Gần đây, những người nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) ở vùng ĐBSCL rất bức xúc trước tình trạng thức ăn thuỷ sản (TATS) và thuốc thú y thuỷ sản (TYTS) kém chất lượng, giá liên tục tăng. Vụ tôm năm 2011, nông dân các tỉnh ven biển thiệt hại hơn 70%, trong đó nguyên nhân do TATS và thuốc TYTS là không ngoại lệ.
Khi chiết khấu cho đại lý lãi tới 100%
Thuốc TYTS hiện nay thật giả lẫn lộn, gây hoang mang cho người nuôi tôm và cả người nuôi cá. Theo anh Hoàng Phúc - một chủ đại lý thuốc TYTS cấp 1 tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu - ngay như anh cũng không thể phân biệt được thật giả. Anh cho biết: “Các công ty hiện nay có chính sách khuyến mãi từ 15 – 30% cho đại lý tùy theo từng loại thuốc và thức ăn. Tôi bán nhưng vẫn còn nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, nếu bán được thì đại lý của tôi lãi cao, còn người nuôi mang đi xử lý cho ao tôm thì chưa biết thế nào”.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) - bức xúc: “Một số công ty mới ra đời, tung sản phẩm ra thị trường với chính sách mua 1 tặng 1, nghĩa là khuyến mãi cho khách hàng 100%. Thử hỏi khuyến mãi như vậy thì chất lượng có đảm bảo hay không?”. Trước những lời “đường mật” này, hiệp hội tôm của ông tìm cách không mua, mà chỉ chọn mua những sản phẩm truyền thống.
Thuốc TYTS khuyến mãi không sợ bằng thuốc TYTS kém chất lượng. Nông dân mua phải những loại sản phẩm này sẽ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang. Ông Nguyễn Thanh Hiền ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) là nạn nhân của việc sử dụng thuốc TYTS kém chất lượng, bức xúc: “Lúc trước, ao tôm tôi đáy ao bị dơ, tôi ra chợ mua thuốc về đánh xuống là vài ngày sau nước ao sạch trở lại. Gần đây tôi ra chợ Bạc Liêu mua thuốc về để xử lý đáy ao như cũ, được nhân viên giới thiệu loại thuốc mới ra rất có hiệu quả. Về xử lý 2 ngày mà nước vẫn như cũ, tôi tìm đến Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh nhờ các kỹ sư tư vấn, loại thuốc tôi mua về mới xử lý được”.
Việc xử lý đáy ao còn gặp cảnh như vậy, nếu gặp trường hợp ao tôm có nghi ngờ bị bệnh mà mua phải thuốc giả về xử lý thì chỉ còn cách thu hoạch sớm...
Thuốc giả, thức ăn quá hạn sử dụng
Với đà trúng tôm vụ trước, các nhà sản xuất TATS “mỉm cười”. Năm nay, hộ nuôi sẽ nhiều, diện tích nuôi sẽ tăng, các nhà máy chế biến TATS trong nước tranh thủ nhập khẩu lượng hàng lớn để đáp ứng nhu cầu người nuôi. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài, người nuôi “e dè” việc thả giống, còn ngành chức năng thì khuyến cáo hạn chế thả giống vào lúc này. Các nhà sản xuất TATS lâm vào “thế kẹt” bởi theo quy định của ngành chức năng, TATS đưa ra thị trường quá 3 tháng (đối với sản xuất tại Việt Nam) hoặc 6 tháng (đối với nhập khẩu) bị coi là quá hạn sử dụng. Trước tình hình tôm chết như hiện nay, nhà sản xuất TATS chỉ còn cách thu về tiêu hủy hoặc tái chế.
Dĩ nhiên, chuyện tiêu hủy chỉ diễn ra khi nào các ngành chức năng phát hiện, trong thực tế rất ít doanh nghiệp tự tiêu hủy hàng hóa của mình. Ông Võ Hồng Ngoãn - người nuôi tôm lão luyện ở Bạc Liêu - cũng bị TATS kém chất lượng làm tôm bị bệnh phân trắng, phải tốn kém tiền bạc và thời gian mới xử lý được.
Trách nhiệm của ai?
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại TATS và thuốc TYTS kém chất lượng. Vàng thau lẫn lộn, người nuôi tôm rất khó phân biệt. Theo quy định, khi kiểm tra lấy mẫu để xét nghiệm trên bao sản phẩm (không phải lô), thời gian cho kết quả khá lâu. Chi phí xét nghiệm (do người mua chịu) khá cao. Chính vì vậy nên rất ít người nuôi đem TATS và thuốc TYTS đi xét nghiệm trước khi mua. Khi kết quả xét nghiệm được công bố, nếu kém chất lượng sẽ bị phạt tối đa 20 triệu đồng. Mức phạt này không đủ sức răn đe đối với nhà sản xuất.
Theo ông Võ Hồng Ngoãn: “Nông dân lười lao động mà nghèo thì đã đành, người siêng năng cật lực lao động mà nghèo vẫn hoàn nghèo đó là do họ mua thuốc giả về xử lý ao tôm. Vì nghèo không mua được thuốc, thức ăn chất lượng, phải mua loại rẻ tiền, mà rẻ tiền thì rất dễ mua nhầm đồ giả, còn cách bán nhà trả nợ mà thôi”.
Để giảm bớt nỗi lo chất lượng TATS và thuốc TYTS, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu thường xuyên tập huấn kỹ thuật cho người nuôi tôm. Trong quá trình tập huấn, các kỹ sư luôn đưa ra khuyến cáo nên sử dụng thuốc loại nào cho phù hợp. Chi cục trưởng Phạm Hoàng Giang cho biết: “Chúng tôi biết làm vậy là không nên, vì có thể người dân cho rằng chúng tôi quảng cáo không công cho các hãng thuốc, nhưng đây cũng là cách nhằm hạn chế thiệt hại đối với người dân”.
Một lời khuyên từ Sở NNPTNT Bạc Liêu: Nông dân cần thận trọng trong việc chọn mua TATS và thuốc TYTS. Vậy trách nhiệm lại thuộc về phía người tiêu dùng(!).
Theo Nhật Hồ - Phan Thanh
Lao động