vay được vốn Ngân hàng để tổ chức sản xuất kinh doanh trên qui mô lớn; trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho sản xuất thiếu thốn; đội ngũ cán bộ quản lý vừa thiếu vừa yếu. Các HTX, THT được thành lập và hoạt động đã nhiều năm nhưng chưa có sự đóng góp nào đáng kể cho tăng trưởng GDP của địa phương. Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu hiện còn hàng chục ngàn hộ trồng lúa, nuôi tôm, đánh bắt hải sản trên biển hoạt động đơn lẻ, rất cần được trợ giúp về vốn, phương hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Biện pháp tốt nhất là tổ chức họ vào hoạt động trong một mô hình kinh tế tập thể mới phù hợp. Tuy nhiên, ngoài Liên minh HTX ''loay quay'' lo cho kinh tế hợp tác, hiện không có cơ quan quản lý nào thật sự quan tâm đến việc tổ chức lại sản xuất trong trồng lúa, nuôi tôm, đánh bắt hải sản.

Người trồng lúa tự bơi trong việc tìm việc tìm giống lúa mới chất lượng cao để đưa vào sản xuất; tự gieo cấy, chăm sóc bảo quản lúa theo tập quán và kinh nghiệm tích lũy được qua hàng chục năm làm ruộng. Chỉ khi nào mùa vụ có vấn đề về sâu rầy ''đại trà'' phá hại lúa, cơ quan bảo vệ thực vật mới vào cuộc hỗ trợ. Có nhiều lớp khuyến nông, khuyến ngư được tổ chức ''dạy'' cho nông dân cách trồng lúa, nuôi tôm nhưng lại mang tính ''bác học'' nhiều hơn là các vấn đề cụ thể, cần thiết như làm thế nào phòng trị sâu rầy hiệu quả, tổ chức mùa vụ gieo cấy, chọn giống nào để đạt hiệu quả cao. Mong muốn lớn nhất của người nuôi tôm là có con giống tốt, được sản xuất tại chỗ, không phải chịu cảnh ''đánh đố'' khi mua con tôm trôi nổi trên thị trường để khi thu hoạch không lo cảnh ''được mùa, mất giá''. Với người đi biển, xăng dầu tăng giá trong khi giá bán sản phẩm luôn bấp bênh, do thiếu vốn phải ứng trước từ chủ vựa, phải bán sản phẩm non ngay trước khi xuất bến ra khơi, hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái trong định giá bán sản phẩm... Toàn những vấn đề cụ thể, sát sườn với người sản xuất; các cơ quan quản lý, nhà kinh doanh đều biết nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Bà Nguyễn Kim Lý chủ 4 phương tiện đánh bắt hải sản ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải cho biết: Với giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, nếu các chủ phương tiện không liên kết lại để đi biển thì thua lỗ cầm chắc. Chờ hoài không thấy cơ quan nào giúp chúng tôi tổ chức liên kết làm ăn tập thể, phải tự cứu bằng cách cho 2 phương tiện nằm bờ làm nhiệm vụ hậu cần cung ứng nhiên liệu, thực phẩm, nước uống và vận chuyển tôm cá về nhà để bán. Ông Nguyễn Văn Phước ở cùng ở thị trấn Gành Hà, có 6 phương tiện khai thác xa bờ cũng chỉ có 4 chiếc ra khơi, để lại 2 chiếc tàu làm nhiệm vụ hậu cần. Tính riêng khoản chi phí tiết kiệm cho 1 chiếc tàu ra vào bến sau mỗi chuyến biển là hàng triệu đồng và còn kéo dài được thời gian đi biển. Tuy nhiên, có đến 70% người đi biển ở Bạc Liêu chỉ có một phương tiện khai thác hải sản thì làm sao thực hiện được mô hình tàu hậu cần nghề cá. Trong khi đó, cơ quan quản lý và từng địa phương có nghề cá còn ''bận'' chờ xin ý kiến chỉ đạo. Đây là nguyên nhân chính làm cho các chỉ tiêu về khai thác, đánh bắt chế biến thủy sản của tỉnh Bạc Liêu đã qua 7 tháng mà chưa vượt ngưỡng 50% kế hoạch năm.

Còn đối với các công ty, xí nghiệp kinh doanh chế biến hàng thủy sản xuất khẩu cũng kêu khó và đều muốn có thị trường nguyên liệu ổn định để còn có kế hoạch dài hạn tổ chức sản xuất kinh doanh. Nhà kinh doanh cũng ''muốn lắm'' được đầu tư cho một tổ chức hợp tác nào đó của người trồng lúa-nuôi tôm và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định có lợi nhất cho người sản xuất để có ''hậu phương nguyên liệu ''ổn định. Hiện nay, các doanh nghiệp lúc phải ăn đong, tìm mua nguyên liệu khó khăn khi thị trường có biến động, lúc lại thừa mứa cũng không dám mua vào vì không có chỗ chứa, thiếu kho dự trữ. Người sản xuất cá thể thì chỉ biết lợi nhuận trước mắt nên sẵn sàng xé rào, bỏ hợp đồng khi con tôm tăng giá; về mặt quản lý, nhà kinh doanh không thể đầu tư, ký hợp đồng nhỏ lẻ với hàng chục vạn nông hộ trồng lúa- nuôi tôm.

Để đầu tư cho kinh tế tập thể cần có mô hình thật sự, làm rõ trách nhiệm ràng buộc pháp nhân trong hợp đồng, tổ chức nào đứng ra làm ''trọng tài'' khi có tranh chấp nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng... Những vấn đề cụ thể này đang cần các nhà quản lý sớm có lời giải giúp nhà sản xuất an tâm, người kinh doanh an lòng, kinh tế địa phương phát triển./.



TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường