Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chủ động và nâng cao hiệu quả phòng chống dịch cúm gia cầm
23 | 08 | 2007
Tình trạng ăn thịt gia cầm nhiễm bệnh và không rõ nguồn gốc có nguy hại cho sức khỏe, nguyên nhân dẫn đến cúm A ở người đã được cảnh báo nhiều, nhưng ý thức phòng dịch của người dân còn rất hạn chế, nhiều biểu hiện còn rất chủ quan.
 

Nguy cơ phát tán dịch nhanh

Dịch cúm gia cầm (DCGC) khởi tái phát tại 2 tỉnh tận cùng phía cực Nam của Tổ quốc là Cà Mau và Bạc Liêu và đang có tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán dịch nhanh, lan rộng ra nhiều địa bàn khác. Chỉ sau hơn 2 tuần phát hiện, ổ dịch đã lan sang tỉnh lân cận là Hậu Giang, rồi Sóc Trăng. Ở Bạc Liêu, đến chiều 31/12, DCGC đã lan rộng ra thêm 7 xã, ở 5 huyện. Theo kết quả của Thú y vùng 7, có thêm 5 mẫu xét nghiệm gia cầm cho kết quả dương tính H5N1. Tổng đàn gia cầm ở các hộ trên phát hiện bệnh và tiêu hủy 1.560 con vịt. Như vậy, đến thời điểm này toàn tỉnh Bạc Liêu đã có tổng số gia cầm đã được đã tiêu hủy lên đến hơn 4.000 con. Trong đó, có 1 đàn vịt đẻ 320 con của ông Đặng Văn Nới, ấp Lá Viết Ngọn, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, dù đã được tiêm vắc-xin đủ 2 lần nhưng vẫn bị nhiễm bệnh. Ở Cà Mau, đến nay DCGC đã xuất hiện ở 11 xã, 1 thị trấn, 1 phường thuộc 4 huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Thới Bình và thành phố Cà Mau.

Điều đáng lo ngại là có một gia đình ăn thịt gia cầm mắc dịch đã có 4 người bị nhiễm bệnh, phát sốt, phải gấp rút đưa vào bệnh viện. Chiều 30/12/2006, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo kết quả xét nghiệm âm tính đối với toàn bộ mẫu bệnh phẩm của 4 bệnh nhân nghi mắc cúm A (H5N1) ở ấp Ông Ngươn, xã Lâm Hải (huyện Năm Căn) và những người đã tiếp xúc với 4 bệnh nhân này. Trước đó, 4 bệnh nhân trong một gia đình gồm mẹ là Đỗ Thị Hòa 37 tuổi và các con Nguyễn Phương Đông 13 tuổi, Nguyễn Văn Tỷ 7 tuổi, Nguyễn Đăng Phú 3 tuổi đã ăn thịt gà chết, sau đó có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp, đã được đưa vào bệnh viện huyện Năm Căn từ ngày 26/12/2006, được cách ly để điều trị theo phác đồ. Có hộ dân thấy gà chết, nhưng lại "tự lý giải" rằng do mùa đông, trời lạnh, gà bị chết, không sợ dịch bệnh đã làm thịt gà cho cả nhà ăn. Vừa ăn thịt gà xong thì cả 3 đứa trẻ bị sốt cao, suy hô hấp nặng, phải đi viện cấp cứu. Tình trạng ăn thịt gia cầm nhiễm bệnh và không rõ nguồn gốc có nguy hại cho sức khỏe, nguyên nhân dẫn đến cúm A ở người đã được cảnh báo nhiều, nhưng ý thức phòng dịch của người dân còn rất hạn chế, nhiều biểu hiện còn rất chủ quan.

Cần quản lý, kiểm tra chặt chẽ, phối hợp đồng bộ

Khẩn trương phòng chống và nhanh chóng dập tắt DCGC là chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của Chính phủ và Bộ chủ quản. Sáng 30-12, tại thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Bộ NN và PTNT đã triển khai chiến dịch phòng chống dịch cúm gia cầm ở khu vực phía Nam.Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Bùi Bá Bổng cho biết: Chiến dịch sẽ diễn ra từ ngày 1/1 đến 30/1/2007, các tỉnh sẽ tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ngành thú y tổ chức tiêm phòng vaccine cúm gia cầm mũi 2 và tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm, thủy cầm; tổ chức ra quân tháng hành động tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng chuồng trại và môi trường; triển khai các điểm mua bán gia cầm sống ở nông thôn và các điểm bán sản phẩm gia cầm tại các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh; củng cố các lò giết mổ tập trung, mở rộng đã được kiểm soát của cơ quan thú y; kiểm tra xử lý nghiêm việc ấp nở thủy cầm, vận chuyển, buôn bán, lò mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép; tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, tổ chức dập dịch ngay khi còn ở diện hẹp; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, hóa chất và vật tư phục vụ công tác chống dịch...

Cần xem phòng chống dịch cúm gia cầm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Sáng 31/12, ngày cuối cùng của năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau. Trong buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Nam Sông Hậu (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, TP Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang) và các bộ, ngành có liên quan, vấn đề được Thủ tướng đặc biệt quan tâm là những giải pháp phòng chống DCGC bùng phát trên diện rộng. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh có dịch phải tập trung lực lượng và phương tiện quyết liệt, khẩn trương dập dịch, không để DCGC lây lan và lây sang người. Hiện nay, các địa phương phải xem phòng chống DCGC là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân chứ không của riêng ngành nào, cấp nào; phải tăng cường công tác tuyên truyền về DCGC và phòng chống DCGC, giúp người dân hiểu rõ tác hại của dịch, biết cách tự phòng tránh và tích cực tham gia phòng chống dịch. Song song đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là đối với thực phẩm có liên quan đến thịt gia cầm, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân trong dịp Tết.

Trong khi Thủ tướng Chính phủ đã đến tận Cà Mau, nơi bùng phát ổ dịch để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch, nhưng sáng 1/1/2007, những chuyến xe khách và xe tải có chở gia cầm tiêu thụ ở thành phố Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh vẫn chạy thẳng băng, nhiều xe không bị dừng kiểm soát ở các Trạm thú y. Một số lớn gia cẩm vận chuyển từ vùng có dịch bằng đường sông và đường biển, đem bán sỉ và lẻ ở các địa phương khác vẫn không bị ngăn chặn, không được kiểm tra, kiểm soát.

Xem ra, đến thời điểm này, công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm ở các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy, các chợ đầu mối, các lò mổ còn lỏng lẻo, chưa được ngành chủ quản, cơ quan chức năng tổ chức chu đáo, thiếu chặt chẽ và chưa kịp thời. Trên các kênh rạch ở vùng có dịch vẫn còn xác gia cầm chết trôi theo dòng nước.

Để công tác phòng chống DCGC thực sự có hiệu quả, độ tin cậy cao, để gia cầm bày bán cho người tiêu dùng rõ nguồn gốc và sạch bệnh, đảm bảo an toàn, nhất là chống sự lây lan dịch bệnh, chính quyền các địa phương cần khẩn trương, kiên quyết chấp hành quy định của Chính phủ và chỉ đạo của ngành chủ quản, không xem nhẹ nguy cơ cảnh báo của cơ quan chức năng. Cần quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phối hợp đồng bộ các ngành, các cấp, các địa phương và sử dụng lực lượng, kinh phí, phương tiện, trang bị, thiết bị hợp lý, ưu tiên cho các địa bàn, các tuyến đường trọng điểm, các chợ đầu mối. Như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Phải khoanh vùng đã bị phát dịch và vùng nguy cơ trực tiếp nhiễm dịch, cô lập dịch, đồng thời thiêu hủy ngay gia cầm bị chết và bị bệnh; không được để lây lan sang người; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ tác hại của dịch cúm gia cầm, trên cơ sở đó nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Các địa phương cần phát hiện sớm dịch bệnh để xử lý kịp thời, tăng cường khả năng vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh. Về tổ chức chăn nuôi gia cầm sắp tới, Thủ tướng chỉ đạo, đối với nông dân các tỉnh Nam Sông Hậu chăn nuôi là nguồn thu nhập chủ yếu cho kinh tế gia đình, nên không thể có chuyện cấm chăn nuôi. Nhưng để gia cầm không bị dịch bệnh thì phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn từ đầu, đó là phải bắt buộc các chủ cơ sở ấp trứng gia cầm phải tiêm phòng ngay sau khi gia cầm nở 14 ngày rồi mới được phép bán cho người nuôi.



Theo VOV
Báo cáo phân tích thị trường