Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Bốn nhà” có liên mà chưa kết
01 | 09 | 2007
Sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (gồm nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) sẽ là yếu tố để nâng cao vị thế của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới và trong nước.
Đây cũng là hướng đi tất yếu của một nền nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa. Tuy vậy, sau hơn 4 năm thực hiện quyết định 80 của Chính phủ: 4 nhà có liên mà chưa kết.

Liên kết 4 nhà là sản xuất theo hợp đồng, văn minh của nền sản xuất hàng hóa cả thế giới làm không chỉ riêng Việt Nam. Thực tế cho thấy, quốc gia nào có sự phối hợp đồng bộ giữa nông dân và doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện công tác quy hoạch sản xuất và chế biến nông sản, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lưonựg và sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm thì sẽ trở thành cường quốc về xuất khẩu nông sản. Ở nước ta, Quyết định 80 của Chính phủ về liên kết 4 nhà, khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân triển khai đã hơn 4 năm, nhưng đến giờ tình trạng chung vẫn là có liên mà chưa kết. Vì, các nhà vẫn mạnh ai nấy làm. Nếu ở đâu đó có sự liên kết thì sự phá vỡ hợp đồng vẫn là chuyện thường nhật. Vì sao vậy? Xin thưa, sản xuất nông nghiệp của nước ta cho đến nay - mặc dù, đã có những mặt hàng đứng nhất nhì thế giới, như hạt tiêu, điều, gạo, cà phê… nhưng vẫn là một nền sản xuất nhỏ, lẻ, ruộng đất manh mún, bình quân không quá 0,7 ha/hộ. Một doanh nghiệp không thể ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hàng ngàn hộ nông dân, mà phải thông qua đội quân thương lái – mua gom. Ngược lại, nông dân chỉ canh tác vài ba mảnh ruộng cũng không cần ký hợp đồng 4 nhà làm gì. Vì, sản phẩm ít bán đâu chẳng được. Vả lại, chưa đến mùa thu hoạch thương lái đã vào tận nhà “thăm hỏi”. Vì thế, rất nhiều người đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp, đến kỳ thu hoạch cũng chẳng cần giữ chữ tín, ai mua hơn giá là bán. Xin nêu một ví dụ gần đây nhất, về sự đổ vỡ một mô hình 4 nhà. Đó là dự án: Mô hình gắn kết sản xuất với chế biến xuất khẩu tinh dầu bạc hà ở tỉnh Hà Nam.

Năm 2004, công ty cổ phần dược phẩm Hà Nam (xin được gọi tắt công ty dược) triển khai dự án trồng bạc hà ở 7 xã thuộc 5 huyện, với gần 40 ha; trong đó xã Mộc Bắc (huyện Duy Tiên) có diện tích lớn nhất 36 ha. Theo hợp đồng đã ký, người trồng có trách nhiệm bán sản phẩm là tinh dầu bạc hà cho công ty dược. Công ty dược vừa là nhà khoa học, vừa là nhà doanh nghiệp có nhiệm vụ: cung cấp 100% giống cây bạc hà SK33 cho nông dân trồng trong vụ đầu; cung ứng phân bón, vật tư; hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, cất tinh dầu bảo đảm hạt tiêu chuẩn xuất khẩu; hỗ trợ vốn dưới hình thức cho vay không tính lãi trong 2 năm và bao tiêu 100% sản phẩm. Qua năm đầu, thực hiện hợp đồng êm xuôi. Đến năm thứ 2, công ty ứng tiền đầu tư trồng 126 ha và nông dân cam kết bán 1,5 tấn tinh dầu bạc hà. Thực tế chỉ mua được 280 kg. Giải thích hiện tượng này, phía Công ty đổ lỗi cho bà con nông dân kém ý thức, không làm đúng hợp đồng; còn bà con nông dân ở Mộc Bắc kêu, giá mua tinh dầu của công ty dược quá thấp, không bám sát thị trường để điều chỉnh cho phù hợp, nên nông dân bán cho tư thương. Cụ thể, năm đầu tiên (2004) giá tinh dầu công ty ký với nông dân 145.000 đồng/kg, vào thời điểm thu hoạch giá thị trường là 160 – 170.000 đồng/kg. Năm 2005, giá ký 165.000 đồng/kg, lúc thu hoạch giá thị trường lên tới 180.000 – 190.000 đồng/kg, có lúc 230.000 đồng/kg. Mặt khác, công ty cũng không đầu tư vốn 100% nên không thể ràng buộc nông dân hoàn toàn. Kết quả, sự kỳ vọng thành công của mô hình liên kết 4 nhà, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Hà Nam mới thực hiện được 2 năm đã đổ vỡ. Tuy vậy, chính quyền địa phương vẫn “vô can”.

Nếu ở Hà Nam nông dân phá hợp đồng vì giá mua tinh dầu của công ty dược quá rẻ, thì ngược lại, hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long mía nguyên liệu cung vượt cầu, giá chỉ còn 180 – 200đ/kg, trong khi giá thành sản xuất đã là 280 đ/kg. Nhiều nhà máy đường đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá 350 – 400 đ/kg lại “xù” hợp đồng. Để tránh tiếng doanh nghiệp bội tín với nông dân, không “xù” công khai, họ dùng thủ thuật vẫn treo biển mua đúng giá, nhưng đánh thấp chữ đường, tăng tỷ lệ trừ tạp chất, để mía chở về lâu ngày mới cân vào nhà máy… nhằm giảm giá mua tối đa. Hậu quả nhà nông gánh chịu (!).

Từ thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Sản xuất đã manh mún, mua – bán lại tùy tiện việc liên kết 4 nhà chỉ là khẩu hiệu, là sự hô hào chung chung. Biết rằng, đây là đòi hỏi bức xúc của nông nghiệp, nông thôn sau khi nước ta đã gia nhập WTO, nhưng xin được nhắc lại: chỉ sản xuất với quy mô lớn nông dân mới có nhu cầu hợp tác./.



vov
Báo cáo phân tích thị trường