Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiền tỉ đem vãi lên rừng
09 | 10 | 2007
Năm 2002, Nghệ An mở chiến dịch trồng cây sở (đợt một) trên diện tích 5.700ha tại 12 huyện. Chỉ một năm sau, hàng triệu cây sở với tổng đầu tư 13 tỉ đồng chưa kịp xanh tốt đã lâm vào tình trạng... thoi thóp. Dù vậy, điều trớ trêu là đến giờ người ta vẫn tiếp tục “đầu tư” cho cây sở.

Cây... “khổ sở”

Tôi tìm đến bản Khe Chi ở huyện Tương Dương. Ông trưởng bản Lữ Xuân Toán sửng sốt: “Sở chết hết cả rồi mà tìm đến làm gì?”. Rồi ông giở cuốn sổ ghi chép kế hoạch trồng sở, tỉ mẩn dò từng con số: “Tháng 11-2003, trên giao cho bản nhận hơn 20ha. Do trồng vào mùa khô nên chỉ một tháng sau cây chết rụi. Cây nào chưa chết thì không phát triển được hoặc bị bò ăn, giẫm nát”.

Rồi ông xăng xái dắt tôi lên núi Pu Na Cọc. Khoát tay chỉ một vùng cây dại, ông nói: “Cả vùng này trồng 6,3ha. Phát quang, đào hố, đưa được bầu giống lên trồng vất vả lắm nhưng khi đi kiểm tra chỉ thấy cây thực bì tốt lút đầu, chẳng thấy cây sở nào sống sót”. Cách núi Pu Na Cọc một thung lũng là núi Khe Ngụn, Khe Pènh và Pu Phá Đánh, nơi mà các dự án trồng cây sở khẳng định “cây sở sẽ thành rừng phòng hộ và cho quả xuất khẩu” giờ cũng chỉ thấy ngút mắt các loại cây rừng tạp.

Ông trưởng bản bức xúc: suất đầu tư 1ha cây sở trồng ở đây chỉ được 600.000 đồng cho đợt một, trong khi đó lẽ ra là phải nhận được 1.657.000 đồng/ha. Rồi ông kết luận: đồng tiền đầu tư cho cây rơi rớt dọc đường; đồng tiền về tận tay dân bản không đủ thì họ không thể bỏ công chăm sóc cây chu đáo.

Rời Khe Chi, tôi ngược lên bản Ang thuộc xã Xá Lượng. Tìm gặp dân thì phó bản Vi Văn Tính ái ngại: “Giờ này dân bản đang ở trong rừng hết rồi. Nhà báo cứ xuôi thành phố đi, có gì chúng tôi sẽ báo cáo sau”.

Vậy mà trên đường vào vùng rừng Hín Pún, vào nhà chị Lương Thị Tâm, tôi thấy cả nhà đang ngồi bàn chuyện cây sở. Chị Tâm cho biết: “Năm 2002 gia đình tôi nhận trồng 316 cây (tương đương 1/4ha) từ chủ lô Quang Thị Hương nhưng chủ lô mới chỉ cho ứng 1/3 số tiền là 100.000 đồng. Sau đó thêm hai lần đi phát cây tạp, chăm sóc cây sở nhưng họ cũng không trả thêm một đồng nào nữa”.

Anh Quang Văn Xón, người nhà chị Tâm, trồng 570 cây nhưng nhận tiền đến ba lần cũng chỉ được 200.000 đồng. Anh Xón cho biết: “Rừng của tôi thuộc chủ lô Lộc Văn Tuấn nhưng khi nhận tiền, ông Tuấn không cho chúng tôi ký vào bất kỳ một chứng từ nào để làm cơ sở thanh toán về sau. Làm ăn nhập nhèm kiểu đó nên tôi thôi, không chăm cây nữa”.

Trước đó, tại ủy ban xã Xá Lượng, tôi nghe anh Kha Văn Thông - cán bộ lâm nghiệp xã - kể chuyện mất trắng rừng. Anh nói: “Dân trong xã trồng 79,2ha nhưng riêng bản Ang và bản Cửa Rào 2 đã báo mất 17ha rừng sở. Trong bốn vùng Khe Pụng, Hín Pún, Hín Động và Khe Kèo duy nhất chỉ có vùng Khe Kèo đang còn có một số cây”.

Tôi theo anh Thông ngược rừng vào Khe Kèo và vất vả lắm anh mới tìm chỉ cho tôi được một cây sở: cây chỉ cao hơn mặt đất chừng nửa mét dù đã trồng được bốn năm. Ông Vi Văn Sâm - nguyên viện trưởng viện kiểm sát huyện, nghỉ hưu, hiện là tổ trưởng bản Cánh - cho biết: “Có gia đình đổ hết lao động vào trồng cây. Cây không lớn nổi vẫn cố chăm sóc vì nghe ban dự án nói sang năm thứ tư sẽ có thu hoạch. Thế mà hết năm thứ tư rồi cây sở vẫn không vượt quá 50cm. Thấy vậy ai cũng chán ngán”.

Ngược lên xã Hữu Kiệm và xã Tà Cạ thuộc huyện Kỳ Sơn, chủ tịch xã Tà Cạ - ông Hạ Giông Dùa - không giấu giếm: “Năm 2003 bản Cánh, bản Bình Sơn 1 và bản Cầu Tám trồng 30ha nhưng khi đi kiểm tra vòng một đã có 50% diện tích cây sở bị chết rũ. Trước đây, để vận động bà con, từ tỉnh đến huyện đều nói cây sở là cây xóa đói giảm nghèo cho vùng cao. Giờ thì đấy, mới trồng đã chết hàng loạt thì lấy gì mà xóa đói nghèo”. Cả xã Tà Cạ trồng được 100ha thì cả 100ha cây sở đều chết sạch.

Đi tìm nguyên nhân

Sau bốn năm cây sở ở bản Ang cao chưa quá 70cm - Ảnh: V.TOÀN

Tôi tìm gặp ông Lô Thanh Hài - phó chủ tịch phụ trách mảng nông lâm nghiệp, trưởng ban chỉ đạo trồng sở trên địa bàn huyện Tương Dương. Rất bất ngờ là ông Hài... không biết huyện mình có mấy xã trồng và trồng bao nhiêu hecta cây sở. Và ông cũng... thật thà nhận rằng “chẳng biết cây sở sống chết thế nào”(!).

Bất ngờ hơn, ông Chu Văn Hùng - trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương - khẳng định như đinh đóng cột: “Mặc dù dự án cây sở trong toàn tỉnh đã thất bại nhưng tại Tương Dương, hằng tháng tỉnh vẫn rót kinh phí đầu tư, chăm sóc 45,5ha cây”.

Ngạc nhiên hơn nữa khi ông Nguyễn Thọ Cảnh - giám đốc Sở NN&PTNT - và ông Hoàng Văn Long - chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An - đồng tình với việc rót kinh phí này vì “chưa tổng kết, nghiệm thu, thanh lý dự án nên chúng tôi vẫn đầu tư chăm sóc với hi vọng sẽ được một cái gì đó (?!)”.

Chúng tôi đem những điều mắt thấy tai nghe trao đổi với ông Nguyễn Thế Trung - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Ông Trung nguyên là phó chủ tịch tỉnh, phụ trách dự án trồng 5.700ha cây sở. Ông Trung thông tin: “Tỉnh đã dừng dự án từ lâu và đã có đánh giá tổng kết rồi, không có chuyện tiếp tục đầu tư chăm sóc gì nữa”. Ông Trung hoàn toàn không biết dự án cây sở trên địa bàn vẫn còn thoi thóp đến tận giờ.

Cây sở được trồng hàng loạt và chết hàng loạt, có người đổ lỗi “do khí hậu miền núi quá khắc nghiệt; do bảo vệ không tốt để trâu bò ăn, giẫm nát”. Thế nhưng ngay cả ở dưới xuôi cây sở cũng chẳng phát triển được. Riêng chuyện nhiều người dân trực tiếp trồng sở phản ảnh nguồn tiền đầu tư không đến tay họ đầy đủ thì nhiều năm qua các cơ quan chức năng chưa một lần đề cập. Lại có người bảo “chỉ trồng thử nghiệm”. Chỉ thử nghiệm thôi mà lại đầu tư tới 13 tỉ đồng, trồng trên diện tích 5.700ha (!) để bây giờ tất cả đổ sông đổ biển.

Cây sở thuộc họ chè, là loại cây trồng lấy hạt. Ngoài tác dụng phòng hộ, chống xói mòn, bảo vệ môi trường, cây sở còn có giá trị kinh tế chế biến hạt thành dầu ăn cao cấp. Bã hạt sở (sau khi ép dầu) làm nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật. Lá cây sở chứa nhiều chất tananh, có thể phục vụ công nghiệp thuộc da.



(Nguồn: Tuổi trẻ)
Báo cáo phân tích thị trường