Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Công điện số 04/BNN/CĐ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT
12 | 07 | 2007
Ngày 07 tháng 01 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ban hành Công điện số 04/BNN/CĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành trong Ban chỉ đạo quốc gia PCDCGC về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cụ thể phòng, chống bệnh cúm gia cầm tái phát. Nội dung Công điện như sau:
Hiện nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại và lây lan tại 34 xã, phường thuộc 15 huyện, thị của 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang (tính đến ngày 05/01/2007). Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp với các tỉnh, thành phố, đồng thời ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy vậy, tới nay các ổ dịch chưa được dập tắt, sự lây lan dịch bệnh vẫn tiếp tục; việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến tích cực, công tác tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin không được thực hiện nghiêm túc, việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc nhập lậu gia cầm qua biên giới gia tăng; nhận thức của một bộ phận nhân dân trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người chưa tốt, thậm chí có người vẫn ăn gia cầm chết hoặc tiết canh thuỷ cầm. Đặc biệt, công tác chỉ đạo phòng chống dịch của các cấp chính quyền ở cấp thôn, ấp, xã ở nhiều địa phương chưa thực sự sâu sát, kiên quyết.

Trước tình hình trên, để tiếp tục thực hiện Công điện số 2119/CĐ-TTg ngày 22/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp với các tỉnh Nam sông Hậu về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và dịch cúm A (H5N1) ở người tại văn bản số 01/TB-VPCP ngày 02/01/2007, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp cụ thể sau:

1. Huy động mọi phương tiện truyền thông và lực lượng (đoàn thể, các cấp, ngành…) tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về biện pháp phòng chống bệnh cúm trên gia cầm và đề phòng lây nhiễm bệnh cúm A (H5N1) ở người. Cần lập các đội xung kích, tổ tuyên truyền lưu động để việc tuyên truyền được đến tận thôn, ấp, đến người dân. Chỉ đạo đài truyền hình, phát thanh địa phương có chương trình phòng chống cúm gia cầm phát hàng ngày, tuyên truyền những điển hình tốt đồng thời phê phán những nơi thực hiện yếu kém.

2. Kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở tất cả các cấp.

Thủ tướng Chính phủ đã cử các thành viên Chính phủ đi kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở các tỉnh, thành. Các tỉnh, thành ngoài việc phân công lãnh đạo phụ trách địa bàn, phải lập đoàn kiểm tra về huyện, xã; huyện lập đoàn kiểm tra về xã, thôn. Việc kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, có hình thức xử lý những tổ chức, cá nhân không thi hành triệt để chỉ đạo phòng chống dịch của cấp trên.

3. Chỉ đạo tổ chức công tác giám sát dịch bệnh

Giao trách nhiệm giám sát dịch bệnh cho cấn bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở và nhân viên thú y, giám sát đến từng hộ, trại chăn nuôi gia cầm, xử lý nghiêm khắc nếu phát hiện dịch bệnh chậm hoặc dấu dịch. Có hình thức khen thưởng đối với người cung cấp thông tin dịch bệnh kịp thời. Ngành thú y tổ chức lấy mẫu giám sát huyết thanh và vi rút H5N1 thường xuyên trên đàn gia cầm.

4. Xử lý ổ dịch khi phát hiện gia cầm mắc bệnh, các biện pháp xử lý như sau:

- Công bố xã có dịch;

- Khoanh vùng dịch:

+ Vùng kiểm soát nghiêm ngặt là thôn, ấp nơi có gia cầm mắc bệnh. Biện pháp xử lý gồm: Tiêu hủy ngay đàn gia cầm mắc bệnh, không chờ kết quả xét nghiệm (lưu ý, trước khi tiêu hủy phải lấy mẫu để xét nghiệm); tiêu độc, khử trùng toàn bộ thôn, ấp bằng cách rắc vôi bột và phun thuốc sát trùng ít nhất 2 ngày 1 lần; nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa chế biến chín ra khỏi vùng kiểm soát;

+ Vùng giám sát là vùng có bán kính 3 km từ thôn, ấp có dịch. Biện pháp xử lý gồm: tiêu độc, khử trùng nơi chăn nuôi, chợ, nơi công cộng ít nhất một tuần 2 lần; lập chốt kiểm soát vận chuyển gia cầm ra vào vùng; khử trùng phương tiện vận chuyển ra khỏi vùng; tiêm phòng toàn bộ gia cầm thuộc diện theo qui định kỹ thuật; giám sát chặt chẽ việc mua bán, tiêu thụ gia cầm; chỉ được vận chuyển, buôn bán trong vùng gia cầm khoẻ mạnh và sản phẩm gia cầm đã tiêm phòng; chỉ được phép vận chuyển sản phẩm ra khỏi vùng gia cầm và sản phẩm gia cầm khoẻ mạnh, đã được tiêm phòng từ những trang trại nuôi tập trung quy mô lớn, có giám sát của cơ quan thú y;

- Khi các thôn, ấp có dịch trong xã đã qua 21 ngày không phát sinh thêm gia cầm bị bệnh thì công bố xã hết dịch, mọi hoạt động liên quan đến gia cầm trong xã và vùng giám sát trở lại bình thường như các vùng không có dịch khác.

5. Tiêu độc, khử trùng

Thực hiện theo nội dung Công văn số 3495 BNN-TY ngày 29/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó chú ý các việc sau:

- Đối với hộ chăn nuôi nhỏ: UBND xã tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng đồng loạt ít nhất 1 tuần 1 lần.

- Đối với cơ sở chăn nuôi tập trung: người chăn nuôi tự tổ chức tiêu độc, khử trùng ít nhất 2 ngày 1 lần.

- Nơi giết, mổ gia cầm: chủ cơ sở tổ chức tiêu độc, khử trùng nơi giữ gia cầm trước khi giết mổ và nơi giết mổ hàng ngày sau mỗi ca bằng cách thu gom, xử lý triệt để chất thải và nước thải; cọ rửa, phun thuốc khử trùng.

- Chợ buôn bán gia cầm: Ban quản lý chợ tổ chức tiêu độc, khử trùng hàng ngày hoặc cuối buổi chợ bằng cách thu gom, xử lý rác thải, rắc vôi bột hoặc phun thuốc sát trùng.

- Chính quyền cơ sở tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng đồng loạt 2 tuần 1 lần ở những nơi khác có nguy cơ cao.

6. Tiêm phòng vắc xin

- Rà soát công tác tiêm phòng, thống kê số gia cầm có mặt trên địa bàn chưa được tiêm, nhu cầu vắc xin, phương tiện tiêm phòng, bảo hộ lao động cho người tiêm phòng.

- Khẩn trương tiêm phòng bổ sung cho tất cả gia cầm thuộc diện tiêm tại địa bàn không kể đến nguồn gốc gia cầm; bảo đảm số mũi tiêm theo qui định, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng. Không xua đuổi vịt đàn của địa phương khác đang chăn thả trên địa bàn khi chưa tiêm phòng theo quy định làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

7. Kiểm soát vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ

- Việc vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nơi có dịch thực hiện như mục 4 của Công điện này.

- Tổ chức giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn theo quy định; tổ chức lực lượng xung kích kết hợp với thú y lập các chốt chặn trên các tuyến đường bộ và đường thủy; ngăn chặn triệt để vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến chín không có giấy kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Xử lý nghiêm khắc trường hợp vi phạm theo quy định của Pháp lệnh Thú y.

- Huy động lực lượng kiên quyết ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến chín qua biên giới, giao cơ quan chức năng tìm ra những đầu nậu thu gom hàng vận chuyển vào sâu nội địa, có hình thức xử lý kiên quyết, thích đáng; đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến chín qua biên giới.

- Triển khai ngay công tác kiểm tra chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm sống, sản phẩm gia cầm ở khu vực nội thành, nội thị, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

Đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thực hiện tốt các yêu cầu nêu trong Công điện này. Trong quá trình thực hiện, phản ánh kịp thời vướng mắc cho Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm.

BỘ TRƯỞNGTRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PCCGC

(Đã ký)

Cao Đức Phát



Báo cáo phân tích thị trường